|
Một nạn nhân ở TP. Sầm Sơn đến cơ quan điều tra tố cáo hành vi của đối tượng môi giới. |
Ký ức kinh hoàng những tháng ngày bên 'nước bạn'
Huyện Quảng Xương là địa phương có số công dân bị lừa sang Campuchia thuộc top nhiều của tỉnh Thanh Hóa. Theo danh sách công bố của Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện đã có 4 trường hợp tại các địa phương thuộc huyện này được lực lượng chức năng giải cứu hoặc được gia đình nộp tiền chuộc thân để trở về địa phương. Cá biệt có 1 trường hợp anh Trần Văn H. (SN 2003, trú tại xã Quảng Long, huyện Quảng Xương – đã được đề cập ở bài viết trước) có tin báo đã tử vong sau khi sang Campuchia làm việc.
Một trong những trường hợp công dân may mắn được trở về Việt Nam sau thời gian bị lừa đưa sang Campuchia lao động là anh N.V.B. (trú tại huyện Quảng Xương). Tuy nhiên, cái giá phải trả để anh B. có thể an toàn trở về nước ngoài khoản tiền chuộc thân còn là những ký ức kinh hoàng về những tháng ngày lao động bên nước bạn.
Trở về Việt Nam được một khoảng thời gian và cũng có công việc mới nhưng đến thời điểm hiện tại, anh B. vẫn chưa hết hoảng sợ. Người thanh niên yêu cầu được giữ kín danh tính cũng như hình ảnh của bản thân với lo sợ sẽ bị trả thù.
|
Căn nhà của một gia đình có người thân bị lừa sang Campuchia lao động ở huyện Quảng Xương.
|
B. kể bản thân được một người bạn giới thiệu sang Campuchia làm việc với mức lương lên đến 20 triệu đồng/tháng. Ở một vùng quê nghèo nơi B. đang sinh sống, đó là một con số mà có nằm mơ người thanh niên cũng không dám nghĩ đến. Sẵn biết chút tiếng Trung và công nghệ thông tin nên B. đã liều thử vận may với hy vọng sẽ được đổi đời nơi “miền đất hứa” Campuchia.
Cuộc đời mỗi con người sẽ có nhiều ngã rẽ quyết định thành công hay thất bại và anh B. là người không may mắn khi lựa chọn đúng con đường không có hoa hồng mà chỉ toàn chông gai.
Niềm hi vọng của người thanh niên trẻ đã sớm sụp đổ hoàn toàn khi vừa bước những bước chân đầu tiên vào nơi làm việc bên đất Campuchia. Trong ký ức của B., nơi anh được đưa đến để làm việc bên ngoài nhìn vào sẽ tưởng đó là nhà tù với những bức tường cao chót vót, phía trên giăng dày đặc dây thép gai. Phía bên trong, lực lượng bảo vệ người Campuchia luôn kè kè súng trong tay và sẵn sàng “đỏ lửa” khi có lệnh.
Biết đã bị lừa và không còn đường lui, anh B. phải ngoan ngoãn nghe theo sự sai khiến, sắp đặt của chủ. Bên Campuchia, anh B. được bố trí làm việc trong một sòng bạc trực tuyến với công việc là “hack” tài khoản Facebook của những người có độ tương tác cao (đa số là Facebook người Việt Nam) rồi bán cho sòng bạc để thực hiện những việc lừa đảo qua mạng. Hoặc đổi tên, đổi hình đại diện những tài khoản này thành những cô gái trẻ đẹp sau đó tìm kiếm những tài khoản Facebook “tiềm năng” để tư vấn, chào mời họ đánh bạc trực tuyến.
Để có thêm nhân lực làm việc, những người chủ còn ép nhân viên như anh B. lên mạng chèo kéo thêm nhiều người khác sang Campuchia làm việc cho chúng. Đó cũng chính là cách thức mà anh B. được lừa đưa sang Campuchia.
