Châu Nham, sinh năm 1995, là con gái duy nhất trong một gia đình ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Cô được coi là "con nhà người ta" nhờ ngoại hình thanh tú, học giỏi, vui vẻ và năng động. Với thành tích tốt, Nham thi đậu trường trung học cơ sở nổi tiếng của huyện nhưng không ngờ đây là nơi cơn ác mộng ập đến với cô.
Ở trường, Nham tham gia đội cổ vũ của câu lạc bộ bóng rổ, trở thành nữ sinh nổi bật trong mắt bạn học. Nham được nhiều nam sinh để ý, mến mộ, trong đó có thiếu gia Đào Nhữ Khôn.
Khôn bằng tuổi Nham nhưng có gia thế vượt trội. Bố Khôn là chủ nhiệm văn phòng của Cục Kiểm toán, mẹ là trưởng phòng tài vụ của Cục Kế hoạch thành phố Hợp Phì. Là con một, Khôn được bố mẹ cưng chiều hết mực.
Với thân phận "con quan", thường gọi là "quan nhị đại" theo tiếng lóng ở Trung Quốc, Khôn không cần tuân thủ các quy tắc ở trường, bởi luôn có người lấy lòng cậu ta và có bố mẹ giúp giải quyết hậu quả. Khôn trở thành kẻ bắt nạt ngang ngược trong trường mà chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái.
Không màng học tập, cũng không phải lo lắng cho tương lại, cuộc sống của Khôn chỉ có phá phách và yêu đương. Mới học cấp hai, Khôn đã có nhiều bạn gái nhờ cách theo đuổi bằng quà cáp và đeo bám. Tuy nhiên, Khôn chỉ yêu chơi bời, thấy thích thì theo đuổi, được một thời gian ngắn lại chia tay. Cậu ta tận hưởng cảm giác chinh phục và coi đây là cách thể hiện sức hút của bản thân.
Trong một trận bóng rổ ở trường, Khôn khóa chặt mục tiêu mới là Châu Nham của đội cổ vũ. Cậu ta bắt đầu nhiệt tình tấn công bằng hoa, quà, bày tỏ tình cảm một cách phô trương, nhưng bị từ chối nhiều lần.
Sự truy đuổi quyết liệt của Khôn dần biến thành đeo bám và quấy rối, Nham bị uy hiếp, ép hẹn hò. Cô nhờ bố mẹ và giáo viên can thiệp nhưng vô ích. Sau nhiều lần bị Khôn đánh đập, Nham đề nghị chia tay, lập tức nhận lại một trận đòn và đe dọa từ cậu ta.
Biết gia thế nhà Khôn, bố mẹ Nham đành cho con chuyển trường nhằm tránh xa rắc rối. Dẫu vậy, Khôn vẫn có thể tìm đến trường mới của Nham. Quãng thời gian này, cô thấy sợ đi học, trạng thái tinh thần suy sụp, bị mắc chứng trầm cảm nặng. Không còn cách nào, bố mẹ Nham quyết định xin nghỉ học cho con.
Sau 8 tháng nghỉ ngơi điều dưỡng tại nhà, Châu Nham lấy lại tinh thần và trở lại trường học dưới sự động viên của bố mẹ, trở thành học sinh cấp ba vào năm 2011.
Những tưởng rắc rối đã qua, thiếu nữ 16 tuổi có thể bắt đầu lại cuộc sống bình thường vui vẻ, nhưng biến cố xảy đến vào ngày 17/9/2011.
Hôm đó, Khôn đeo một chiếc ba lô màu đen xuất hiện trước cửa nhà Châu Nham, nói muốn giải quyết "vấn đề tình cảm" với cô một cách hòa bình. Nghĩ rằng có lẽ sau lần này, mình có thể thoát khỏi sự đeo bám của quý tử này, Nham nhất thời buông lỏng cảnh giác, cho Khôn vào nhà. Không ngờ, khi cô quay người đi lấy nước, Khôn đổ bình xăng bật lửa giấu trong ba lô lên người cô. Trước khi Nham kịp phản ứng, Khôn đã châm lửa.
