Khi Covid-19 lần đầu tấn công vào năm ngoái, các thông tin về nó thay đổi theo ngày. Juliet Gerrard, cố vấn khoa học của Thủ tướng Jacinda Ardern, phải loại bỏ những lời khuyên từng được cả thế giới tin tưởng chỉ mới vài ngày trước.
"Không có thời gian để đưa ra bất cứ văn bản khoa học nào. Tất cả đều được xác nhận bằng lời nói", bà cho biết. Khi ấy, Thủ tướng Ardern muốn biết cả những điều vụn vặt nhất.
"Tôi liên tục đưa cho bà ấy các bản ghi âm, thông tin, đồ thị, bất cứ thứ gì bà ấy cần. Bà ấy nói mình không phải nhà khoa học, nhưng lại suy nghĩ một cách rất khoa học. Thủ tướng thích xem xét tất cả dữ liệu", tiến sĩ Gerrard kể lại.
Theo bà, lý do khiến chính phủ truyền đi các thông điệp rõ ràng là bởi Thủ tướng Ardern luôn đi sâu vào chi tiết và tìm cách đơn giản hóa chúng. Chiến lược dập dịch của New Zealand được học hỏi từ nhiều nơi. Lời khuyên bà Gerrard đưa ra là so sánh nghiên cứu tiêu biểu từ Italy, Anh, Iran - các nước có phản ứng ban đầu với dịch bệnh rất tệ, với Singapore, Hong Kong và Đài Loan - những nơi đi trước so với thế giới.
"Các quốc gia từng trải qua dịch SARS đều hiểu rằng cần hành động nhanh nhất có thể. Trong thời gian virus ủ bệnh, bạn sẽ tìm được đường lây của các ca nhiễm", bà nói.
Các nước có kế hoạch ứng phó đại dịch giống với xử lý cúm thường tập trung nhiều vào việc giảm thiểu bùng phát - một cách tiếp cận thiếu hiệu quả. New Zealand chủ động nhìn nhận Covid-19 như một loại bệnh riêng biệt, thoát khỏi chương trình dập dịch cúm.
Nước này có lợi thế là vị trí địa lý tách biệt, mật độ dân số tương đối thấp. Tuy nhiên, bà Gerrard nhận định nhiều quốc gia khác có điều kiện tương tự đã thất bại trước virus.
"Chúng tôi tận dụng tối đa vận may của mình", bà nói.
New Zealand chủ trương ngăn chặn sự lây lan của virus trong cộng đồng từ sớm bằng cách đóng cửa biên giới, phong tỏa nghiêm ngặt. Bà Gerrard chuẩn bị tinh thần đón nhận các bất đồng quan điểm khi quốc gia lần đầu đóng cửa, song ngạc nhiên là không có.
Nước này chỉ ghi nhận 26 ca tử vong vì Covid-19. Hầu hết năm qua, người dân sống bình thường với các hạn chế. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, việc triển khai vaccine ở đây còn chậm. Đến nay, 11% dân số được tiêm liều đầu tiên, 6% đã tiêm đầy đủ.
"Nếu nhìn quanh thế giới, đại khái là những nơi dập dịch tốt thường tiêm vaccine chậm. Điều này dễ hiểu, phải không?", Gerrard nói. "Những nơi ghi nhận nhiều người chết sẽ có rất, rất nhiều người tiêm vaccine. Công chúng cũng có động lực hơn. Đó là cách mọi người phản ứng với nỗi sợ hiện hữu".
Tình thế hiện tại khiến New Zealand dễ đón thêm đợt bùng phát. Tuần trước, bà Gerrard cung cấp cho Thủ tướng Ardern mô hình dịch tễ của Đài Loan. New Zealand từng xem đây như hình mẫu chống dịch. Đến nay, Đài Loan đang đón làn sóng Covid-19 mới với biến thể nCoV lây lan nhanh chóng.
"Đài Loan là hình cảnh cực tiêu biểu. Ban đầu yên bình, sau đó số ca nhiễm tăng đột biến", Gerrard nói.
Song bà vẫn lạc quan về tương lai của New Zealand. "Tôi coi sự tức giận của cộng đồng khi chính phủ chưa có vaccine là dấu hiệu cho thấy người dân muốn tiêm chủng", bà nói.
New Zealand đặt mục tiêu tiêm phòng toàn dân vào cuối năm nay. Nhưng việc mở lại đồng nghĩa chính phủ phải điều chỉnh cách tiếp cận với dịch bệnh.
"Sẽ có rất nhiều rủi ro. Nếu chúng tôi mất cảnh giác, nhiều người sẽ mắc bệnh, có cả những ca nặng. Điều quan trọng là cân bằng giữa lợi ích của việc mở cửa biên giới với rủi ro phải đóng cửa ngay sau đó", bà nói.
New Zealand cần đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng nhất định, bảo vệ cho cả nhóm yếu thế như người cao tuổi, người Maori và Thái Bình Dương. Bà Gerrard theo dõi chặt chẽ tình hình ở Israel, nơi triển khai vaccine hiệu quả và chuẩn bị mở cửa trở lại.
"Chúng tôi đi sau một chút so với nhiều quốc gia, những nước đang thử nghiệm, để học hỏi từ họ", bà nói.
Theo vnexpress