Ngày 8/3, Hiệp hội Biên tập viên ra tuyên bố “báo chí Anh không phân biệt chủng tộc”, và cáo buộc Harry và Meghan đã công kích ngành báo chí ở nước này một cách vô căn cứ.

Nhưng đến ngày 10/3, sau khi bị hơn 160 nhà báo da màu và các biên tập viên ở Guardian và Financial Times phản đốihiệp hội này đã phải ra tuyên bố giải thích lại. Họ thừa nhận rằng thông cáo ban đầu nói trên “đã không phản ánh những gì chúng ta đều biết: giới truyền thông có nhiều điều phải làm để tăng sự đa dạng và bao trùm”.

Vài giờ sau, giám đốc điều hành của hiệp hội này từ chức, và nói ông làm vậy để hiệp hội có thể bắt đầu khôi phục uy tín.

Cuộc phỏng vấn của Harry và Meghan không chỉ gây chấn động đối với Hoàng gia Anh và dư luận Anh, nó còn gây chia rẽ trong giới truyền thông Anh và phơi bày nạn phân biệt chủng tộc trong xã hội nước này, theo New York Times.

phong van harry va meghan anh 1

Máy quay và thiết bị chiếu sáng đặt bên ngoài Điện Buckingham

vào ngày 10/3 ở London. Ảnh:Getty Images.

Báo chí công kích Meghan từ lâu

Tranh cãi sau cuộc phỏng vấn khiến một trong những người dẫn chương trình buổi sáng nổi bật nhất ở Anh, Piers Morgan, phải từ chức. Ông Morgan công kích Meghan, nói rằng không tin rằng Meghan có ý nghĩ tự sát. 40.000 ý kiến phản đối lời nói của ông đã được gửi lên cơ quan quản lý ngành phát thanh - truyền hình.

Các báo lá cải vốn thường công kích Meghan lại đang kiềm chế một cách khá bất ngờ. Các nhà quan sát truyền thông cho biết các báo lá cải chỉ đang tập trung vào quan điểm bảo vệ Nữ hoàng và Hoàng gia Anh, thay vì chĩa mũi nhọn vào công kích Meghan. Họ sợ bị coi là kỳ thị.

Ngoài ra, sự kiềm chế có thể đến từ việc các tờ Mail on Sunday và MailOnline (đều liên quan Daily Mail) gần đây bị thua trong một vụ kiện liên quan đến Harry và Meghan.

Dù vậy, không nhiều nhà quan sát lạc quan đến độ coi đây là bước ngoặt trong mối quan hệ giữa báo chí Anh và hoàng gia, cũng như trong cách mà báo chí nước này tiếp cận vấn đề chủng tộc. Trong nhiều năm nay, mối quan hệ giữa hoàng gia và báo chí luôn phức tạp, nhưng dựa trên nguyên tắc “cùng có lợi”.

David Yelland, từng là biên tập viên của tờ báo lá cải hàng đầu The Sun, cho biết trong vấn đề phân biệt chủng tộc, Anh khác với Mỹ ở chỗ “chủ đề này (ở Mỹ) luôn được nói đến”.

“Ở Anh là sự thờ ơ”, ông Yelland nói.

Dù báo chí và các thể chế khác ở Anh đều thừa nhận rằng kỳ thị chủng tộc là không thể chấp nhận, nhiều người không hiểu hết các sắc thái của sự kỳ thị. Người da màu “phải chứng minh được” mình bị kỳ thị.

Vì vậy, “rất khó để mọi người nói về trải nghiệm bị kỳ thị trong xã hội Anh”, Gavan Titley, giảng viên Đại học Maynooth, nói với New York Times.

Trong hai giờ phỏng vấn, Harry và Meghan miêu tả một Hoàng gia Anh cứng nhắc và giữ hình ảnh đến mức để cho cặp đôi trẻ, khác chủng tộc, phải một mình đối phó với sự kỳ thị và khủng hoảng tâm lý.

Điều này buộc cặp đôi phải chịu đựng trong im lặng, và lựa chọn duy nhất đối với họ là từ bỏ vai trò trong hoàng gia.

phong van harry va meghan anh 2

Cuộc phỏng vấn của Harry và Meghan với Oprah Winfrey. Ảnh:Hapro Productions.

Báo chí Anh thiếu nhân sự da màu

Đối với Charlie Brinkhurst-Cuff, biên tập viên một tạp chí phụ nữ, tuyên bố đầu tiên của Hiệp hội Biên tập viên là “rất đáng thất vọng”. Bà gia nhập hiệp hội vào năm 2019, làm trong nhóm công tác nhằm thúc đẩy các nhà báo da đen.

“Chắc chắn là các báo lá cải hoàn toàn thiếu sự quan tâm và chuẩn mực đạo đức khi bàn đến những người bị gạt ra ngoài lề xã hội”, bà nói với New York Times.

Một báo cáo năm 2019 từ Đại học Leeds cho thấy các sắc dân thiểu số ở Anh ít có được thời lượng trên truyền thông nói chung, nhưng lại xuất hiện nhiều khi có các câu chuyện thuộc một số nhóm vấn đề cụ thể, như nhập cư, khủng bố hay tội phạm.

Nghiên cứu của nhóm Phụ nữ trong Ngành báo, một tổ chức vận động, cho thấy người làm việc trong ngành báo chí Anh đa phần là nam giới, da trắng. Nghiên cứu này cho biết trong một tuần mùa hè năm 2020, khi phong trào biểu tình “Black Lives Matter” (tạm dịch: mạng sống người da đen đáng giá) đang ở đỉnh điểm, không có phóng viên da đen nào xuất hiện trên trang nhất của một báo lớn.

Trong 111 người được trích lời ở các trang nhất, chỉ một người là da đen.

Nghiên cứu trên cũng phù hợp với các dữ liệu trước đây, đều cho thấy báo chí Anh có sự mất cân bằng về sắc tộc. Năm 2016, một khảo sát trên 700 nhà báo Anh cho thấy 0,4% là người Hồi giáo, và chỉ 0,2% là người da đen, so với 5% và 3% tỷ lệ người Hồi giáo và da đen trong xã hội nói chung.

Theo Brian Cathcart, giáo sư về báo chí tại Đại học Kingston London, các cáo buộc kỳ thị chủng tộc nổi lên vào đúng lúc các báo lá cải vốn quyền lực của Anh đang ở thế yếu.

Cũng như báo in trên toàn thế giới, báo chí ở Anh cũng đang bị giảm lượng phát hành và doanh thu quảng cáo, kèm theo đó là ảnh hưởng bị giảm đi. Dù vậy, báo chí Anh vẫn có tác động định hướng dư luận đáng kể, buộc các kênh phát thanh - truyền hình phải chạy trong các chủ đề, theo New York Times.

Theo Zing