Ngày 13/2, trên tài khoản Weibo của mình, bà Lee cho biết mình nhận được thông báo pháp lý từ tòa án Bắc Kinh, theo Sixth Tone.

Bản thông báo nói rằng chồng cũ Li Yang - người sáng lập Crazy English, phương pháp học tiếng Anh bằng cách la hét phổ biến ở Trung Quốc - đã kiện bà vì một bài đăng trên mạng xã hội cách đây gần 6 tháng.

 
bieu tuong chong bao luc gia dinh Trung Quoc bi chong cu kien anh 1

Bà Lee (trái) trong một phiên tòa ở Bắc Kinh hồi tháng 2/2013 và ông Li phát biểu tại một sự kiện ở tỉnh Phúc Kiến vào tháng 6/2015. Ảnh:People Visual.

Vụ việc

Cụ thể, tháng 8/2021, bà đăng tải một video dài 30 giây, chia sẻ về hành vi bạo lực đối với các con của ông Li.

“Tôi không nghĩ mình có thể bị truy tố hình sự chỉ vì nói ra sự thật. Tôi nghĩ vụ kiện cũng là một phần của bạo lực gia đình. Những kẻ bạo hành luôn cố gắng tìm ra cách tiếp tục kiểm soát bạn”, bà viết. Hiện bài viết này đã được xóa khỏi tài khoản.

Tuy nhiên, ảnh chụp màn hình bài đăng vẫn được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, bao gồm cả bức thư tay của hai cô con gái tố cáo ông Li đã “đấm”, “bóp cổ”, “tát” và giật tóc”.

Phản hồi về bài đăng của bà Lee hồi tháng 8, ông Li cho biết video đã bị “chỉnh sửa với mục đích xấu”.

Ngày 14/2, Zhou Zhaocheng, người đại diện pháp lý của ông Li, đã xác nhận rằng ông Li đang kiện bà Kim Lee về “tranh chấp liên quan đến trách nhiệm pháp lý về vi phạm trên không gian mạng”.

Luật sư phủ nhận việc ông Li bạo lực các con gái của mình, đồng thời cho biết khách hàng của mình bị lạm dụng bởi cộng đồng trực tuyến, cũng như gặp tổn thất tài chính sau cáo buộc của bà Lee.

“Đó chỉ là hành vi kỷ luật bình thường của người bố đối với con gái của mình. Không có sự bạo lực gia đình ở đây”, ông Zhou nói với Sixth Tone.

 
bieu tuong chong bao luc gia dinh Trung Quoc bi chong cu kien anh 2

Li Yang, nhà sáng lập phương pháp học ngoại ngữ Crazy English, có 3 con gái với bà Kim Lee.

Luật sư cho biết thêm rằng vụ tranh chấp giữa ông Li và bà Lee là do “sự khác biệt trong cách nuôi dạy con cái giữa văn hóa phương Đông và phương Tây”. Ông hy vọng vụ kiện có thể giúp tiến tới “luật về quyền kỷ luật gia đình” để giúp làm rõ mức độ mà phụ huynh có thể trừng phạt, kỷ luật con cái mình.

Ngoài ra, ông Li cũng kiện các công ty truyền thông mạng xã hội, như Weibo và Toutiao, với lý do tương tự với vợ cũ. Tòa án Internet Bắc Kinh sẽ xét xử vụ việc vào ngày 17/3.

Liu Shang, một nhà vận động xã hội chống bạo lực gia đình, người đã hỗ trợ bà Lee từ vụ kiện ban đầu hồi năm 2012-2013, cho biết bà nhận thấy “thủ đoạn quen thuộc” ở tình cảnh lúc này.

“Vì bạo lực gia đình thường xảy ra ở những tình huống riêng tư và đột ngột, nạn nhân khó có thể thu thập đủ bằng chứng ngay lập tức. Một số nạn nhân chọn cách phơi bày trải nghiệm đau thương của mình trước công chúng, và đối với nhiều người trong số đó, đây thậm chí là cách duy nhất để họ tìm kiếm công lý. Nhưng đồng thời, nó trở thành cơ sở để kẻ lạm dụng kiện ngược nạn nhân về hành vi làm xấu danh tiếng”, bà chia sẻ.

Cách đây 10 năm, bà Lee đã trở thành gương mặt đại diện tiêu biểu cho cuộc chiến chống bạo lực gia đình ở Trung Quốc vì đã lên tiếng tố cáo chồng cũ.

Năm 2011, bà công khai những hình ảnh cho thấy vết thương do ông Li gây ra trên cơ thể mình. Bà đệ đơn ly hôn vào cuối năm đó.

Năm 2013, một tòa án ở Bắc Kinh tuyên bố Lee nhận được 12 triệu NDT (1,86 triệu USD) khi phân chia tài sản với chồng cũ và giành quyền nuôi 3 con gái.

Thời điểm đó, đây được coi là vụ án mang tính bước ngoặt, giúp nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình ở Trung Quốc. Kể từ bản án trên, bà Lee kêu gọi phụ nữ khắp đại lục đứng lên bảo vệ quyền lợi của họ.

Luật chống bạo lực gia đình mang tính bước ngoặt của Trung Quốc chính thức có hiệu lực vào năm 2016. Một số chuyên gia tin rằng một phần được thúc đẩy bởi vụ việc của bà Lee.

 
bieu tuong chong bao luc gia dinh Trung Quoc bi chong cu kien anh 3

Kim Lee đã chia sẻ câu chuyện bạo hành gia đình của mình với công chúng Trung Quốc vào năm 2011. Ảnh:Simon Song/SCMP.

Theo Zing