Khi không làm việc được đủ chỉ tiêu hoặc không tuyển được người, những công nhân như anh B. sẽ bị chửi bới, đánh đập hoặc bán qua lại cho công ty khác như một món hàng. Những lần “đổi chủ” như thế, số tiền nợ sẽ càng nhiều lên.
Để chủ không nghi ngờ và qua được sự theo dõi, giám sát, anh B. hàng ngày vẫn trong vai một người công nhân cần mẫn khi vừa đăng tin tuyển lao động qua Facebook của mình theo yêu cầu. Tuy nhiên, khi có điều kiện thuận lợi B. lại lén nhắn tin qua một tài khoản mạng khác nói rõ thủ đoạn, âm mưu lừa đảo của bọn chúng và khuyên họ không nên sang Campuchia để tránh bị lừa.
|
Nơi làm việc của những lao động xuất cảnh trái phép bên Campuchia được bảo vệ một cách nghiêm ngặt (ảnh người thân nạn nhân cung cấp).
|
Trong “vỏ bọc” một công nhân ngoan ngoãn và được chủ tin tưởng, anh B. đã lấy lý do bố ốm nặng để xin về quê nhưng những người trực tiếp quản lý vẫn buộc B. phải nộp số tiền chuộc là 52 triệu đồng. Không còn cách nào khác, anh B. đã cầu cứu gia đình vay mượn gửi tiền sang Campuchia nộp cho chủ để đổi lại sự tự do.
“Hơn 3 tháng làm tại đây, em nhận được 15 triệu đồng tiền công nhưng phải trả 60 triệu đồng bao gồm 52 triệu đồng tiền chuộc, chi phí xe cộ, sinh hoạt ở công ty”, anh B. chia sẻ. Tuy nhiên, theo người thanh niên trẻ, bản thân vẫn còn may mắn khi được trở về an toàn.
B. bảo, không có lương cao, không có cuộc sống màu hồng nào cả mà chỉ có áp lực làm chuyện phi pháp, bị tra tấn, đánh đập nếu không lừa, dụ dỗ được người khác.
Cắm “sổ đỏ” lấy tiền chuộc con về
Rời huyện Quảng Xương, PV báo Giáo dục và Thời đại tìm đến phường Quảng Tiến (TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa) để tìm hiểu về cuộc sống của những công dân bị lừa sang lao động bên Campuchia. Theo số liệu thống kê của UBND phường Quảng Tiến, trên địa bàn phường có tổng 12 công dân xuất cảnh trái phép sang Campuchia để lao động. Đáng chú ý hơn, đối tượng Trần Ngọc Chung vừa bị bắt giữ về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép cũng có địa chỉ thường trú tại địa bàn phường.
Qua khảo sát của PV, những công dân xuất cảnh trái phép sang Campuchia để lao động trên địa bàn phường Quảng Tiến đều là những trường hợp trẻ tuổi. Bên cạnh đa số những trường hợp có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cá biệt lại có những trường hợp gia đình kinh tế rất khá giả nhưng vẫn bị dụ dỗ, lôi kéo sang Campuchia để lao động.
Một trong những trường hợp may mắn được gia đình nộp tiền chuộc thân để trở về là anh Trần T.D. (SN 2003, trú tại khu phố Khang Phú, phường Quảng Tiến). Nhớ lại thời gian lao động bên Campuchia, anh D. vẫn không giấu được sự sợ hãi.
|
Một nạn nhân ở TP. Sầm Sơn đến cơ quan điều tra tố cáo hành vi của đối tượng môi giới. |
D. kể bản thân là con cả trong gia đình có 3 anh em. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh chỉ học đến hết lớp 8 rồi ở nhà làm những việc linh tinh phụ giúp gia đình. Năm 2021, D. xin bố mẹ đến làm việc tại một quán karaoke trên địa bàn huyện Vụ Bản (Nam Định).
Thời gian làm việc tại đây, anh D. có quen biết một người và được người này giới thiệu vào TP. Hồ Chí Minh để làm việc. Tuy nhiên, đến khi vào TP. Hồ Chí Minh, anh D. được một người đàn ông hỏi có muốn đi làm ở Campuchia không? Người đàn ông rót vào đầu anh D. những mỹ từ về một công việc an nhàn như chỉ cần bưng bê nước, dẫn khách vào casino nhưng mức lương lại lên đến 20 triệu đồng/tháng. Mong ước có công việc ổn đinh để phụ giúp gia đình, anh D. đồng ý.
