Không thể phủ nhận thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ sau 111 năm kể từ khi ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 được khởi xướng, thế nhưng phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề như bạo lực, xâm hại, phân biệt đối xử…

"Đại dịch COVID-19 càng khoét sâu hơn tình trạng bất bình đẳng giới, và nếu không có những can thiệp kịp thời thì nhiều thành tựu sẽ có thể bị “thổi bay” dù đã tốn bao công sức và nỗ lực đấu tranh trước đó". Đây là một trong những kết luận quan trọng do UNESCO và tạp chí Times Higher Education cùng công bố trong báo cáo mới đây mang tên “Bình đẳng giới: các trường đại học đang làm gì?”.

Nhiều lĩnh vực khoa học vẫn còn thiếu bóng dáng của phụ nữ - Ảnh: Times Higher Education
Nhiều lĩnh vực khoa học vẫn còn thiếu bóng dáng của phụ nữ - Ảnh: Times Higher Education

 

Theo đó, mặc dù số lượng nữ sinh viên ngày càng tăng cao trên phạm vi toàn cầu, thế nhưng đóng góp của họ hầu như chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như Khoa học xã hội, và vắng bóng trong các mảng do nam giới "thống trị", bao gồm Khoa học tự nhiên, STEM, kỹ thuật…

 

Bên cạnh đó, số phụ nữ làm lãnh đạo trong các trường đại học tuy có tăng hơn trước đây, nhưng vẫn đang trong tỷ lệ khá khiêm tốn, còn số bài báo khoa học do các tác giả nữ công bố cũng chưa tới 1/3. Chưa kể vẫn còn thiếu vắng các chính sách và dịch vụ hỗ trợ phụ nữ theo đuổi con đường học thuật và nghiên cứu của mình.

Báo cáo được thực hiện dựa vào dữ liệu do 776 trường đại học trên khắp thế giới cung cấp, tập trung vào việc thực hiện mục tiêu đóng góp cho bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái do Liên Hiệp Quốc đề ra. Hai cái tên nổi bật được khen ngợi là Úc và New Zealand với thành tích cao nhất trong bình đẳng giới ở lĩnh vực giáo dục bậc cao.

Giáo sư Eileen Drew từ Đại học Trinity College Dublin (Ireland) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần có chiến lược hỗ trợ phụ nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp cao trong trường đại học, trong khi một số học giả từ Mexico, Ấn Độ và Kenya lại quan tâm nhiều hơn vào việc giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ.

“Thúc đẩy bình bình đẳng giới và chống lại tình trạng bạo hành tình dục là 2 vấn đề cần được quan tâm”, bà Judith Waudo, một nhà hoạt động nữ quyền ở Kenya nói.

Tổ chức của bà cũng vừa giới thiệu một ứng dụng trên điện thoại giúp sinh viên và giảng viên có thể báo cáo vụ việc phân biệt đối xử, quấy rối và xâm hại tình dục trên giảng đường theo cách ẩn danh bởi “nhiều nạn nhân thường không dám báo cáo do ngại ngùng, bị trêu chọc và định kiến”.

Nhiều trường đại học ở Mexico cũng tăng cường tập huấn và truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho toàn bộ sinh viên và giảng viên của mình nhằm tạo ra một môi trường học tập và làm việc an toàn cho tất cả mọi người.

Một số trường đại học ở Ấn Độ thiết lập dịch vụ nhà trẻ ngay trong khuôn viên trường để hỗ trợ trông trẻ cho các nữ sinh viên và cán bộ nhân viên nhà trường - Ảnh: Dominic Chavez/IFC
Một số trường đại học ở Ấn Độ thiết lập dịch vụ nhà trẻ ngay trong khuôn viên trường để hỗ trợ trông trẻ cho các nữ sinh viên và cán bộ nhân viên nhà trường - Ảnh: Dominic Chavez/IFC

 

Giáo sư Bhavani Rao tại Đại học Amrita Vishwa Vidyapeetham (Ấn Độ) cho biết, trường của bà đang duy trì “chính sách Không khoan nhượng với hành vi quấy rối tình dục” được áp dụng một cách nghiêm túc và hiệu quả. Bên cạnh đó, trường đại học này còn đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, thiết kế và triển khai các sáng kiến, chương trình thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

“Chúng tôi còn có các nhà trẻ được tổ chức trong khuôn viên trường để giúp nữ sinh viên và cán bộ nhân viên nhà trường thuận tiện hơn trong đưa đón con”, bà Bhavani Rao nói với tạp chí University World News.

Theo phunuonline.com.vn