Ông Vinsensius Jemadu, Giám đốc Marketing Du lịch Vùng I của Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, phát biểu trong hội thảo trực tuyến với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam rằng, nước này quyết định mở cửa du lịch nội địa vào 31/7, và vào tháng 9 cho khách quốc tế.

"Bali là điểm sẵn sàng nhất để đón khách trở lại, vì Bộ Du lịch đã chọn bán đảo Nusa Dua (Bali) làm nơi thực hiện chương trình thử nghiệm đón khách hậu phong tỏa. Bali là thủ phủ du lịch của Indonesia, chúng tôi muốn đảm bảo nơi này an toàn trước khi mở cửa", ông Jemadu đánh giá.

Theo Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi, du lịch là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch. Với Indonesia, Bali là điểm đến ưu tiên phát triển hậu Covid-19. Nhờ thực hiện nghiêm ngặt những biện pháp phòng dịch, Bali đã mở cửa một phần sau ba tháng phong tỏa: cho phép người địa phương và khách nước ngoài mắc kẹt tại đây sinh hoạt bình thường tại nơi công cộng trước khi đón khách quốc tế đến vào cuối năm.

Đến nay, phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Bali đã gia hạn visa tự động cho hơn 7.000 du khách mắc kẹt trên hòn đảo.

Bên cạnh đó, ông Jemadu cho biết, Indonesia đang trong giai đoạn chuyển giao sau khi chính phủ nới lệnh hạn chế đi lại cho những vùng xanh và nỗ lực tái khởi động nền kinh tế. "Tất nhiên, chúng tôi có quy định dành cho du khách như xét nghiệm Covid-19, điền tờ khai y tế hoặc giấy chứng nhận sức khỏe... Nhưng lòng hiếu khách của người Bali vẫn nguyên vẹn".

Ông cho biết thêm, hiện Indonesia chủ yếu phụ thuộc vào du lịch nội địa; khuyến khích người dân du lịch tự túc từ thành phố này sang thành phố khác trong tháng 8 - 9, đi từ đảo này sang đảo khác hoặc tỉnh khác từ tháng 10 - 12. Ông tin rằng ngành du lịch có thể hồi phục một đến hai năm sau Covid-19.

"Covid-19 đã thay đổi hành vi của du khách, và sản phẩm yêu thích của họ. Tôi khá chắc chắn rằng, hậu Covid-19 những sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe, thiên nhiên, trải nghiệm ngoài trời sẽ được quan tâm. Chúng tôi muốn đảm bảo ngành du lịch sẵn sàng thích ứng với những biến động của thị trường và thích nghi với trạng thái bình thường mới", ông Jemadu chia sẻ.

"Với thị trường quốc tế, từ nay đến tháng 10 chúng tôi nỗ lực khẳng định vị thế điểm đến an toàn bằng những biện pháp phòng ngừa, đảm bảo vệ sinh tại mọi cơ sở kinh doanh liên quan đến du lịch. Bộ Du lịch sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể về những biện pháp phòng ngừa đại dịch cho ngành du lịch", ông Jemadu phát biểu.

Ông cũng bày tỏ Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược của đất nước vạn đảo. Đến tháng 12, Indonesia dự định mời những người nổi tiếng nước ngoài, trong đó có các KOL tại Việt Nam như siêu mẫu Minh Tú, phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa... khám phá xứ vạn đảo, để phục vụ chiến dịch quảng bá, thu hút sự chú ý của truyền thông.

Bãi biển Kelingking với mỏm đá hình khủng long T-Rex vươn ra biển là một trong những điểm check-in không thể bỏ qua tại Bali.

Đồng quan điểm với ngài Jemadu, ông Ferry J. Murdiansyah, Bí thư thứ hai phụ trách các vấn đề kinh tế III thuộc Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của những chuyến bay giữa hai nước trong bối cảnh hậu Covid-19. Ông hy vọng ngày càng có nhiều đường bay thẳng giữa Indonesia và Việt Nam hơn, để kích cầu du lịch.

Đến nay mới có Vietjet Air khai thác đường bay thẳng từ Hà Nội và TP HCM đến Bali với lịch khởi hành hàng ngày, trong khi đó Vietnam Airlines có đường bay thẳng từ TP HCM đến Jakarta và Bali với 5 chuyến khứ hồi một tuần cho mỗi chặng. Do ảnh hưởng của đại dịch, những đường bay này vẫn tạm dừng hoạt động.

Hiện Indonesia ghi nhận 93.657 người nhiễm bệnh, ít nhất 4.576 ca tử vong vì Covid-19. Tính đến 23/7, Bali ghi nhận ít nhất 2.934 ca nhiễm, trong đó 2.178 người đã bình phục và 46 trường hợp tử vong vì nCoV. Chính quyền địa phương đã thực hiện ít nhất 214.390 xét nghiệm nCoV tại khắp các chợ truyền thống, làng chài trên hòn đảo.

Theo vnexpress