Bảy năm trước, khi chỉ còn vài tháng nữa là tới kỳ thi tốt nghiệp THPT, Lia (không phải tên thật) phát hiện có thai. Cô gái 17 tuổi bỏ học nhưng vẫn tham gia kỳ thi này, đạt điểm A môn Tiếng Anh và điểm C, D cho các môn học khác. Kết quả đó đủ để học dự bị đại học nhưng cô quyết định kết hôn với bạn trai 32 tuổi.
Lia (hiện 24 tuổi) cho biết mẹ cô, là mẹ đơn thân, ủng hộ quyết định của con gái.
“Mẹ đồng ý vì nghĩ rằng kết hôn sẽ giúp ‘thuần hóa’ tôi vì trước đó, tôi đi chơi đêm và không nghe lời bà ấy”, cô nói.
Lia kết hôn hợp pháp vì người Hồi giáo ở Malaysia, tuân theo luật sharia hoặc luật Hồi giáo theo hệ thống pháp luật kép của đất nước, chỉ cần đủ 16 tuổi. Trong khi đó, theo luật áp dụng cho người không theo đạo Hồi (chiếm 28,7% trong 32,7 triệu dân số), đôi bên phải từ 18 tuổi trở lên mới được phép kết hôn, theo SCMP.
|
Nam Á hiện có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới. Ảnh:Sherlyn Seah.
|
Hối hận
Nhìn lại quá khứ, Lia hối hận về quyết định của mình mặc dù rất yêu con trai (hiện 7 tuổi). Cô bị trầm cảm sau sinh và kiệt sức trong những năm đầu kết hôn.
Sau khi cưới Lia, chồng cô không chịu làm vài công việc vặt như trước đó. Vì vậy, 7 tháng sau khi sinh, cô phải làm việc ở cửa hàng thú cưng với thu nhập 215 USD/tháng (900 RM).
“Tôi chỉ may mắn vì được bố đẻ trả tiền viện phí và cung cấp các dịch vụ chăm sóc cần thiết cho đứa trẻ khi mới sinh con”, Lia chia sẻ.
“Tôi ước mình có cơ hội được làm thiếu nữ vì khi lớn lên, ai cũng bận bịu. Ở nhà làm vợ, làm mẹ khi còn quá trẻ là trải nghiệm tồi tệ. Giờ tôi rất vui khi có cơ hội chia sẻ câu chuyện của mình như một bài học”, cô nói thêm.
Lia đệ đơn ly hôn 18 tháng sau đám cưới. Cô tin rằng Malaysia cần phải thay đổi luật pháp để thanh thiếu niên dưới 18 tuổi không được phép kết hôn.
“Trẻ em là trẻ em. Mong đợi một người 16 tuổi đủ trưởng thành để kết hôn là sai lầm. Tại sao lại coi các thiếu nữ giống như trái cây đang chờ hái vậy?”, cô nói.
|
Các trường hợp tảo hôn gia tăng vì nạn nghèo đói do đại dịch Covid-19 gây ra. Ảnh:Shutterstock.
|
Malaysia không phải quốc gia duy nhất ở châu Á chấp nhận tảo hôn (trường hợp kết hôn trong đó cô dâu và chú rể hoặc một trong 2 người dưới 18 tuổi, theo Liên Hợp Quốc).
Nam Á hiện có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới với 45% phụ nữ 20-24 tuổi được báo cáo kết hôn trước 18 tuổi và gần 1/5 trẻ em gái kết hôn khi chưa đầy 15 tuổi. Tảo hôn cũng là vấn nạn ở Indonesia - nơi chính phủ đã cam kết giảm tỷ lệ này.
Tháng 12/2021, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo của Malaysia từ chối đề nghị từ Bộ Phụ nữ, Cộng đồng và Phát triển về việc nâng mức kết hôn tối thiểu lên 18 tuổi.
Bộ trưởng phụ trách tôn giáo, thành viên nội các cấp cao thuộc Văn phòng Thủ tướng, cho biết phản hồi từ một số trong 13 bang và 3 vùng lãnh thổ liên bang của Malaysia cho thấy họ muốn giữ độ tuổi kết hôn tối thiểu là 16 cho người Hồi giáo. Do các vấn đề liên quan đến hôn nhân Hồi giáo thuộc thẩm quyền của chính quyền tiểu bang, chính phủ liên bang phải tôn trọng mong muốn của họ.
|
Theo các chuyên gia, cần có những giáo viên được đào tạo trong nỗ lực xóa bỏ nạn tảo hôn. Ảnh:AFP.
|
Hiện tại, Selangor, trung tâm thương mại của Malaysia, là bang duy nhất thay đổi độ tuổi kết hôn hợp pháp của người Hồi giáo lên 18.
