Dù dịch Covid-19 đang có dấu hiệu lây lan tại nhiều nơi, nhưng vì công việc, bạn vẫn phải đi lại, di chuyển. Taxi, xe bus, xe khách... vẫn là những phương tiện giao thông công cộng được nhiều người sử dụng.
Hàng ngày, chị Nguyễn Thu Phượng (phố Định Công, Hà Nội) thường sử dụng xe bus hoặc xe đưa đón nhân viên của công ty đi làm. Chị Phượng cho biết, lúc mới bùng phát dịch bệnh, chị và nhiều đồng nghiệp cũng lo lắng khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nhưng với những "mẹo" của riêng mình, chị Phượng đã tạm yên tâm khi sử dụng xe bus.
Chị Phượng chia sẻ, nếu bắt buộc phải di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng trong mùa dịch Covi-19, điều quan trọng nhất là cần phải tuân thủ theo đúng khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng, để tự bảo vệ mình và phòng tránh lây nhiễm bệnh dịch Covid-19.
Khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế:
- Khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở. Nên hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng nếu không cần thiết.
- Sử dụng khẩu trang đúng cách.
- Che kín miệng, mũi bằng khăn giấy, khăn vải hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi. Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào túi đựng kín và bỏ vào thùng rác đúng nơi quy định.
- Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng (nếu có) hoặc bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa trên 60% nồng độ cồn, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi; thải bỏ khăn giấy; rời khỏi phương tiện giao thông.
Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế ăn uống, nói chuyện trên phương tiện giao thông.
- Không khạc nhổ trên phương tiện giao thông và nơi công cộng (ga tàu, bến xe, sân bay, nhà ga,…).
- Nếu thấy bản thân hoặc hành khách cùng đi có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở: thông báo ngay cho người quản lý phương tiện để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
- Tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện ho hoặc sốt, khó thở đi cùng phương tiện giao thông.
Nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế (19009095 hoặc 19003228) để được tư vấn và cung cấp thông tin liên quan đến phương tiện giao thông bạn đã sử dụng. Đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
Chị Nguyễn Thu Phượng còn chia sẻ thêm một số bí quyết bảo vệ sức khỏe của riêng mình:
- Cùng với đeo khẩu trang, chị luôn chuẩn bị một chiếc mũ vải và kính mắt để sử dụng khi lên xe.
- Buộc tóc gọn gàng, có thể búi cao để hạn chế tóc tiếp xúc với bề mặt của ghế, cửa xe.
- Mặc quần áo dài tay.
Có thể chuẩn bị thêm một chiếc áo khoác mỏng, có mũ để sử dụng trên xe. Loại áo gió vừa giúp giữ ấm, vừa có công dụng chống thấm nước. Khi về nhà, trước khi vào cửa, chị sẽ cởi bỏ áo khoác ngoài ra, giũ sạch và giặt hàng ngày. Cẩn thận hơn, bạn có thể dùng thêm cả găng tay.
- Bạn cũng nên mang theo một chai nước rửa tay sát khuẩn hoặc một chai cồn nhỏ để vệ sinh tay hoặc xịt lên bề mặt các vật dụng trên xe, nếu bạn tiếp xúc như: tay nắm cửa, hai bên thành ghế, thanh nắm trên xe bus…
- Tránh tuyệt đối việc ăn, uống, tháo bỏ khẩu trang khi ngồi trên xe.
- Nếu đi xe bus, bạn nên mua vé tháng, để hạn chế sử dụng tiền mặt mua vé xe trên mỗi chuyến đi.
Nếu di chuyển bằng taxi, có thể sử dụng hình thức thanh toán trước qua app (với taxi công nghệ) hoặc thanh toán bằng thẻ.
Hiện nay, hầu hết các hãng taxi lớn đều có máy quẹt thẻ để thanh toán.
Với xe khách cũng vậy, bạn có thể đăng ký mua vé và thanh toán online.
- Khi di chuyển bằng xe taxi hoặc xe khách, có thể yêu cầu lái xe tắt điều hòa và mở cửa kính xe để không khí lưu thông.
Những biện pháp trên có vẻ hơi kích rích, nhưng bạn không nên lười và chủ quan, bởi sự an toàn và sức khỏe mới là điều quan trọng nhất.
Vân Anh