leftcenterrightdel
 Giáo sư Sir Roy Calne qua đời ở tuổi 93

Gia đình giáo sư cho biết ông đã qua đời ở Cambridge, vào tối muộn ngày 6/1 (giờ địa phương).

Con trai ông, Russell, nói với BBC rằng giáo sư là một người cha tuyệt vời: "Ông ấy là một nhân vật tuyệt vời, một người hơi lập dị và là một người cha tuyệt vời của 6 đứa con. Tất cả chúng tôi đều rất, rất tự hào về ông ấy vì tất cả những gì ông đã đạt được và làm được".

Vào ngày 2/5/1968, giáo sư Calne đã thực hiện ca phẫu thuật ghép gan đầu tiên ở châu Âu tại bệnh viện Addenbrooke ở Cambridge, một năm sau ca ghép gan thành công đầu tiên ở Mỹ.

Năm 1978, ông trở thành bác sĩ đầu tiên sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, loại thuốc này được cho là có hiệu quả trong việc giúp nội tạng sau khi cấy ghép ít bị đào thải hơn.

Hiệp hội Hoàng gia cho biết Calne đã thực hiện một loạt ca phẫu thuật “lần đầu tiên trên thế giới” và những ca cấy ghép gan của ông đã mang lại cho hàng ngàn người mắc bệnh gan giai đoạn cuối một cuộc sống bình thường.

Sir Roy Calne là giáo sư phẫu thuật từ năm 1965 đến năm 1998, thực hiện ca ghép thận đầu tiên ở Cambridge vào năm 1965 và ca ghép gan đầu tiên ở châu Âu 3 năm sau đó.

Vào tháng 7/2020, Angela Dunn, 74 tuổi, được cho là bệnh nhân ghép thận sống sót lâu nhất thế giới. Bà bày tỏ lòng biết ơn tới Calne nhân kỷ niệm 50 năm cuộc phẫu thuật, đồng thời nói thêm rằng trước cuộc phẫu thuật ở độ tuổi giữa 20, bà không mong đợi có thể sống đến 30 tuổi.

Theo phụ nữ TPHCM