Số người di tản tăng cao

Năm 1951, Liên hiệp quốc đã ra Công ước về người tị nạn để bảo vệ quyền của người tị nạn ở châu Âu sau Thế chiến thứ hai. Năm 1967, Công ước được mở rộng để giải quyết vấn đề tản cư trên khắp thế giới. Số người buộc phải di dời do xung đột và bạo lực, bị đàn áp và vi phạm nhân quyền đã tiếp tục gia tăng và có thể đã vượt qua cột mốc 120 triệu vào tháng 4/2024.

Ông Filippo Grandi - Cao ủy viên Liên hiệp quốc về vấn đề nhân quyền của người tị nạn - cho biết: “Đằng sau những con số ngày càng tăng này là vô số bi kịch của con người. Sự đau khổ đó phải trở thành động lực thúc đẩy cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của việc cưỡng bức di dời”.

leftcenterrightdel
 Fatima đang giặt giũ bên ngoài khu trú ẩn gần biên giới Ethiopia - Ảnh: UNHCR/Tiksa Negeri

Trong số 117,3 triệu người bị buộc phải di dời vào năm 2023 có 68,3 triệu người phải di tản trong nước do xung đột hoặc các cuộc khủng hoảng khác, chẳng hạn như cuộc chiến đang diễn ra ở Dải Gaza. Số người tị nạn vượt biên vào năm 2023 đã tăng 7%, lên 43,4 triệu. Sự gia tăng này do bất ổn ở Sudan, các cuộc xung đột ở Ukraine và nhiều khu vực khác. Số người xin tị nạn - tìm kiếm sự bảo vệ ở một quốc gia khác, do bị đàn áp hoặc đối mặt nguy cơ bị tổn hại ở quê nhà - đạt mức 6,9 triệu, tăng 26% so với năm trước.

Đáng lo ngại, trong khi nhu cầu của những người di tản ngày càng tăng thì nguồn hỗ trợ lại ngày càng giảm. Những quốc gia ít được truyền thông chú ý đang phải chịu khó khăn chồng chất. Vào năm 2023, hơn 25% nguồn tài trợ nhân đạo toàn cầu chỉ tập trung vào 3 quốc gia: Ukraine, Syria và Yemen.

Trong khi đó, các cuộc khủng hoảng lớn ở Congo, Sudan và khu vực Trung Sahel của châu Phi phần lớn đã bị bỏ qua. Xung đột, nạn đói, hạn hán và nghèo đói đã tàn phá những vùng đất rộng lớn của châu Phi. Phần còn lại của thế giới không thể nhìn thấy, nghe thấy đầy đủ về tình trạng thê thảm của những khu vực này.

Ngày 15/4/2023, bạo lực bùng phát ở trung tâm thủ đô Khartoum của Sudan. Đạn và tên lửa lao thẳng vào nhà dân, bệnh viện và cửa hàng. Nguồn cung cấp nước và điện bị cắt. Bất ổn nhanh chóng lan rộng. Ở khu vực Darfur phía tây Sudan, các ngôi làng và trại tập trung bị san bằng, người dân phải chạy trốn để sống sót.

Nhiều lệnh ngừng bắn liên tục bị vi phạm và không ai có thể ngăn chặn giao tranh. 1 năm trôi qua, Sudan nằm trong số những nơi đối mặt khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới. Khoảng 9 triệu người đã rời bỏ nhà cửa, di tản trong nội bộ Sudan, trong khi 1,75 triệu người khác phải tìm nơi ẩn náu ở các nước láng giềng.

Gần 25 triệu người Sudan hiện đang cần hỗ trợ nhân đạo, trong đó khoảng 5 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói trầm trọng. Dù cuộc khủng hoảng đang rất nghiêm trọng nhưng cho đến cuối năm 2023, hoạt động hỗ trợ nhân đạo dành cho Sudan chỉ đạt một nửa nhu cầu do thiếu nguồn tài trợ. Không có triển vọng lập lại hòa bình vào năm 2024, Sudan đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Bạo lực nhắm vào phụ nữ và trẻ em gái

Khi giao tranh lần đầu nổ ra ở thủ đô Khartoum của Sudan, Fatima (39 tuổi) nghĩ rằng lựa chọn an toàn nhất cho cô và 4 đứa con nhỏ là ở trong nhà, trong khi chồng và con trai cả của cô đang mất tích. Nhưng cảm giác an toàn của họ đã tan vỡ khi 2 người đàn ông có vũ trang đến vào một buổi tối muộn để đòi thức ăn và nước uống. Sau khi Fatima đưa nước, họ đã bỏ đi nhưng vào tối hôm đó, một trong 2 người đàn ông quay lại và đe dọa sẽ bắn Fatima nếu cô chống cự.

Người phụ nữ kể: “Các con tôi đều ở trong nhà và tôi sợ điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra với chúng”. Fatima bị cưỡng hiếp 3 lần trong khoảng thời gian 1 tuần. Sau đó, cô đã cùng các con chạy trốn trên một chiếc xe buýt giúp đưa các gia đình rời khỏi Khartoum để đến khu vực biên giới với Ethiopia.

Sau 2 tháng tương đối an toàn, Fatima phát hiện ra mình có thai. Gia đình của Fatima hiện đang sống trong một nơi trú ẩn do UNHCR và các đối tác hỗ trợ tại Ethiopia. Cô nhận được sự giúp đỡ về tâm lý xã hội và được chuyển đến bệnh viện khu vực để chăm sóc y tế. Cô cũng đã đăng ký với Hội Chữ thập đỏ để cố gắng đoàn tụ với chồng và người con trai cả. Phụ nữ và trẻ em gái chiếm hơn một nửa số người tị nạn từ Sudan. Ngoài những mối nguy hiểm cố hữu do xung đột và di dời, họ còn phải đối mặt với bạo lực tình dục. Fatima nói: “Chúng tôi cần hòa bình để mọi người có thể trở về quê hương”.

Theo phụ nữ TPHCM