Điện thoại reo, một bác sĩ nhấc máy. "Thưa ngài, chúng ta hết máy thở rồi. Chúng ta phải làm gì nếu có thêm bệnh nhân đến", nhân viên y tế nói và thông báo căn bệnh đã giết chết ba trong số bốn bệnh nhân. Không có vaccine hay phác đồ điều trị.
Cuộc nói chuyện giữa các bác sĩ này, dù đã trở nên phổ biến trong Covid-19, nhưng không liên quan đến đại dịch đang hoành hành trên thế giới. Đó là phần mở đầu Virus, bộ phim giành được nhiều lời khen ngợi khi được chiếu tại bang Kerala của Ấn Độ năm ngoái.
Virus phỏng theo câu chuyện có thật về chiến dịch chống đợt bùng phát virus Nipah năm 2018, mầm bệnh từ loài dơi khiến 23 người nhiễm và 21 người chết. Tuy nhiên, Kerala chặn đứng Nipah trong vòng một tháng bằng cách tiếp cận toàn diện gồm phong tỏa toàn bang, liên tục truy vết tiếp xúc và cách ly hàng nghìn người nghi nhiễm.
Bang Kerala tiếp tục sử dụng các công cụ đơn giản và rẻ tiền tương tự hồi năm 2018 để ngăn Covid-19. Kerala là bang đầu tiên trong 36 bang của Ấn Độ ghi nhận ca nhiễm nCoV, khi một sinh viên y khoa hồi tháng 1 trở về từ Vũ Hán, tâm dịch của Trung Quốc.
Khi Thủ tướng Narendra Modi thông báo phong tỏa toàn Ấn Độ ngày 24/3, số ca nhiễm tại Kerala chiếm 1/5 tổng số toàn quốc và cao hơn tất cả bang khác. Song 6 tuần sau, số ca nhiễm tại Kerala cao thứ 16 Ấn Độ. Ca nhiễm chưa hồi phục tại bang Kerala giảm 2/3 trong khi của Ấn Độ tăng đến 71 lần.
Số ca tử vong tại Kerala là 4. Trong số 35 triệu dân của bang Kerala, nhiều người làm việc tại nước ngoài và khoảng 80 người chết ở quốc gia khác.
Với khoảng 95 triệu dân, Việt Nam là khu vực lớn hơn. Tuy nhiên, khi đối phó với Covid-19, Việt Nam đi theo kịch bản có nhiều nét tương đồng với bang Kerala của Ấn Độ. Giống Kerala, Việt Nam sớm ghi nhận ca nhiễm nCoV và chứng kiến đợt bùng phát hồi tháng 3. Tuy nhiên, số ca nhiễm đang được điều trị sớm đạt đỉnh và nhanh chóng giảm xuống còn 60.
Trái ngược tình hình ở những quốc gia xa xôi khác, hay những "tấm gương" chống dịch thành công được biết đến rộng rãi như Đài Loan hay New Zealand, Việt Nam chưa có bất cứ ca tử vong nCoV nào. Philippines, quốc gia nằm gần Việt Nam với quy mô dân số và kinh tế tương đồng, ghi nhận hơn 12.000 ca nhiễm và hơn 820 ca tử vong.
Cả Việt Nam lẫn bang Kerala của Ấn Độ gần đây phải chiến đấu với những dịch bệnh chết người, trong đó có đợt bùng phát Hội chứng viêm phổi cấp tính nặng (SARS) năm 2003 và cúm H1N1 năm 2009. Việt Nam và Kerala đều hưởng thành quả nhờ quá trình đầu tư lâu dài vào y tế công cộng, đặc biệt là chăm sóc y tế cơ bản dưới sự quản lý tập trung và mạnh mẽ. Hệ thống y tế công cộng của Việt Nam và Kerala trải rộng từ thánh phố đến buôn làng xa xôi với nhiều nhân viên lành nghề.
Một số cho rằng cơ cấu dân số tương đối trẻ có thể giảm số ca nhiễm nCoV ở Việt Nam và bang Kerala. Số khác nêu giả thuyết việc tiêm chủng rộng rãi vaccine BCG ngừa lao và phong giúp cho dân địa phương ít bị ảnh hưởng.