Đi theo sang Campuchia cùng anh D. thời điểm đó còn có một người bạn trú tại cùng phường. Theo sự sắp xếp của người đàn ông, ngày 14/1/2022 (âm lịch) anh D. và bạn đã an toàn đặt chân sang Campuchia qua đường Cửa khẩu Long Bình (An Giang) mà không cần giấy tờ, không mất một đồng chi phí phát sinh. Điểm dừng chân của anh D. bên nước bạn là một sòng bạc gần khu vực cửa khẩu. Cũng kể từ thời điểm đó, D. và người bạn đi cùng được thông báo đã bị bán với số tiền 2.700 USD/người và nếu muốn trở về phải làm việc để trừ nợ.
Làm việc tại sòng bạc được 3 tháng với công việc bưng bê nước phục vụ khách đến chơi, anh D. được thông báo bản thân bị bán tiếp cho một công ty khác với giá 4.600 USD. Điều đó đồng nghĩa với việc số nợ của anh D. sẽ tăng lên về đường trở về nhà lại càng gian nan gấp bội phần.
Tại địa điểm mới, anh D. được giao nhiệm vụ ngồi máy tính, tư vấn đánh bạc cho khách và bị ép làm việc đến 2-3 giờ sáng. Để dập tắt mọi ý định bỏ trốn của các nạn nhân, ông chủ ở đây điều bảo vệ có trang bị súng giám sát. “Trong khoảng thời làm việc, em không hề nhận được một đồng lương nào. Họ nói lí do là toàn bộ tiền lương đã được trừ vào chi phí sinh hoạt và tiền môi giới sang Campuchia”, anh D. nhớ lại.
Làm việc trong một thời gian dài trong tình trạng lo âu khiến anh D. suy sụp. Khi lời đề nghị xin nghỉ việc của anh được đưa ra cũng là lúc người chủ yêu cầu anh phải nộp tiền chuộc thân lên đến hơn 140 triệu đồng. Nếu chậm trễ, anh D. sẽ bị bán tiếp sang công ty khác. Rơi vào bước đường cùng, anh D. đã phải gọi điện cầu cứu gia đình gửi tiền sang để chuộc thân. Trải qua nhiều ngày tháng sống trong cảnh “địa ngục trần gian”, đến ngày 7/6/2022, anh D. được trở về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sau khi gia đình đã nộp đủ số tiền 143 triệu đồng.
|
Bà Trần Thị C. chia sẻ với PV về sự việc xảy ra với người con trai.
|
Nhớ lại phút nhận được cuộc gọi của con trai nhờ gửi tiền sang để chuộc thân, bà Trần Thị C. không giấu được cảm xúc nghẹn ngào. Bà kể, lúc đầu, khi biết con trai có ý định sang Campuchia, bà đã không đồng ý. Nhưng rồi vì thương con, cũng mong con kiếm được việc làm, kiếm được tiền sau này thoát cảnh vất vả, nghèo khó nên đã thuận tình.
Cái ngày khi nghe con trai gọi điện cầu cứu gia đình gửi tiền để chuộc thân, bà đã ngã khụy. Vừa mới sinh nở, không thể lao động, kinh tế gia đình lại khó khăn nhưng vì thương con, gia đình bà đã phải vay mượn khắp nơi, thậm chí mang cả “sổ đỏ” đi cắm để cứu con về.
“Giờ đây, số tiền lãi hàng tháng phải trả lên đến gần 3 triệu đồng trong khi tiền công làm thợ hồ của chồng tôi chỉ có hơn 5 triệu”, bà C. chua chát. Tuy nhiên, bà C. cũng cho rằng, bản thân gia đình mình may mắn khi đưa được người con trai lành lặn trở về.
Theo giaoducthoidai.vn