Hỗn loạn, tàn phá và đối đầu đã dẫn đến lệnh giới nghiêm ở một số khu vực xung quanh thủ đô. Các dịch vụ xe buýt và xe điện đang bị gián đoạn với lệnh ngừng hoạt động trên toàn quốc từ 9 giờ tối, theo CNN.

Điều gì đang xảy ra ở Pháp?

Các khu vực tại một số thành phố lớn của Pháp đã nổ ra bạo loạn trong nhiều đêm liên tiếp sau khi một thanh niên tên Nahel Merzouk, gốc Algeria, bị cảnh sát bắn chết.

Các cuộc đối đầu giữa cảnh sát và người biểu tình bắt đầu vào đêm 27.6 ở ngoại ô Nanterre của Paris, nơi Merzouk bị bắn, và kể từ đó đã lan sang các khu vực của thủ đô và một số thành phố khác.

Hơn 800 người đã bị bắt vào đêm 29.6, khi sự phẫn nộ tiếp tục gia tăng. Cái chết của Merzouk trở thành "giọt nước tràn ly" liên quan đến sự bất bình đẳng chủng tộc ở Pháp và những tuyên bố về phân biệt đối xử của cảnh sát.

Bạo loạn ở Pháp: Có nên du lịch Paris lúc này? - Ảnh 1.

Thành phố Marseille ở miền nam đã hứng chịu làn sóng bạo lực đang càn quét khắp nước Pháp

AP

Các tòa nhà, phương tiện giao thông, cửa hàng đã bị đốt cháy trong tình trạng hỗn loạn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức các cuộc đàm phán về khủng hoảng trong bối cảnh lo ngại rằng nước này có thể tái diễn bạo loạn hồi năm 2005 dẫn đến tình trạng khẩn cấp.

Những thành phố nào bị ảnh hưởng?

Các cuộc biểu tình bắt đầu ở Nanterre, vùng ngoại ô ở phía tây bắc Paris. Sau đó đã có các cuộc biểu tình ở những khu vực khác xung quanh thủ đô: Bezons, Gennevilliers, Garges-lès-Gonesse, Asnières-sur-Seine, Montreuil, Neuilly-sur-Marne, Clamart và Meudon. Ngoài ra, Trappes, Clergy, Guyancourt và Vigneux-sur-Seine cũng bị ảnh hưởng.

Tất cả đều nằm ngoài đường vành đai "Periphique" bao quanh các "quận" trung tâm Paris, nơi tập trung hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng và khu dân cư chính.

Ở những nơi khác của Pháp, cảnh sát đã được triển khai tới các thành phố du lịch trọng điểm Marseille và Bordeaux ở phía nam, cũng như các thành phố Lille phía bắc - điểm dừng của chuyến tàu Eurostar từ London và Roubaix.

Còn giờ giới nghiêm thì sao?

Lệnh giới nghiêm đã được áp đặt tại hai khu vực gần Paris, tâm điểm của các vụ bạo loạn tồi tệ nhất. Ở Clamart, lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng đã được đưa ra vào thứ năm và sẽ tiếp tục diễn ra hàng đêm cho đến ngày 3.7. Các hạn chế từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng sẽ áp dụng tại Neuilly-sur-Marne.

Mạng lưới giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vào thứ sáu, Pháp đã ra lệnh ngừng hoạt động tất cả các dịch vụ xe buýt và xe điện trên toàn quốc trước 9 giờ tối.

Bạo loạn ở Pháp: Có nên du lịch Paris lúc này? - Ảnh 2.

Không rõ các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục kéo dài bao lâu và Pháp sẽ thực hiện những biện pháp nào để xử lý

REUTERS

Biện pháp trên được Bộ Nội vụ công bố một ngày sau khi một số dịch vụ trong và xung quanh Paris bị đình chỉ do hậu quả trực tiếp của bạo loạn, một số vụ nhắm vào cơ sở hạ tầng giao thông.

Ở Clamart, một trong những khu vực bị tàn phá nặng nề, một chiếc xe điện đã bị phóng hỏa, không ít xe buýt đã bị đốt cháy ở vùng ngoại ô Aubervilliers của Paris.

Vào thứ sáu, các dịch vụ xe buýt đã bị gián đoạn ở Paris nhưng hệ thống tàu điện ngầm vẫn hoạt động bình thường. Trong khi nhà ga xe lửa Nanterre-Préfecture đã bị đóng cửa.

Ở Lille, xe buýt và xe điện ngừng hoạt động sau 8 giờ tối vào thứ năm. Vào ban ngày thứ sáu, các dịch vụ ít nhiều hoạt động bình thường, với một số hướng được vận hành.