Todd Pollack, chuyên gia bệnh truyền nhiễm đang làm việc tại Việt Nam, nhận định lý do cho thành công này đơn giản hơn. "Các quốc gia hành động sớm, chủ động và dùng những phương pháp được kiểm chứng đã hạn chế đáng kể virus. Nếu giảm (ca nhiễm) đủ nhanh, bạn sẽ không bao giờ lâm vào tình trạng ca nhiễm tăng theo cấp số nhân", Pollack nói.
Pollack cho biết các yếu tố văn hóa có thể hỗ trợ cho nỗ lực ngăn dịch của Việt Nam như cộng đồng chấp nhận đeo khẩu trang và tôn trọng lời khuyên của chuyên gia, đồng thời sẵn sàng học tập kinh nghiệm chống dịch của Trung Quốc. Pollack nói các ca nhiễm nCoV tại Việt Nam ở lứa tuổi trẻ hơn những nơi khác, song điều này chủ yếu do người nhiễm được các ly nhanh chóng và hiệu quả, giúp người cao tuổi được bảo vệ.
Việt Nam cuối tháng 1 thông báo tình trạng khẩn cấp và thành lập ban chỉ đạo chống dịch do phó thủ tướng lãnh đạo, bắt đầu sàng lọc người nhiễm và hạn chế di chuyển. Quân đội, công an cùng các nhân viên y tế tham gia truy tìm những người tiếp xúc với các ca nhiễm. Tại một bệnh viện lớn ở thủ đô Hà Nội, khoảng 5.000 người được xét nghiệm nCoV và theo dõi y tế.
Từ giữa tháng 2, Việt Nam phong tỏa nghiêm ngặt với một số huyện, cảnh sát kiểm soát chặt chẽ một số xã với 10.000 dân. Việt Nam cách ly những người nghi nhiễm nCoV khỏi gia đình họ, giống cách Trung Quốc làm.
Chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng được chính phủ Việt Nam triển khai tích cực thông qua tin nhắn, mạng Internet, các ứng dụng điện thoại cùng thông tin trên 13 tờ báo và trang tin phổ biến nhất, với tần suất xuất bản có ngày lên tới 127 tin bài. "Họ mang đến ấn tượng rằng chính phủ đang thực sự làm mọi thứ có thể", Pollack nói.
Giới chức bang Kerala cũng tích cực như vậy khi phòng chống dịch bệnh, từ thủ hiến, quan chức tới ủy viên cấp làng phụ trách dựng các trạm cung cấp nước sát trùng tay. Bên cạnh thể hiện năng lực hậu cần khi giám sát ca nhiễm và trang bị cho hệ thống y tế, bang Kerala ban hành chính sách nhân đạo với những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Kerala điều động khoảng 16.000 nhóm tới trung tâm hỗ trợ qua điện thoại hoặc tới chăm sóc hơn 100.000 người bị cách ly, đảm bảo họ được chăm sóc y tế, không thiếu thức ăn và thậm chí có người để tâm sự. Các bữa ăn miễn phí được chuyển tới hàng nghìn ngôi nhà và những lao động ngoại tỉnh bị kẹt vì lệnh phong tỏa toàn quốc.
Cả Việt Nam lẫn bang Kerala của Ấn Độ đều hiểu rõ rằng mối nguy hiểm từ Covid-19 còn lâu mới kết thúc. "Việt Nam sẽ tiếp tục cảnh giác cho đến khi nào có vaccine hay cách điều trị tốt hơn", Pollack nói.
Kerala chuẩn bị đón lượng lớn cư dân từ các quốc gia Arab đang gặp khó khăn về kinh tế. Hơn 300.000 người nộp đơn đề nghị hỗ trợ hồi hương qua một trang web của chính quyền bang. Rajeev Sadanandan, chuyên gia y tế lãnh đạo chiến dịch chống virus Nipah của Kerala, thừa nhận đây là nguy cơ lớn và gánh nặng vào thời điểm ngân sách bang đang chịu áp lực.
"Nhưng không cần hoài nghi việc chính phủ và cộng đồng chúng tôi đưa họ về nhà. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng họ bất kể hoàn cảnh nào", Rajeev nói.
Theo vnexpress