Một sáng rời nhà, tôi phát hiện mình để quên điện thoại ở nhà. Sợ không kịp giờ đến cơ quan, sau lưng là hai đứa trẻ ở hai trường cách nhau ba cây số nên tôi chặc lưỡi đi luôn.

Một buổi vắng điện thoại mà tôi nhấp nhổm hơn khi vắng chồng vắng con, cứ nơm nớp sợ có ai gọi đến, chỉ mong tới giờ nghỉ trưa. Và tôi đã bỏ cả bữa trưa và giấc ngủ ngắn để về nhà lấy điện thoại. 

Ngẫm ra, vì cái điện thoại mà tôi mất sức khá nhiều. Nhưng dù tôi có bỏ nó ở nhà nửa ngày thì cũng chẳng cuộc gọi nhỡ hay tin nhắn nào, chỉ có hơn trăm dòng thông báo trên Facebook rằng người này đăng trạng thái mới, người kia còm và đôi tin nhắn inbox quảng cáo hàng hóa vô thưởng vô phạt.


                                                                                                                   Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK


Sẵn cơn tức, tôi ngồi lườm cái điện thoại và nhận ra mình phụ thuộc nó quá nhiều, điện thoại càng thông minh thì tôi càng… ngu. 

Ngày mới ra trường, đầu óc còn trơn tru, tôi có thể nhớ được cả trăm số điện thoại của khách hàng. Chỉ cần nhìn mã số khách hàng là tôi nói ngay được số điện thoại, địa chỉ và công ty ấy làm ngành hàng gì.

Thế mà bây giờ hỏi số điện thoại của mẹ, tôi cũng phải định thần mới nhớ được (trong khi tôi yêu cầu hai đứa con, một đứa lớp Bốn, một đứa lớp Chồi phải thuộc số điện thoại ba mẹ, ông bà nội ngoại). 

Tôi hay mua đồ linh tinh trên mạng, mỗi món chỉ mấy chục hay hơn trăm ngàn đồng nhưng về nhà dùng một, hai lần bị hư hoặc thấy không hợp là bỏ xó.

Ví như cái đồng hồ nam châm màu xanh, cô bé bán hàng là đồng nghiệp cũ, là mẹ đơn thân, nói bị khách bom nên nhờ ai mua giúp, và tôi mủi lòng.

Rồi cái lược gỡ rối, rồi tuýp kem bôi nứt gót chân, rồi cái đèn cảm ứng, rồi mấy bịch cột tóc, chân đế chống rung máy giặt mà về lắp vào nó còn rung hơn.

Cái phễu chống hôi xài hai tuần đã rách, cái phễu lọc rác máy giặt bị gãy ngay lần đầu tiên giặt, những viên tẩy bồn cầu được quảng cáo là xài mấy chục lần nhấn nước mà thả khi sáng chiều về đã chẳng còn gì.

Cái áo sơ mi nghe tả là vải mềm đẹp, hàng xuất khẩu… khi nhận mới thấy vải mỏng gần như vải xô, hai tà lệch nhau.

Và đôi khi những món lớn hơn như cái máy ép chậm bảy tám trăm ngàn đồng nhưng thả quả nho vào cũng bị kẹt.

Những món đồ ấy, lúc xem quảng cáo, tôi thấy nó hay hay, tiện lợi. Nào ai biết từ “quảng” đến “cáo” cách xa nhau thế.

Và tôi hạ quyết tâm, sẽ nhịn mua những đồ linh tinh. Nếu tôi nhịn mua món gì, số tiền ấy tôi sẽ bỏ vào một con heo đất riêng.

Đến nay đã tròn một năm kể từ ngày tôi nhịn mua sắm online để nuôi heo. Tất nhiên tôi vẫn mua sắm những thứ cần thiết cho gia đình. Còn những món khác, tôi thường tự hỏi: “Không mua có sao không?”, nếu câu trả lời là “không sao” thì tôi sẽ bỏ qua.

Cô đồng nghiệp kia thi thoảng có nhắn, sao lâu nay không thấy chị ủng hộ, em có món này hay nè. Tôi trả lời dạo này kinh tế khó khăn nên hơi kẹt.

Thật bất ngờ, số tiền trong heo đất lên đến mười bốn triệu bảy trăm ngàn đồng!

Gần mười lăm triệu cho những món vô bổ, tôi tạm gọi vậy, vì không có nó gia đình tôi vẫn có một năm “không sao”. Tôi quyết định giữ số tiền này làm… quỹ đen.

Tôi nghiên cứu để mua món gì đó xứng đáng, ví dụ là cái bàn ủi hơi nước cho đỡ cực, hay cái máy ép chậm để bắt cả nhà siêng uống nước ép. Nhưng tất nhiên tôi sẽ xem xét kỹ, không tin vào những lời quảng cáo hay mềm lòng mua “ủng hộ” nữa. 

Việc đầu tiên hôm nay tôi sẽ làm là đi mua một con heo đất khác, sau đó là ẩn, hủy kết bạn hoặc giảm tương tác với một số người bán hàng.

Có ai đó nói, nên tìm cách kiếm tiền hơn là tìm cách tiết kiệm. Tôi sẽ làm cả hai, khi tiết kiệm bằng cách giảm thời gian ôm điện thoại và lướt mạng ngó nghiêng để mua mấy món linh tinh, tôi có nhiều thời gian dành cho công việc hơn. Và thời gian tôi dành cho gia đình, cho những bữa cơm nhiều hơn.

Tôi đã làm được và sẽ tiếp tục. 

Theo  phunuonline.com.vn