Vào lúc 3 giờ chiều ngày 21/1, tôi nhận được thông báo, viện dưỡng lão sẽ được sắp xếp một phần làm khu cách ly để kiểm dịch. Chúng tôi đã dành gần 10 giờ để đóng gói tất cả các vật dụng của hơn 80 người già trong bệnh viện và chuyển họ sang nơi khác một cách an toàn" - Trần Quân Hà cho biết.

Khu vực cách ly cần một đầu bếp, nấu bữa ăn cho nhân viên y tế và bệnh nhân mỗi ngày. Tuy nhiên, do nhân lực không đủ, cô đã quyết định tình nguyện vào bếp để đảm bảo trận chiến trên tuyến đầu không bị gián đoạn.

So với việc làm bác sĩ trưởng khoa của viện dưỡng lão, công việc "nhóm lửa thổi cơm" không hề đơn giản. Trần Quân Hà phải thức dậy lúc 5 giờ mỗi ngày, bận rộn cho tới khuya mới hết việc. Cứ như vậy, cô chiến đấu liên tục 6 ngày đêm, phục vụ đầy đủ 3 bữa ăn mỗi ngày cho hơn 30 người bao gồm cả các nhân viên y tế và bệnh nhân. Có những ngày Trân Quân Hà bận tới mức không còn thời gian về nhà nghỉ ngơi.

"Nhờ có bác sĩ Trần, các nhân viên y tế tuyến đầu của chúng tôi mới có thể ăn được những bữa cơm đầy đủ trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này"- một nhân viên y tế tại Bệnh viện Kinh Sơn bày tỏ lòng biết ơn với vị trưởng khoa.

Nói về lý do tại sao mình lại nhận việc vào bếp nấu ăn, Trần Quân Hà cho biết: "Tôi xem tin tức thấy rằng các nhân viên y tế tuyến đầu của chúng tôi đều bận rộn mỗi ngày, họ đều bất tiện trong việc đảm bảo ăn uống đủ bữa. Bởi vậy, tôi cảm thấy mình có lo lắng cũng chẳng tác dụng gì, chi bằng cống hiến chút sức lực, vào bếp lo bữa ăn cho các nhân viên y tế tại đây, hỗ trợ họ khi họ cần".

Theo phunuvietnam