Ít nhất 5 bang khác cùng 3 vùng lãnh thổ liên bang, bao gồm thủ đô Kuala Lumpur và nơi đặt trụ sở của chính phủ Putrajaya, đồng ý sửa đổi luật Hồi giáo của họ. Tuy nhiên, các bang được cho là bảo thủ hơn, như Perlis, Negeri Sembilan, Kedah và Kelantan, vẫn chưa đồng ý nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp lên 18.
Tảo hôn cũng là vấn nạn kinh niên ở Sabah và Sarawak, không chỉ đối với người theo đạo Hồi mà còn trong cộng đồng bản địa của nhiều nhóm dân tộc phụ của bang - vốn tuân theo “luật lệ” của riêng họ.
Ngày càng nghiêm trọng
Từ tháng 1 đến tháng 9/2020, Malaysia ghi nhận 543 cuộc hôn nhân trẻ em, bao gồm cả đơn xin kết hôn thuộc trường hợp này. Sarawak đăng ký những con số cao nhất, theo Bộ Phát triển Phụ nữ, Gia đình và Cộng đồng.
Dữ liệu từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) từ năm 2018 cho thấy Sabah có số vụ kết hôn ở trẻ em Hồi giáo cao nhất trong năm đó, với 334 trường hợp được ghi nhận.
Các chuyên gia cho biết số lượng cuộc tảo hôn trên toàn cầu tăng lên do nạn đói nghèo do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến các gia đình phải gả con gái đi để giảm bớt áp lực tài chính.
Lee Lyn-Ni, chuyên gia bảo vệ trẻ em tại UNICEF Malaysia, cho biết tổ chức này đang làm việc với sự tham vấn của chính phủ liên bang để nâng cao nhận thức về nguy cơ và các mối đe dọa do thực hành tảo hôn.
Lee cho biết cải cách luật pháp là chìa khóa quan trọng. Một trong những cách tiếp theo là quy định độ tuổi kết hôn hợp pháp là 18 mà không có ngoại lệ. Điều này phù hợp với cam kết của Malaysia theo các công ước nhân quyền hiện có để bảo vệ trẻ em.
|
Tổ chức Ân xá Quốc tế lên án nạn tảo hôn. Ảnh:AFP.
|
Theo Lee, các cơ quan chính phủ cũng có thể nghiên cứu khả năng hình sự hóa tảo hôn. Bà nói thêm rằng việc thay đổi thái độ, hành vi cũng là yếu tố then chốt vì tảo hôn đã ăn sâu vào kinh tế và xã hội.
Do tính chất phức tạp của vấn đề, nỗ lực chấm dứt nạn tảo hôn sẽ đòi hỏi các cơ quan chính phủ từ giáo dục, y tế đến phúc lợi xã hội phải phối hợp với nhau.
Ví dụ, mang thai ngoài giá thú là yếu tố thúc đẩy các cuộc hôn nhân trẻ em. Trong khi giáo dục sức khỏe sinh sản được đưa vào chương trình giảng dạy của nhà trường, việc thiếu giáo viên được đào tạo và sự hỗ trợ của cha mẹ đồng nghĩa với việc các thực hành như tình dục an toàn không được thảo luận hoặc thực hiện rộng rãi.
Trong báo cáo đồng tác giả của UNICEF về việc chấm dứt tảo hôn, Lee lưu ý rằng “có cuộc thảo luận tối thiểu về việc tránh thai hoặc chấm dứt việc mang thai, ngay cả khi được pháp luật cho phép do các giá trị đạo đức, tôn giáo thường bị coi là không thể chấp nhận được và trái đạo đức”.
Do nghèo đói cũng là một yếu tố thúc đẩy tảo hôn, việc cung cấp mức đảm bảo thu nhập phù hợp cho tất cả người dân Malaysia cũng có thể giải quyết vấn đề.
“Những lợi ích đầy đủ có thể đảm bảo trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp không phải rời khỏi hệ thống giáo dục sớm”, Lee nói.
Theo Zing