Một gian hàng bán túi vải ở Ấn Độ.
Động thái quyết liệt này nằm bảo vệ môi trường khỏi vấn nạn rác thải đến từ đồ nhựa. Hiện giờ, Mumbai là thành phố lớn nhất Ấn Độ đưa ra lệnh cấm này. Kể từ thứ 2 tuần này, lệnh cấm đã bắt đầu được triển khai trong đời sống.
Có nhiều mức phạt từ nhẹ tới nặng, mức phạt cao nhất đối với người liên tục tái phạm là phải nộp phạt 25.000 Rupi (gần 8,5 triệu đồng) và bị giam giữ trong ba tháng. Người mới lần đầu vi phạm sẽ bị phạt 5.000 Rupi (hơn 1,5 triệu đồng).
Những nhân viên chịu trách nhiệm giám sát luật mới đã đồng loạt ra quân, tỏa đi khắp các khu vực trong thành phố, để phát hiện những cơ sở kinh doanh hoặc người dân vẫn còn sử dụng những sản phẩm đồ nhựa - loại chỉ để dùng một lần. Trước mắt, nhiều quán bán đồ ăn nhanh đã bị phạt vì chưa kịp điều chỉnh phong cách phục vụ theo điều luật mới.
Một người dân sống ở Mumbai - ông Kamlash Mohan Chaudhary chia sẻ: "Vì vấn đề ô nhiễm môi trường, phương cách này là cần thiết; nhưng đối với người dân, hiện đây là vấn đề lớn trong cuộc sống đời thường, bởi người dân nơi đây từ quá lâu đã quen với việc hễ mua gì là được đựng trong túi nilon".
Ông Chaudhary, một tài xế taxi, cho hay hiện tại ông bắt đầu có thói quen luôn mang theo túi vải khi ra đường và những cửa hàng bán thịt mà ông hay ghé qua cũng bắt đầu chuyển từ việc để thịt vào túi nilon đưa cho khách, nay họ chuyển sang gói vào giấy báo.
Ấn Độ gần đây đã tổ chức nhiều sự kiện nhân Ngày Môi trường Thế giới với nội dung tập trung vào việc xử lý vấn nạn rác thải từ đồ nhựa. Kể từ năm 1950, ước tính, hành tinh của chúng ta đã phải đón nhận khoảng 6,3 tỷ tấn rác thải từ đồ nhựa, đa phần khối rác thải này sẽ không phân hủy trong ít nhất 450 năm nữa.
Phân nửa rác thải từ đồ nhựa trên thế giới sản sinh ra trong vòng 13 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính được cho là bởi những món đồ nhựa dùng để bao bọc sản phẩm, chỉ được dùng một lần rồi vứt đi, như túi nilon, cốc nhựa, chai nhựa, ống hút... đang được sản xuất quá nhiều.
Mỗi năm, trung bình một người dân Ấn Độ thải ra 11kg rác thải đồ nhựa. Thực tế, con số này vẫn còn khiêm tốn so với mức trung bình ở nhiều quốc gia phương Tây, nơi có đời sống kinh tế phát triển, lượng rác thải đồ nhựa còn lớn hơn thế nhiều nhưng bù lại, ở những quốc gia phương Tây, hệ thống phân loại - xử lý rác thải của họ hoạt động khá hiệu quả.
Theo Thế giới và Việt Nam