Aya, một cô gái trẻ làm việc tại khu tài chính của Tokyo (Nhật Bản), vừa lập gia đình và đang lên kế hoạch sinh em bé. Không riêng Aya, nhiều bạn bè khác của cô cũng cho biết muốn có con.

Theo SCMP, giới trẻ Nhật Bản ngày nay không còn quá e dè với việc sinh đẻ. Điều kiện họ đưa ra chỉ là tìm được một dịch vụ trông trẻ tốt để đi làm và chi phí giáo dục dài hạn không quá đắt đỏ.

Thời gian qua, khi chính phủ Trung Quốc ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy việc sinh thêm con trong các gia đình, nhiều người cho rằng những nỗ lực từ Nhật Bản có thể là một bài học cho đất nước tỷ dân.

                                             Một cặp vợ chồng và 2 con tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: EPA.


Những vấn đề tương đồng


Có khá nhiều điểm tương đồng về hành vi xã hội giữa Nhật Bản trong giai đoạn "bong bóng kinh tế" cuối những năm 1980 và Trung Quốc ngày nay, từ việc giải trí, mua sắm đến hẹn hò, kết hôn và sinh con.

Theo thống kê nhân khẩu học, Trung Quốc thực sự đi sau Nhật Bản khoảng 20 đến 25 năm. Những vấn đề dân số của Trung Quốc dường như đang xảy ra chính xác theo những gì Nhật Bản đã trải qua trước đây, nhưng với quy mô dân số lớn hơn khoảng 10 lần.

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm 15% trong năm 2020, năm giảm thứ tư liên tiếp. Nguyên nhân được cho là một phần do tác động của chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ và vẫn còn tác động đến ngày nay.

So sánh một số thống kê của Nhật Bản năm 1992 và Trung Quốc ngày nay có thể thấy được nhiều chỉ số giống nhau:

- Năm 1992, độ tuổi dân số trung bình của Nhật Bản là 38 tuổi. Đây cũng là độ tuổi trung bình được báo cáo tại Trung Quốc vào năm 2016.

- Chỉ số già hóa của Nhật Bản vào năm 1992 đạt 76%. Trung Quốc cũng ghi nhận con số này vào năm 2018.

- Năm 1992, tỷ lệ dân số từ 15 đến 35 tuổi (độ tuổi sinh sản lý tưởng) tại Nhật Bản là 35%. Đó lại là trường hợp của Trung Quốc vào năm 2020.

                                      Các đô vật sumo trong cuộc một cuộc thi dỗ trẻ em ở chùa Sensoji, Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.


Kể từ năm 1992, trong giai đoạn suy thoái kinh tế tại Nhật Bản, vấn đề dân số của đất nước này đã trở nên tồi tệ. Đến năm 2016, gánh nặng chi trả an sinh xã hội đã tăng gấp đôi so với năm 1993 và chính phủ Nhật Bản vẫn chưa thể đảo ngược xu hướng này.

Các nhà thống kê số liệu Nhật Bản thường xuyên dự báo rằng chi phí hỗ trợ người cao tuổi tại quốc gia này có thể gây phá sản quỹ an sinh xã hội và lương hưu của đất nước.

Theo SCMP, nếu Trung Quốc đang đi theo đúng con đường mà Nhật Bản đã đi, trong tương lai cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề tương tự.

Thế hệ Millennials


Tại Tokyo năm 1986, giai đoạn cuối của thời kỳ "bong bóng kinh tế", hầu hết người dân đều làm việc từ 12 đến 14 tiếng mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần. Với thu nhập rủng rỉnh, họ xuất hiện ở mọi địa điểm du lịch trên khắp thế giới, có thú chơi xa xỉ và không ngại việc sinh con, thế hệ Millennials ngày nay.

Người Trung Quốc ngày nay làm việc phổ biến theo nguyên tắc "996" (từ 9h đến 21h, 6 ngày/tuần), không khác Nhật Bản ngày trước là bao. Họ làm hết sức, chơi hết mình, tuy nhiên lại ngại sinh đẻ.


                           Phụ nữ học kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh tại một trường dạy nghề ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.


Các nguyên nhân được đưa ra là:

- Chi phí tốn kém. 3/5 cặp vợ chồng Millennials không có con cho rằng chi phí sinh con và nuôi dạy con cái là lý do chính khiến họ không có con.

- Phụ nữ thuộc thế hệ Millennial đặc biệt tập trung vào sự nghiệp và có lối sống giàu năng lượng. Họ cho biết có nhiều điều thú vị để làm hơn là sinh con.

- Nhiều cặp vợ chồng thích tập trung vào mối quan hệ riêng tư hơn là có thêm con trẻ.

- Quan niệm về sự an toàn và bầu bạn ở tuổi già đã lỗi thời. Nhiều người trẻ cho rằng họ sẽ già đi cùng với bạn bè và tiền bạc.

- Những lo ngại về tình trạng suy thoái và ô nhiễm khí hậu, bất ổn chính trị, kinh tế và bệnh tật khiến nhiều người do dự khi có con. Đại dịch Covid-19 xuất hiện càng củng cố tư tưởng này.

Theo SCMP, rõ ràng có nhiều vấn đề khiến người trẻ Trung Quốc ngày nay chẳng mấy mặn mà với con cái. Tuy nhiên, với những gì Nhật Bản đã xử lý với tình trạng khủng hoảng dân số của mình, Trung Quốc có thể coi đó là kinh nghiệm. Trong đó, giảm chi phí sinh sản và giáo dục có lẽ là việc làm có thể áp dụng đầu tiên.

Theo Zing