Ngày càng nhiều công ty Nhật Bản muốn thoát khỏi Trung Quốc hoàn toàn hoặc một phần vì đại dịch, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chi phí lao động tăng cao và tương lai hoạt động bấp bênh.

Sony từng đối mặt với một cuộc đình công của nhân viên vào năm 2016, khi tuyên bố ngừng hoạt động nhà máy ở Quảng Châu. Ảnh: Yu Nakamura.

Trung Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhiều công ty công nghệ. Tuy nhiên, không ít công ty Nhật Bản lo ngại nước này có thể lợi dụng hình kinh tế hiện tại để loại các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Chính vì vậy, họ chọn rút lui trước.

Các công ty này có thể rời Trung Quốc bằng nhiều cách, nhưng cách nào cũng có rủi ro nhất định.

Rủi ro đầu tiên liên quan đến việc ngừng hoạt động đột ngột, nên các doanh nghiệp Nhật Bản muốn rời Trung Quốc phải bán cổ phần của công ty cho đối tác trong nước. Sau khi tìm được người mua, rào cản pháp lý tiếp theo là sự chấp thuận của cổ đông và trình tài liệu lên chính phủ. Nếu cổ đông thông qua việc mua bán, thủ tục giấy tờ có thể được thông qua sau vài tháng. Cách làm này được đánh giá là nhanh chóng và không tốn kém. Bên cạnh đó, do công ty vẫn tiếp tục tồn tại dưới chủ mới, nguy cơ khởi kiện từ nhân viên cũng giảm.

Nếu không tìm thấy người mua, giải thể và thanh lý trở thành lựa chọn tiếp theo. Công đoạn này đòi hỏi nhiều thời gian hơn, chủ yếu là các cuộc đàm phán, thủ tục giấy tờ và các chính sách cho nhân viên sau khi nghỉ việc. Cách tiếp cận này tốn kém hơn vì thường yêu cầu các khoản thanh toán thôi việc lớn và có thể xảy ra rủi ro về thuế bổ sung. Dù vậy, khả năng này có tỷ lệ xảy ra thấp. "Hầu như không có trường hợp doanh nghiệp nước ngoài nào rút khỏi Trung Quốc thông qua thủ tục phá sản", luật sư cho biết.

Tuy nhiên, dù lựa chọn "lối thoát" nào, các công ty nước ngoài cũng phải bồi thường cho nhân viên bị chấm dứt hợp đồng lao động. Số tiền này được quy định theo pháp luật, nhưng các công ty nước ngoài thường phải trả nhiều tiền hơn so với các doanh nghiệp trong nước. Đôi khi, họ phải giải quyết các yêu cầu bất hợp lý khi cho nhân viên thôi việc.

Chẳng hạn, năm 2016, khi Sony công bố ý định bán một nhà máy tại Quảng Đông cho một công ty địa phương, rất nhiều công nhân đã tổ chức đình công và đòi bồi thường. Về mặt pháp lý, công ty không bắt buộc phải trả thêm tiền, nhưng cuối cùng phải chi 151 USD cho mỗi công nhân dưới danh nghĩa "phần thưởng".

Một số luật sư cho rằng, việc giảm nhân sự, đóng cửa doanh nghiệp để rời khỏi Trung Quốc cần được xây dựng lộ trình cẩn thận. "Gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn rời khỏi Trung Quốc bị công kích trên mạng xã hội. Để tránh sự chỉ trích này, họ cần phải làm việc với một công ty quan hệ công chúng trước khi lên kế hoạch rút lui", một luật sư cho biết.

Theo vnexpress