leftcenterrightdel
 Số người có nhu cầu thuê nhà tăng mạnh ở Singapore. Ảnh:Ooi Boon Keong/TODAY.

Khi thị trường cho thuê bất động sản ở đảo quốc sư tử bùng nổ trong năm nay, nhiều người phải chật vật để tìm được chỗ ở với giá cả phải chăng. Bối cảnh này là mảnh đất màu mỡ cho kẻ lừa đảo lợi dụng niềm tin của người đi thuê, theo Asian One.

Từ đầu năm đến nay, 3,9 triệu USD đã bị mất vào tay những tên tội phạm giả danh đại lý tài sản. Trong đó, M, một nạn nhân, cũng bị lừa 5.400 USD bởi chiêu trò của nhóm này.

Khi gia đình có thêm thành viên mới, M cần tìm chỗ ở lớn hơn để mọi người sinh hoạt thoải mái. Trước đó, anh sống trong một căn hộ studio cùng với vợ và 3 con mèo. Hiện anh muốn nâng cấp lên nơi có 2 phòng ngủ.

Sợ bỏ lỡ giá tốt

Mđã dành nhiều ngày liền để tham khảo trên mạng nhưng không tìm được ngôi nhà phù hợp với tiêu chí của hai vợ chồng.

“Giá tăng phi mã nhưng nguồn cung trên thị trường lại hạn hẹp. Chúng tôi có tham khảo các danh sách khác nhưng luôn trong tình trạng đã có người thuê hoặc không phản hồi”, M chia sẻ.

Bên cạnh những khó khăn trong việc tìm kiếm, M còn gặp rắc rối với hợp đồng thuê khi nó sẽ hết hạn vào cuối năm. Trước đây, anh chưa từng chật vật như vậy khi tìm nhà.

“Khi thuê chỗ ở hiện tại, tôi đã sử dụng PropertyGuru và trải nghiệm thật tuyệt vời. Nó không phức tạp như vậy nhưng thời kỳ đó đã qua”, M nói thêm.

Trong lúc xoay xở với các lựa chọn, M vô tình nhìn thấy danh sách trên Facebook với mức phí hấp dẫn. Sau khi gửi các thông tin chi tiết về thời hạn thuê, hồ sơ, ngày dự định chuyển đến, nhân viên đại lý đã liên hệ với M để đặt lịch hẹn.

Người này nói chủ nhà phải đón tiếp rất nhiều người muốn xem nhà vào cuối tuần, nhưng nếu M đưa ra một mức giá hợp lý, anh ta sẽ chốt căn này cho M.

M đã trả giá 2.700 USD/tháng cho hợp đồng thuê hai năm hoặc 2.800 USD/tháng nếu thuê một năm.

leftcenterrightdel
 Các trang web cho thuê nhà giả mạo thông tin của đại lý bất động sản để lừa tiền. Ảnh:CNA.

Nam nhân viên cho rằng con số M đề nghị quá thấp và thể hiện sự không vui vì anh vẫn còn muốn thương lượng.

“Trong tâm trạng có chút lo lắng, tôi đã cố thu lại cảm xúc và nói nếu không được giá như ý thì cho vợ chồng tôi xem nhà trước. Ngay lập tức, kẻ lừa đảo nói rằng chủ nhà đã đồng ý với giá 2.700 USD và yêu cầu chuyển khoản nhanh”, M kể.

M đã chuyển hai tháng tiền nhà (5.400 USD) cho hợp đồng thuê hai năm. Ngoài ra, anh còn phải nộp thêm vài giấy tờ khác và được thông báo sẽ nhận một bản sao sau khi hoàn tất thủ tục.

Tuy nhiên, trong suốt nhiều ngày, nạn nhân không nhận được bất kỳ hồi âm nào từ đơn vị trên. M đã gọi cho một số người bạn cũng đang thuê nhà thì hầu hết đều cảnh báo anh đã bị lừa. M liên lạc cho một người quen có văn phòng bất động sản để kiểm tra thì được cho hay nơi anh định thuê không có thật.

“Đó là lúc tôi nhận ra mình đã bị lừa”, M than thở.

Chiêu trò lừa đảo

Theo AsiaOne, trong những trò lừa đảo phức tạp hơn, những tên tội phạm có thể sử dụng một tài sản trống để thực hiện các buổi xem nhà giả.

Việc trình báo với cảnh sát không có nghĩa là các nạn nhân sẽ nhận lại được tiền của mình.

Theo một nghiên cứu về tâm lý người tiêu dùng do trang thông tin PropertyGuru công bố vào tuần trước, 2/3 những người từ 22 đến 29 tuổi (khoảng 66%) cho biết họ đã thuê nhà thay vì mua bất động sản của riêng mình.

1/3 những người được hỏi cho biết họ áp lực khi giá nhà đã vượt quá khả năng chi trả. Báo cáo này cho thấy người trẻ ở Singapore đang cân nhắc việc đi thuê và chia sẻ căn hộ hơn bao giờ hết.

Với tình hình này, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về những thủ thuật lợi dụng tâm lý để lừa tiền.

Khi giá thuê ở mức cao nhất trong 6 năm, chủ nhà được chiếm mọi ưu thế trong thời điểm này.

Những người cần tìm chỗ ở buộc phải tìm kiếm bên ngoài các cổng thông tin tài sản như tra trên mạng, tờ rơi ở trạm xe buýt hoặc thông qua truyền miệng. Đây là những kênh có xu hướng thu hút những kẻ lừa đảo.

leftcenterrightdel
Người thuê cần phải xem nhà trực tiếp thay vì chỉ nhìn qua hình ảnh trên mạng. Ảnh:Real Estate. 

Chúng thường đánh vào sự tuyệt vọng của nạn nhân và hội chứng sợ bỏ lỡ để lừa họ nhanh chóng chuyển tiền để giữ chỗ.

Trước khi đặt cọc, người thuê nhà nên kiểm tra với cơ quan chức năng để xác minh bên môi giới bất động sản có được cấp phép hay không.

Trong nhiều trường hợp, những tên lừa đảo mạo danh các đại lý có thẩm quyền nhưng thay đổi số điện thoại không giống thông tin đăng ký.

“Sai lầm của tôi là đặt cọc ngay cả khi chưa xem nhà. Bài đăng kia cũng đã biến mất. Tôi rút kinh nghiệm sau đó là luôn sử dụng các cổng thông tin đáng tin cậy.

Tôi cũng đã trình báo cảnh sát và được biết nhiều người cũng gặp vấn đề tương tự. Không có gì đảm bảo mọi người sẽ lấy lại được tiền. Ngay cả khi bắt được kẻ lừa đảo, có khả năng số tiền đã được tiêu”, M nói.

Theo zingnews