Nhìn "người trong mộng" đau đớn lăn lộn trên mặt đất trong ngọn lửa dữ dội, Khôn trong lời khai sau này cho hay không quan tâm đến sống chết của Nham, nghĩ đây là cái giá phải trả vì cự tuyệt mình.
Khi hàng xóm biết chuyện chạy đến, Khôn bỏ trốn khỏi hiện trường.
Sau 7 ngày 7 đêm cấp cứu, Nham mới giữ được tính mạng, tuy nhiên vết bỏng 28% khắp cơ thể không thể nào lành lại. Mặt, cổ và ngực của cô bị tổn thương nặng nhất, da và dây thần kinh bị đốt cháy, một phần tai trái bị thiêu trụi, ngón tay tàn tật vĩnh viễn.
Sau sự việc, Khôn bị tạm giam, chờ kết quả giám định thương tật của nạn nhân. Bất chấp tội lỗi kinh hoàng do con trai gây ra, bố mẹ Khôn vẫn vận dụng các mối quan hệ để quý tử được tại ngoại trong khi chờ xét xử nhưng không thành công.
Về phần Châu Nham, lúc đầu bố mẹ Khôn trả 10.000 nhân dân tệ tiền thuốc men, nhưng sau đó lại lấy viện phí ra để uy hiếp. Gia đình giàu có này muốn bố mẹ Nham ký tên lên đơn tha thứ có nội dung sai sự thật, nhằm giúp quý tử thoát tội. Trên giấy viết Khôn ngộ thương Nham, sau đó đã nhanh chóng gọi cảnh sát và cấp cứu.
Sau khi không thuyết phục được bố mẹ Nham, bố mẹ Khôn lập tức cắt đứt chi phí điều trị cho nạn nhân.
Để cứu con, bố mẹ Nham tiêu sạch tiền tiết kiệm nhưng vẫn nợ bệnh viện gần 100.000 nhân dân tệ tiền thuốc men. Châu Nham buộc phải xuất viện.
Vụ án có tình tiết và động cơ phạm tội rõ ràng, nhưng bản án cho kẻ ác vẫn bị trì hoãn.
Đến ngày 24/2/2012, một bài viết có tiêu đề Con quan ở An Huy hoành hành ngang ngược, không đạt được tình yêu liền châm lửa đốt thiếu nữ bùng nổ trên Internet. Bi kịch của Châu Nham khơi dậy sự đồng cảm của đông đảo người đọc, nhận được tiền ủng hộ để tiếp tục điều trị. Trước áp lực dư luận, trên trang cá nhân ngày 25/2/2012, bố Khôn thừa nhận không biết dạy con, gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân, hứa không trốn tránh trách nhiệm.
Tuy nhiên, phải đến ngày 10/5/2015, Khôn mới bị tuyên án 12 năm một tháng tù về tội Cố ý gây thương tích.
Sau khi bố mẹ nạn nhân kháng cáo, ngày 22/3/2016, tòa trung thẩm giữ nguyên mức án nhưng thêm khoản bồi thường 1,8 triệu nhân dân tệ. Với người bình thường, con số này không nhỏ, nhưng đối với Châu Nham, chừng đó còn lâu mới đủ để cô điều trị.
Tháng 8/2016, Châu Nham lần đầu chia sẻ hình ảnh sẹo chằng chịt khắp mặt và tứ chi. Cô từng trải qua 9 lần đại phẫu, 19 lần tiểu phẫu để chỉnh sửa thẩm mỹ riêng trong năm 2012.
Hơn 10 năm sau cơn ác mộng, Châu Nham đã dần hòa nhập cuộc sống bình thường. Cô không che giấu những vết sẹo mà tự tin chia sẻ ảnh selfie cận mặt như các cô gái khác. Cô bán mỹ phẩm online kiếm sống, thu nhập không cao nhưng vẫn có thể duy trì cuộc sống.
Theo vnexpress