Khảo sát thực hiện từ tháng 4 đến tháng 5, với hơn 170 bác sĩ khắp Nhật Bản, kết quả công bố hôm 15/5. Theo đó, khoảng 4/5 nhân viên y tế cho biết họ không được cung cấp đồ bảo hộ khi thực hiện các thủ thuật điều trị nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao.
Nhiều người cho rằng chính phủ và các địa phương cũng thất bại trong việc hỗ trợ tài chính và đảm bảo an toàn cho bệnh viện tuyến đầu. 70% đánh giá giới chức không xử lý tình huống một cách đúng đắn.
Vì tình trạng thiếu hụt, các y bác sĩ phải dùng lại khẩu trang phòng độc N95. Một nhân viên y tế cho biết đã tái sử dụng khẩu trang cho đến khi dây đeo bị đứt.
Trước đó, khi đại dịch cao điểm, nhiều bệnh viện ở các tỉnh, thành phố lớn bị ảnh hưởng nặng nề, cố gắng "co kéo" nguồn cung đồ bảo hộ bằng các vật dụng thay thế. Trên trang web chính thức, một cơ sở y tế ở Osaka đã kêu gọi người dân ủng hộ áo mưa và áo choàng dành cho người lớn. Nhiều bác sĩ phải đeo túi rác khi điều trị cho bệnh nhân.
Nhiều tuần liền, các chuyên gia cảnh báo hệ thống y tế nước này có thể sớm bị đẩy đến bờ vực, nói rằng họ không chắc chắn liệu bệnh viện có đủ nguồn cung khẩu trang hay không.
Ngày 14/5, Thủ tướng Shinzo Abe đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại 39 trong số 47 tỉnh thành, giảm lệnh hạn chế đối với 54% dân số. Tuy nhiên, Tokyo và một số thành phố lớn, đầu não kinh tế Nhật, vẫn áp dụng quy định giãn cách xã hội.
Tính đến ngày 18/5, Nhật Bản ghi nhận gần 16.300 ca dương tính nCoV, không kể các trường hợp lây nhiễm trên du thuyền Diamond Princess cập cảng Yokohama hồi đầu năm nay. Số ca tử vong hiện là 748, theo thống kê của NHK.
Theo vnexpress