Tại thành phố phía nam Marseille, phương tiện giao thông công cộng phải ngừng hoạt động lúc 7 giờ tối.

Không rõ liệu sẽ có bất kỳ sự cố ngừng hoạt động hoặc gián đoạn nào nữa hay không nếu các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra trong những ngày tới, vì thế du khách nên kiểm tra các trang web để cập nhật trước khi đi du lịch.

Có an toàn để du lịch Paris?

Phần lớn cuộc sống ở Paris vẫn diễn ra bình thường. Các khu vực trung tâm của Paris, nơi có bảo tàng Louvre và tháp Eiffel gần như hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Tương tự là các khu vực nông thôn và ven biển có nhiều du khách.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục trong bao lâu và những biện pháp tiếp theo mà chính phủ Pháp sẽ áp dụng để xử lý như thế nào.

Một số quốc gia cảnh báo về bạo loạn ở Pháp, đồng thời kêu gọi công dân theo dõi tin tức và đăng ký với các công ty lữ hành; chưa nước nào cảnh báo không đi du lịch đến Pháp.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành một cảnh báo an ninh vào ngày 29.6 đối với Pháp, nhấn mạnh hậu quả bạo lực của vụ bắn chết người và cảnh báo công dân của họ tránh xa các điểm rắc rối.

"Những cuộc biểu tình này, cùng với các cuộc biểu tình tự phát, dự kiến sẽ tiếp tục và có thể trở nên bạo loạn", cơ quan này nhấn mạnh.

"Công dân Mỹ nên tránh tụ tập đông người và tới các khu vực quan trọng của cảnh sát vì có thể trở nên bạo lực và dẫn đến đụng độ. Một số thành phố đang áp đặt lệnh giới nghiêm. Như mọi khi, bạn nên thông báo cho bạn bè hoặc gia đình về nơi ở của mình. Lưu ý rằng giao thông công cộng đang bị ảnh hưởng", cảnh báo có đoạn.

Bạo loạn ở Pháp: Có nên du lịch Paris lúc này? - Ảnh 3.

Lực lượng an ninh tại đại lộ Champs Elysees ở Paris tối 1.7

REUTERS

Văn phòng Nước ngoài và Khối thịnh vượng chung Vương quốc Anh cũng đưa ra cảnh báo nhưng nhấn mạnh hầu hết các chuyến du lịch tới Pháp đều không có sự cố.

"Các cuộc biểu tình có thể dẫn đến gián đoạn việc đi lại hoặc nhắm mục tiêu vào những chiếc xe đang đỗ ở những khu vực diễn ra các cuộc biểu tình. Bạn nên theo dõi các phương tiện truyền thông, tránh các cuộc biểu tình, kiểm tra lời khuyên mới nhất của các công ty du lịch và làm theo lời khuyên của chính quyền", cảnh báo nhấn mạnh.

 Du lịch Pháp bị ảnh hưởng bởi bạo loạn

Đầu bếp Thierry Marx cho biết ông nhận được cảnh báo hàng ngày từ các chuyên gia trong ngành, những người đã phải hứng chịu "các cuộc tấn công, cướp bóc và phá hủy hoạt động kinh doanh của họ, bao gồm một số nhà hàng và quán cà phê", theo French24.

"Các cơ sở của chúng tôi về bản chất là nơi tiếp khách, và đôi khi còn là nơi trú ẩn và nơi giúp đỡ trong các tình huống khủng hoảng. Chúng tôi không thể gánh chịu hậu quả của sự tức giận mà bản thân không khơi dậy và chúng tôi lên án những hành động này", ông nói thêm.

Marx muốn các nhà chức trách làm "mọi thứ" để đảm bảo an toàn cho những người trong ngành khách sạn và dịch vụ ăn uống tại điểm đến du lịch nổi tiếng nhất thế giới là Paris.

Liên đoàn bán lẻ Pháp (FCD) cũng kêu gọi cảnh sát tăng cường an ninh quanh các cửa hàng, Giám đốc điều hành Jacques Creyssel cho biết.

Ông nói, các cuộc bạo động "đã làm nảy sinh những cảnh cướp bóc thực sự", với "hơn một trăm cửa hàng thực phẩm hoặc phi thực phẩm vừa và lớn bị phá hoại, cướp bóc hoặc thậm chí bị đốt cháy".

"Khách du lịch châu Á là những người rất lo ngại về vấn đề an ninh, có thể không ngần ngại hoãn hoặc hủy chuyến đi của họ", ông cảnh báo.

Theo Thanh niên