Gần đây, nhiều cặp vợ chồng trẻ ở xứ Trung phản đối việc sinh thêm con dù chính phủ đã nới lỏng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Khác với số đông, Yashu Zhang (28 tuổi, đến từ Thượng Hải, Trung Quốc), vẫn còn độc thân, dự định sẽ đẻ nhiều con khi kết hôn.

Zhang thường than thở với bố mẹ về sự thiếu vắng của người em đã mất khi chưa ra đời. Năm xưa, vì chính sách một con, gia đình Zhang buộc phải bỏ đứa bé này. “Mẹ tôi nói hồi đó, sinh đứa thứ 2 giống như vượt đèn đỏ, vì như vậy là vi phạm pháp luật”, Zhang nói với New York Times.

Zhang cảm thấy cô đơn khi lớn lên. Sau khi chính phủ nước này thông báo cho phép người dân có thể sinh tối đa 3 con, Zhang đã thảo luận vấn đề này với bố mẹ và nhận được sự ủng hộ.

                                                                            Nhiều người không tán thành chính sách thúc đẩy tỷ lệ sinh của chính phủ. Ảnh: CGTN.


“Tôi muốn đứa con tương lai của mình có ‘bạn đồng hành’ khi cả 2 vợ chồng cần nghỉ ngơi. Mẹ tôi cũng đồng ý với điều này”, Zhang bày tỏ.

Khi nói với bạn bè, đồng nghiệp về mục tiêu sinh 3-4 bé, Zhang đều nhận được ánh nhìn bất ngờ. Có người đã thốt lên: “Cô là trường hợp hiếm hoi ở Trung Quốc mong muốn điều này”.

“Nhiều người tỏ ra khá sốc khi biết tôi định sinh 3 con”, Zhang kể.

Gánh nặng tài chính


Zhang nhận ra suy nghĩ của mình khác với phần lớn phụ nữ trẻ ở quê nhà là vì cô sẽ kết hôn với người nước ngoài. Hầu hết cô gái đồng trang lứa với Zhang đều có phản ứng trái chiều với chính sách mới của chính phủ.

Đây cũng là trở ngại lớn nhất của đất nước đông dân nhất thế giới trong việc cải thiện tỷ lệ sinh đang ở mức thấp kỷ lục.

Dù được sự ủng hộ từ gia đình, bố mẹ Zhang cũng thấy lo lắng cho con gái về những áp lực sắp tới mà cô phải đối mặt. Vấn đề lớn nhất là gánh nặng tài chính khi cùng lúc phải nuôi 3 đứa con và chăm sóc bố mẹ 2 bên.

                                                                 Mức lương hạn hẹp có thể cản trở dự định sinh thêm con của người Trung Quốc. Ảnh: China Daily.


Zhang cũng tham khảo thêm ý kiến của một người bạn đã có con 8 tuổi về chính sách mới. Sau khi tính toán tiền sữa, học phí, hoạt động ngoại khóa hàng tháng phải chi cho con trai, người này nói rằng mức lương eo hẹp của nhân viên văn phòng không cho phép cô sinh thêm.

“Cô ấy nói với tôi là vẫn đang cân nhắc về việc có đứa thứ 2 nhưng phải làm việc rất chăm chỉ mới đủ tiền trang trải”, Zhang kể.

Với thế hệ trước ở Trung Quốc, việc sinh thêm một đứa cũng giống như “đổ thêm thìa nước vào cháo”. Họ thấy nhà đông con là chuyện bình thường, theo New York Times.

Tuy nhiên, ngày nay, nuôi nấng con cái ở một thành phố lớn đồng nghĩa với việc gia đình đó phải sẵn sàng chi trả hàng triệu nhân dân tệ. Bên cạnh đó, nếu sinh con trai, họ sẽ phải xây nhà cho chúng khi đến tuổi kết hôn.

Mặt tích cực


Mẹ Zhang thường nói đùa rằng: “Duo zi duo fu (nhiều con hơn, nhiều tài sản hơn)”. Song câu này dần được đổi thành “duo zi duo baofu” (thêm con, thêm gánh nặng).

Theo như Zhang quan sát, kể từ khi chính sách một con được dỡ bỏ hoàn toàn vào năm 2016, nhiều cặp vợ chồng trẻ vẫn chưa có ý định sinh thêm.

Ngoại trừ những người rất giàu, có khả năng nuôi nhiều đứa trẻ và gia đình nghèo, muốn dựa vào nguồn lương của con cái để chăm sóc khi về già, thì việc nới lỏng kế hoạch hóa gia đình cũng không có nhiều khác biệt.

Ngay khi chính sách mới được thông báo, mạng xã hội xứ Trung đã tràn ngập những lời chế giễu và phàn nàn.

                                                                          Zhang cho rằng những biện pháp của chính phủ cũng có mặt tích cực. Ảnh: Kevin Frayer.


Zhang cho rằng các biện pháp kiểm soát sinh đẻ của chính phủ cũng đáng được ghi nhận. Ít nhất, họ đã giải phóng tâm trí của người dân khỏi tư tưởng truyền thống.

Những cô gái là con một nhận được nhiều sự quan tâm hơn trước. Sự kỳ thị nữ giới cũng thay đổi đáng kể. Ở một số thành phố, mọi người không còn ưu ái con trai hơn con gái.

“Phụ nữ không cần dựa vào việc sinh con như thước đo giá trị của bản thân. Mọi thứ hiện nay thật đắt đỏ, từ giáo dục đến nhà ở, khiến người trẻ không có nhiều lựa chọn. Tôi nghĩ mình sẽ có cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài”, Zhang chia sẻ.

Theo Zing