"Tôi nghĩ tốt hơn hết là nên phớt lờ những hiểu lầm xung quanh mình, nhưng tôi quá mệt mỏi. Xin hãy dừng lại. Những bình luận ác ý đã quấy rầy tôi suốt nhiều năm. Tôi không thể chịu đựng được nữa", Kim In-hyeok từng viết trên mạng xã hội.

Vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp 28 tuổi đề cập tới những chỉ trích về ngoại hình của anh, cũng như bàn tán về xu hướng tình dục và tin đồn anh từng xuất hiện trong nội dung khiêu dâm trên mạng. Hôm 4/2, cảnh sát tìm thấy thi thể của Kim tại nhà riêng ở thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi, kết luận rằng không có dấu vết phạm tội.

Hồi tháng 1, streamer Cho Jang-mi, còn được gọi là BJ Jammi, cũng qua đời sau nhiều năm hứng chịu hàng loạt bình luận thù ghét vì bị coi là "nhà nữ quyền ghét đàn ông". "Jang-mi bị trầm cảm nghiêm trọng vì những bình luận và tin đồn ác ý, dẫn đến tự tử", người tự nhận là chú của nữ streamer 27 tuổi hôm 5/2 đăng bài trên tài khoản Twitch của cô.

Mẹ của Cho, người giúp cô quản lý phần bình luận trên mạng xã hội, tự tử hồi năm 2019 sau khi đọc quá nhiều bình luận ác ý. "Mấy người để lại cho tôi những bình luận thù ghét có thấy vui khi làm tôi đau khổ và hủy hoại đời tôi không?", Cho từng nén nước mắt nói trong một buổi livestream năm 2020.

Các nhà hoạt động cho biết cuộc khủng hoảng bạo lực mạng tại Hàn Quốc đang ngày càng lan rộng, khiến các nạn nhân không tìm được lối thoát. Ở đất nước mà tình trạng phân biệt giới tính còn phổ biến, chủ nghĩa nữ quyền không được coi trọng và những bài viết mang quan niệm đàn ông thượng đẳng tràn lan trên các diễn đàn, bạo lực mạng đủ sức hủy hoại cuộc sống của các nạn nhân trong khi thủ phạm không phải chịu nhiều hậu quả.

YouTube là nền tảng phổ biến cho những làn sóng công kích như vậy, trong đó nhà hoạt động Kim Ju-hee là một nạn nhân. Cô bị coi là nhà nữ quyền thù ghét đàn ông và có vấn đề tâm thần. Một video công kích Kim trên YouTube thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và hàng nghìn bình luận, trong đó có những lời đe dọa chết chóc bạo lực.

"Lúc nào tôi cũng cảm thấy bất an, tưởng như điều này sẽ không bao giờ chấm dứt, trừ khi tôi tự kết liễu đời mình và biến mất", Kim, người làm nghề y tá, cho hay.

Các tài khoản YouTube có nội dung chống nữ quyền tại Hàn Quốc, trong đó một số kênh sở hữu hàng trăm nghìn lượt theo dõi, thậm chí đang kiếm lợi nhuận từ hành vi bạo lực mạng. "Những YouTuber nổi tiếng được chú ý nhiều hơn sau khi đăng video chỉ trích nữ quyền và các nhà nữ quyền", Jinsook Kim, chuyên gia tại Đại học Pennsylvania của Mỹ, cho biết.

"Không phải ngẫu nhiên các nạn nhân trở thành mục tiêu công kích, những người bị nhắm đến bị cáo buộc ủng hộ nữ quyền hoặc đồng tính", chuyên gia Kim cho hay, đề cập đến trường hợp vận động viên Kim In-hyeok và streamer Cho Jang-mi, đồng thời chỉ ra rằng Hàn Quốc không có luật chống phân biệt đối xử, khiến các nạn nhân rất dễ chịu tổn thương.

Một số YouTuber thậm chí phát trực tiếp quá trình truy tìm nạn nhân, dọa giết và cưỡng bức họ. "Họ tiếp tục sản xuất nội dung giật gân và thù ghét để thu lợi nhuận", Kim đánh giá. Tuy nhiên, hiếm khi các vụ bạo lực mạng như vậy bị truy tố.

Di ảnh của Goo Hara trong đám tang năm 2019. Ảnh: AFP

Di ảnh của Goo Hara trong đám tang năm 2019. Ảnh: AFP

Những phụ nữ nổi tiếng tại Hàn Quốc đã phải chịu đựng nhiều hành vi bạo lực mạng. Năm 2008, nữ diễn viên Choi Jin-sil tự tử sau những bình luận thù ghét xung quanh cáo buộc cô cho vay nặng lãi. Năm 2019, thần tượng K-pop Goo Hara cũng ra đi theo cách tương tự sau khi bị bạn trai cũ hành hung và dọa tung "video đen".

42 ngày trước cái chết của Goo Hara, một thần tượng K-pop nổi tiếng khác là Sulli tự tử sau những bình luận tiêu cực xung quanh mối quan hệ giữa cô với bạn trai cũ hơn 14 tuổi, cũng như các bức ảnh không mặc áo lót.

Những vụ tự tử của người nổi tiếng sau khi bị bạo lực mạng thường thúc đẩy người dân toàn quốc gửi đơn kiến nghị lên Nhà Xanh để kêu gọi thay đổi, nhưng tới nay chưa có hành động nào đáng kể. Trong khi đó, Hàn Quốc, nước nổi tiếng là có mức độ áp lực và cạnh tranh xã hội cao, ghi nhận tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước phát triển.

"Các nạn nhân bị bạo lực mạng cảm thấy không còn lối thoát nào sau khi hình ảnh bị hủy hoại. Họ nghĩ rằng xã hội không thể dung thứ cho sự tồn tại của họ", Raphael Rashid, nhà báo tự do kiêm bình luận viên tại Hàn Quốc, cho biết, nói thêm rằng bất cứ ai "bị coi là khác với chuẩn mực" đều có nguy cơ trở thành mục tiêu.

Nhà hoạt động Kim cũng bày tỏ cảm giác "bị cả thế giới quay lưng", khiến cô từng nảy sinh ý định tự tử. Theo cô, những vụ tự tử tiếp theo là điều không thể tránh khỏi, trừ khi luật pháp và cơ quan công tố quyết tâm xử lý các vụ bạo lực mạng.

"Còn bây giờ, bạo lực mạng chỉ dừng lại khi nạn nhân chết", Kim nói.

Theo vnexpress