leftcenterrightdel
 Người cao tuổi thường cảm thấy mất mát và thất vọng khi họ phải vật lộn để thích nghi với những thay đổi về thể chất và tinh thần 

Theo số liệu thống kê tổ chức phòng chống tự tử Samaritan Befrienders Hong Kong - một tổ chức phân tích số liệu tự tử của Tòa án Hồng Kông thì năm 2022 thành phố này trong số 1.080 vụ tự sát được ghi nhận. Trong đó, có 282 vụ tự tử liên quan đến những người từ 70 tuổi trở lên (chiếm 25%) khiến xu hướng tự tử trong 10 năm ở người cao tuổi lên mức kỷ lục.

Trong số này, tỉ lệ nam giới nhiều hơn với 168 (nam) và 114 (nữ).

Các chuyên gia kêu gọi xã hội cần có sự giúp đỡ theo giới tính, theo đó nên có các chương trình dành cho những người đàn ông lớn tuổi - những người có thể bị cô đơn, không muốn cởi mở với người khác về cảm xúc hoặc đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng sức khỏe...

"Theo truyền thống, đàn ông thích tỏ ra mạnh mẽ và không muốn nói về cảm xúc của mình" - Clarence Tsang Chin-kwok - Giám đốc điều hành của tổ chức Samaritan Befrienders Hong Kong - cho biết.

Ông Tsang giải thích rằng những người đàn ông có ý định tự tử cảm thấy thoải mái hơn khi chọn cách tự tử thay vì tham gia tư vấn trực tiếp.

Theo ông Tsang, những người đàn ông cao tuổi thường cảm thấy mất mát và thất vọng khi họ phải vật lộn để thích nghi với tình trạng suy giảm về thể chất và tinh thần cũng như sự thay đổi vai trò trong gia đình sau khi nghỉ hưu. "Họ thường là trụ cột gia đình và có tiếng nói lớn nhất, nhưng khi về hưu và không còn thu nhập, họ cảm thấy mất vị thế. Khả năng của họ suy giảm, nhưng lòng tự trọng của họ vẫn rất cao".

Ông Tang nói rằng, Hồng Kông cần phải xóa bỏ tình trạng kỳ thị các vấn đề sức khỏe tâm thần của nam giới. Ông cũng kêu gọi những người trẻ tuổi kiên nhẫn hơn với những bậc cha mẹ nhất là những cha mẹ gặp tình trạng về sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần.

Giáo sư Paul Yip Siu-fai - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phòng ngừa tự tử tại Đại học Hồng Kông cho biết số liệu tự tử ở người cao tuổi vẫn ở mức cao do dân số già đi nhanh chóng và tuổi thọ trung bình cao.

"Mọi người đang sống lâu hơn, nhưng không có nghĩa là họ khỏe mạnh hơn. Họ đau khổ về thể chất và bị coi thường về mặt tinh thần" - ông cho biết.

Bà Crystal Yuen Shuk-yan (Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng Hồng Kông) cho biết những người dễ bị tổn thương nhất là những người sống một mình hoặc chỉ với vợ/chồng. Họ không có con hoặc con cái ở xa, hoặc không quan tâm. Bà nói thêm rằng, những người đàn ông cao tuổi, không giống như phụ nữ lớn tuổi, rất ngại nhờ giúp đỡ, hiếm khi tham gia các hoạt động cộng đồng và bị cô lập. Vì thế, bà Yuen đề xuất các hoạt động và dịch vụ cộng đồng nên có nhiều tổ chức cho người cao tuổi hơn nữa, trong đó cần có những hoạt động dành riêng cho những người đàn ông cao niên để họ bớt cô đơn và hạn chế tình trạng tự tử.

Theo phụ nữ TPHCM