Nữ diễn viên Trung Quốc Gao Liu mới đây gây sốc khi công khai “cơn ác mộng phẫu thuật thẩm mỹ” của mình trên Weibo. Bài đăng thu hút hàng triệu lượt xem cho thấy phần mũi của Gao bị biến dạng, thâm đen phần chóp do phẫu thuật hỏng.
Cô cho biết cuộc trùng tu nhan sắc thất bại khiến bản thân từng có ý định tự tử, công việc diễn xuất bị hủy hoại. Nữ diễn viên cũng đưa ra lời cảnh báo về mặt trái của ngành công nghiệp làm đẹp ở đất nước tỷ dân.
“Tôi đã nghĩ rằng 4 giờ phẫu thuật sẽ khiến tôi xinh đẹp hơn, nhưng không nhận ra rằng chúng lại là khởi đầu của một cơn ác mộng”, nữ diễn viên viết.
|
Gao Liu bị biến dạng, hoại tử mũi sau khi phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh:Weibo. |
Gao phải nằm viện 61 ngày và mất khoảng 400.000 nhân dân tệ (tương đương 61.800 USD). Trong khi đó, bệnh viện nơi Gao làm phẫu thuật đã nhận 5 án phạt từ chính quyền địa phương trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10/2020.
Khi ngành công nghiệp làm đẹp bùng nổ thiếu kiểm soát ở châu Á, Gao chỉ là một trong vô số nạn nhân. Ao ước đẹp hơn, đổi đời nhờ ngoại hình đạt chuẩn nhưng không ít người bị biến dạng gương mặt, thậm chí đánh đổi tính mạng vì đặt niềm tin vào các cơ sở phẫu thuật chui, kém chất lượng.
Hủy hoại 200.000 gương mặt trong 10 năm
Theo báo cáo của Daxue Consulting, Trung Quốc trở thành thị trường phẫu thuật thẩm mỹ lớn thứ hai trên thế giới vào năm 2020 khi trị giá hơn 14 tỷ USD. Hơn 15,2 triệu người ở đất nước tỷ dân đã can thiệp dao kéo để cải thiện ngoại hình vào năm ngoái.
Tuy nhiên, công ty nghiên cứu thị trường iiMedia ước tính chỉ có 12% trong số hơn 13.000 phòng khám làm đẹp của Trung Quốc tuân thủ luật và quy định.
Các phòng phẫu thuật chui, bất hợp pháp đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong ngành công nghiệp làm đẹp ở Trung Quốc.
|
Chỉ 12% cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc đủ tiêu chuẩn. Ảnh:Sixth Tone. |
Theo Gengmei, nền tảng trực tuyến hàng đầu về phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc, tính đến năm 2017, có 60.000 phòng khám hoạt động bất hợp pháp và 150.000 bác sĩ không có giấy phép hành nghề. 70% thủ thuật thẩm mỹ từ đơn giản cho đến phức tạp đều diễn ra ở các phòng khám chui vì thủ tục dễ dàng, chi phí rẻ.
“Thật khó để diệt tận gốc những cơ sở này nếu không có sự giám sát hiệu quả và trừng phạt thích đáng. Một số bác sĩ, được trả lương thấp trong các bệnh viện do nhà nước điều hành, sẽ sa vào các thẩm mỹ viện bất hợp pháp”, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Qi làm việc ở Bắc Kinh nói với CGTN.
Ngành công nghiệp làm đẹp phát triển với tốc độ chóng mặt song kéo theo đó là tỷ lệ gia tăng các sự cố, tai nạn phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo dữ liệu do Hiệp hội người tiêu dùng Trung Quốc công bố, từ năm 2002 đến 2012, trung bình mỗi năm có hơn 20.000 người khiếu nại liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ. Tổng cộng trong 10 năm đã ghi nhận 200.000 trường hợp gặp biến chứng, bị huỷ hoại dung nhan do can thiệp dao kéo.
Là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực làm đẹp tại châu Á, Hàn Quốc cũng báo cáo số lượng tai nạn y khoa liên quan đến ngành phẫu thuật thẩm mỹ đáng báo động.
Theo Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Quốc tế, 650.000 ca phẫu thuật đã được thực hiện ở Hàn Quốc trong năm 2011. Nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra các quy định lỏng lẻo và cơ sở vật chất thiếu thốn tại các phòng khám chui.
|
Hàn Quốc và Trung Quốc là những thị trường phẫu thuật thẩm mỹ lớn nhất thế giới. Ảnh:Weibo. |
Khoảng 839 trong số 1.091 thẩm mỹ viện trên toàn quốc thiếu trang thiết bị y tế cấp cứu phù hợp, theo đánh giá của Cơ quan Giám định Bảo hiểm Y tế.
Nhiều phòng khám không thuê bác sĩ gây mê hoặc các chuyên gia được đào tạo để cắt giảm chi phí. Theo luật, bất kỳ bác sĩ nào có giấy phép hành nghề đều có thể thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, ngay cả khi người đó không chuyên về lĩnh vực này.
Nghiện dao kéo
Sun Yibing, 22 tuổi, lần đầu tiên phẫu thuật thẩm mỹ vào năm 17 tuổi. Kể từ đó, cô dần trở thành một người nổi tiếng khi trải qua thêm 12 lần dao kéo.
Bị bắt nạt ở trường vì ngoại hình và cân nặng của mình, Sun đã phẫu thuật mắt, mũi, hàm, thái dương và nhiều nơi khác. Bây giờ, cô đã có đôi mắt to tròn, sống mũi cao thẳng và đường viền hàm sắc nét hơn trước.
Thế nhưng, dù ngoại hình đã được cải thiện đáng kể, Sun không có ý định dừng lại.
"Tôi đã nghiện dao kéo và chưa bao giờ hài lòng với bản thân. Tôi không phản đối phẫu thuật thẩm mỹ nhưng bạn phải là chính mình thay vì biến thành người khác như tôi bây giờ", Sun, sống ở tỉnh Hà Nam, nói với AFP.
|
Không ít người xem phẫu thuật thẩm mỹ là cơ hội đổi đời. Ảnh:Sixth Tone. |
Sun đổ một phần trách nhiệm cho những người nổi tiếng trẻ tuổi, các ngôi sao tạo dựng tên tuổi trên Internet thường xuyên khoe khoang về cuộc phẫu thuật thẩm mỹ của họ.
Thế nhưng, như nhiều cô gái trẻ tuyệt vọng phải nhờ đến ngành công nghiệp làm đẹp để thay đổi cuộc đời, Sun biết cơn nghiện dao kéo của cô có nguyên nhân sâu xa hơn.
Đa số người lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ ở châu Á đều dưới 35 tuổi, chủ yếu là phụ nữ. Nhưng nam giới tìm kiếm các thủ thuật thẩm mỹ đang tăng mạnh. Năm ngoái, số lượng nam giới phẫu thuật cao gấp đôi so với năm trước, theo CGTN.
Phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình là điều hoàn toàn có thật và đang ngày càng phổ biến. Điều đó khiến một số người trẻ nghĩ rằng phẫu thuật thẩm mỹ là cánh cửa đổi đời, mở ra những cơ hội tốt hơn trong công việc, cuộc sống.
Theo Zing