Nhiều người thường lầm tưởng rằng đó là quy định bắt buộc nhưng trên thực tế Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) lại chỉ ban hành các hướng dẫn về kích cỡ, kiểu chữ, phông chữ để có thể sử dụng tại các máy đọc hộ chiếu. Bên cạnh đó, hộ chiếu phải được làm bằng một vật liệu có thể chịu được nhiệt độ -10 đến 50 độ C và độ ẩm lên đến 95%. Còn về màu sắc, chính phủ của mỗi quốc gia có thể tự do lựa chọn.

Trên thực tế, không hề có một quy định quốc tế chính thức nào về việc lựa chọn màu hộ chiếu của các nước

Dù dựa trên 4 màu cơ bản nhưng hộ chiếu các nước lại mang rất nhiều sắc thái biến thể đa dạng. Lý do đằng sau có thể liên quan đến tôn giáo, chính trị, địa lý, chính sách và bản sắc của từng quốc gia.

Màu đỏ

Màu đỏ là màu hộ chiếu được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Đa phần hộ chiếu của các nước thành viên Liên minh châu Âu (không bao gồm Croatia) đều có màu đỏ. Ngoài ra, một số quốc gia đang mong muốn gia nhập EU gần đây cũng đã thay đổi hộ chiếu sang thành màu đỏ. Thổ Nhĩ Kỳ, Albania, Macedonia, Serbia hay Georgia nằm trong số các quốc gia này.

Đỏ là màu hộ chiếu được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới

Các lý do tôn giáo và lịch sử cũng được coi là lý do khiến nhiều quốc gia châu Âu lựa chọn màu đỏ cho hộ chiếu. Một trong những yếu tố chính trong Cơ đốc giáo là tầm quan trọng đặc biệt của màu đỏ. Mặt khác, các nước Bắc Âu lại ưa thích màu đỏ trên hộ chiếu như một biểu tượng của các bộ lạc Viking, bộ lạc có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử của họ. Bên cạnh đó, các quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa cũng thường lựa chọn màu đỏ cho hộ chiếu.

Màu xanh lá cây

Màu xanh lá cây thường tượng trưng cho tôn giáo hay lịch sử của đất nước. Lý do chính màu xanh lá cây được sử dụng trong hộ chiếu của hầu hết các quốc gia Hồi giáo và quốc kỳ của họ là vì màu xanh lá cây có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đạo Hồi và được công nhận là màu yêu thích của Nhà tiên tri Muhammad.

Màu xanh lá cây thường tượng trưng cho tôn giáo hay lịch sử của đất nước

Màu xanh lá cây còn được gọi là màu của thiên nhiên và hòa bình. Ngoài các quốc gia Hồi giáo, nước thành viên của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi cũng chọn xanh lá cây làm màu sắc chủ đạo trên hộ chiếu. Mỹ cũng sử dụng hộ chiếu xanh cho đến năm 1976 và thậm chí chuyển hẳn sang việc cấp hộ chiếu màu xanh lá cây để vinh danh Benjamin Franklin trong khoảng thời gian một năm từ 1993 đến 1994, trước khi chuyển hẳn sang màu xanh lam như ngày nay.

Màu xanh lam

Xanh lam là màu hộ chiếu được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới

Đây là màu hộ chiếu được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới. Màu xanh lam được sử dụng phổ biến trên hộ chiếu của các nước ở Bắc và Nam Mỹ hay một số nước Châu Á. Người ta tin rằng màu xanh lam chủ yếu tượng trưng cho một "Thế giới mới". Ngoài ra, màu xanh lam còn được sử dụng trên hộ chiếu cho các mục đích chính trị hay hội nhập quốc tế. 

Màu đen

Trong số tất cả các màu của hộ chiếu, đây là màu hộ chiếu hiếm được sử dụng nhất. Hộ chiếu màu đen thường được sử dụng phổ biến hơn ở một số nước châu Phi và châu Á hay New Zealand.

Đen là màu hộ chiếu hiếm gặp nhất trên thế giới

Ở các quốc gia như New Zealand, Botswana và Zambia, màu đen là màu chính thức của đất nước. Ngoài các quốc gia châu Phi như Angola, Congo và Malawi, các quốc gia châu Á như Tajikistan và Palestine cũng ưa chuộng tông màu đen sáng hoặc tối trong hộ chiếu do vai trò quan trọng của màu đen trong lịch sử và văn hóa của họ. Bên cạnh hộ chiếu phổ thông, hộ chiếu ngoại giao của nhiều nước như Mỹ cũng có màu đen.

Theo vietnamnet