Bạo hành cha mẹ bấy lâu vẫn là nỗi nhức nhối, là ung nhọt trong xã hội hiện đại. Bạo hành có nhiều kiểu, nhưng lạm dụng tài chính của cha mẹ, có lẽ nên được coi là một kiểu bạo hành tinh vi và tàn nhẫn.

Mấy tháng trước tôi gặp một người bạn và chúc mừng bạn đã mua được căn hộ chung cư trong thành phố với giá trị là xấp xỉ 2 tỷ đồng. Bạn có vẻ không vui, nói: “Chúng tớ mua căn hộ gần hai tỷ đồng, ông bà ngoại nhà tớ cho 500 triệu đồng, nhưng ông bà nội lại chỉ cho có 70 triệu đồng. Cậu thấy có chướng không?"

Tôi ngớ người: "Ủa, chẳng phải bạn đang lạm dụng tài chính cha mẹ già hay sao?".

Mục tiêu mua nhà đã khiến nhiều người trẻ gây áp lực tài chính lên cha mẹ già (Ảnh minh họa)
Mục tiêu mua nhà đã khiến nhiều người trẻ gây áp lực tài chính lên cha mẹ già (Ảnh minh họa)

Lạm dụng tài chính của người cao tuổi đã quá phổ biến trên khắp thế giới. Trang aarp.org cho biết: “Có khoảng một triệu người Mỹ lớn tuổi mất khoảng 2,6 tỷ đô la mỗi năm, theo một nghiên cứu của MetLife có tiêu đề "Niềm tin bị phá vỡ: Người cao tuổi, gia đình và tài chính." Ngay cả những người nổi tiếng như diễn viên Mickey Rooney cũng khẳng định mình đã trở thành nạn nhân.

Bạn muốn nghĩ rằng lạm dụng tài chính của người cao tuổi hầu hết là do người lạ thực hiện? Bạn đã sai. Trên thực tế, nó có nhiều khả năng đến từ các thành viên trong gia đình. Trong trường hợp của Rooney, nam diễn viên 90 tuổi đã chỉ tay về phía con riêng của mình.

Cha mẹ cảm thấy có trách nhiệm về mặt tình cảm đối với hạnh phúc và kinh tế của những người thân yêu, ngay cả con cái đã trưởng thành. Đó là một khuynh hướng tự nhiên. Mối nguy hiểm đối với các bậc cha mẹ già nằm ở chỗ con cái trưởng thành biến sự thao túng tinh vi đó thành lạm dụng tài chính hoàn toàn.”

Những ai đã và đang lạm dụng tài chính cha mẹ già, hay bạo hành họ bằng những gánh nặng tiền bạc? Những người thất nghiệp? Những người theo đuổi các kế hoạch viển vông hay xa vời? Những người nghĩ việc cha mẹ cung phụng tiền bạc cho con cái là một lẽ đương nhiên?

“Trong một số trường hợp, những đứa con thiếu tiền sẽ sử dụng cảm giác tội lỗi hoặc sợ hãi để gây áp lực lên cha mẹ già để đạt được mục tiêu tài chính. Tất cả những chiến thuật họ làm là một hình thức lạm dụng tài chính, đại diện cho sự thao túng kinh tế.

Tệ nhất, chúng có thể nhanh chóng leo thang thành các hành vi phạm tội mà thường không được khai báo vì nạn nhân quá xấu hổ, sợ hãi hoặc bị cô lập để chia sẻ cảnh ngộ của mình với người khác.

Ngay cả khi tính đến việc báo cáo quá thấp về lạm dụng tài chính của người cao tuổi, các chuyên gia tin rằng vấn đề này là phổ biến và tốn kém.

Jenefer Duane, người sáng lập Mạng lưới Bảo vệ tài chính người cao tuổi, một nhóm phi lợi nhuận nhằm ngăn chặn lạm dụng tài chính bằng cách tạo quan hệ đối tác và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng cho biết: “Ít nhất một trong 10 người lớn tuổi bị lợi dụng. "Nó trở nên quá tràn lan, đó là một tình huống dịch bệnh" (theo aarp.org).

Gánh nặng tài chính cho con cái đã đè nặng lên vai nhiều bậc cha mẹ ngay cả khi họ đã ở tuổi được an nhàn (Ảnh minh họa)
Gánh nặng tài chính cho con cái đã đè nặng lên vai nhiều bậc cha mẹ ngay cả khi họ đã ở tuổi đáng lẽ phải được an nhàn (Ảnh minh họa)

Ở Việt Nam, việc số đông người trưởng thành coi cha mẹ là “kho của cải” để họ bòn rút có lẽ không ít, và các bậc cha mẹ, dù vất vả bươn chải cả đời, vẫn coi việc cung cấp tài chính cho con là trách nhiệm lớn lao.

Đặc biệt, phổ biến nhất là một lực lượng lao động trẻ ở các thành phố với nhu cầu “mua nhà” rất cao. Hầu hết sau vài năm làm việc ở thành phố, họ sẽ tích lũy được một khoản tiền nho nhỏ, sau đó, yêu cầu cha mẹ ở quê bán đất đai, vay ngân hàng để họ mua nhà thành phố, trở thành công dân đô thị.

Việc này không sai, nhưng sai là họ đã mặc nhiên đổ gánh nặng tài chính lên vai cha mẹ già. Nhiều người đòi hỏi quá đáng. Như cô bạn tôi. Với cô, việc cha mẹ ruột cho 500 triệu đồng, trong khi cha mẹ chồng chỉ 70 triệu đồng là điều không thể chấp nhận được. Cô không quan tâm cha mẹ chồng ở quê đau ốm quanh năm, ông còn đang ung thư gan giai đoạn cuối, nhà không có gì ngoài mấy luống rau cần kiệm qua ngày.

Điều gì xảy ra khi cha mẹ không đáp ứng yêu cầu tài chính của con cái?

Nhiều người “bạo hành tinh thần” cha mẹ già, và bản thân các ông bà cũng canh cánh trong lòng mặc cảm có lỗi vì không lo được cho con đến nơi đến chốn, thậm chí còn phải nghĩ đến việc “nhìn mặt sui gia”.

 Nếu cả hai phía không nhân nhượng với những định kiến bấy lâu về việc này, thì “bạo hành bằng tài chính” sẽ tiếp tục là vấn nạn, và người già vẫn là nạn nhân của chính những người họ thương yêu nhất.

Theo phunuonline.com.vn