Khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 tấn công mạnh bất cứ quốc gia nào, lực lượng y tế đều phải chịu một sức ép khổng lồ, dẫn đến nhiều trường hợp căng thẳng, lo âu, kiệt sức sau thời gian dài làm việc ngày đêm liên tục.
Để đảm bảo tuyến đầu được giữ an toàn và yên tâm làm phần việc của mình, nhiều nước nhanh chóng xây dựng hệ thống hỗ trợ mới.
Trong báo cáo How Are Countries Supporting Their Healthcare Workers During Covid-19 (tạm dịch: Cách các quốc gia hỗ trợ lực lượng y tế trong đại dịch Covid-19) đăng tải trên tạp chí Eurohealth vào năm ngoái, nhiều sáng kiến, cách thức trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần được đưa ra.
Với nỗi lo nhân viên y tế bị kiệt sức nghề nghiệp và mất kết nối với xung quanh, những biện pháp về mặt tâm lý và hỗ trợ cuộc sống cho họ được triển khai ở nhiều nơi.
Giảm khả năng lây nhiễm và chăm sóc tinh thần
Tháng 9/2020, chính phủ Australia thực hiện 3 biện pháp mới giúp tăng cường bảo vệ, giảm số lượng nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19.
Một nhóm tập hợp các chuyên gia lây nhiễm, bác sĩ tuyến đầu, nhân viên y tế cấp cao được thành lập để xem xét các bằng chứng mới nhất về phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, Bộ Y tế nước này mở rộng giám sát với các trường hợp nhân viên y tế bị virus tấn công trên khắp cả nước.
Chính phủ cũng liên tục tài trợ cho một mạng lưới mới quy tụ các nhà dịch tễ học mang tên Covid-Net. Các chuyên gia này sẽ có mặt theo yêu cầu của các đơn vị y tế công cộng của tiểu bang và vùng lãnh thổ để hỗ trợ điều tra việc lây nhiễm chéo ở lực lượng chống dịch.
Trong khi đó, chính phủ vẫn tiếp tục cung cấp tới các bệnh viện vật dụng bảo hộ cá nhân quan trọng được lấy từ Kho Dự trữ Y tế Quốc gia.
Thường xuyên đối diện với sự mất mát, các y, bác sĩ dễ rơi vào trạng thái nặng nề, kiệt quệ cảm xúc.
Về mặt tinh thần, ít nhất 25 quốc gia ở châu Âu đã áp dụng các biện pháp đặc biệt để hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho lực lượng chống dịch trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Đường dây nóng hỗ trợ được lập mới hoàn toàn, dành riêng cho nhân viên y tế. Mô hình này có phạm vi lớn nhỏ tùy thuộc mỗi nước, từ cấp quốc gia (Bulgaria, Cộng hòa Czech, Pháp, Anh) cho đến cấp vùng (Bỉ, Đan Mạch) hoặc vận hành bởi các hiệp hội nghề nghiệp (Pháp, Ireland, Latvia, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ...), trường đại học và trường y tế công cộng (Hungary, Croatia).
Ngoài đường dây nóng, các nước Bỉ, Phần Lan, Na Uy, Anh còn triển khai thêm các buổi tư vấn tâm lý cho tuyến đầu qua Internet và ứng dụng trên điện thoại. Riêng tại Na Uy, nước này thiết lập thêm mô hình "bạn bè" - giúp các y, bác sĩ có thể ghép cặp, nói chuyện với một người đồng cấp phù hợp.
Tăng lương
Tại châu Âu, 19 nước cung cấp hỗ trợ tài chính bổ sung và các khoản bồi thường cho nhân viên chăm sóc sức khỏe góp công sức đẩy lùi đại dịch. Số tiền này thường được chính phủ trao 1 lần hoặc gửi hàng tháng.
Tại Bulgaria, khoản phí bảo hiểm trị giá hơn 500 euro cho các chuyên gia y tế và nhân viên chăm sóc bệnh nhân Covid-19 được hỗ trợ hàng tháng. Ở Kyrgyzstan, số tiền hỗ trợ dựa trên vị trí công việc, với các bác sĩ được trả mức cao nhất.
Tăng thu nhập, chăm lo cho gia đình các y, bác sĩ là cách giúp lực lượng tuyến đầu yên tâm hơn khi tham gia cứu người.
Tại Hy Lạp, Latvia và Nga, tiền trợ cấp tính theo theo tỷ lệ so với tiền lương hàng tháng, dao động trong khoảng 20-50%.
Ở Lithuania, lương của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 và những người thực hiện các hoạt động phòng ngừa dịch được tăng lên 6-10 lần trong thời kỳ đại dịch, tùy thuộc vào loại hình và nơi làm việc cùng các rủi ro liên quan khi mắc bệnh.
Ở Pháp, khoản hỗ trợ thêm được cung cấp cho tất cả nhân viên làm việc tại các bệnh viện công không phân biệt vị trí, cũng như nhân viên bệnh viện tư nhân có chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 và cả đội ngũ làm việc trong viện dưỡng lão. Số tiền dao động 500-1.500 euro cho những người ở hoàn cảnh ít bị ảnh hưởng đến ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại Canada, chính phủ liên bang, các tỉnh và vùng lãnh thổ cũng thực hiện biện pháp tương tự. Ngoài tăng lương và tiền thưởng, ở một số quốc gia như Tây Ban Nha hay Anh, gia đình sẽ nhận được khoản bồi thường nếu nhân viên y tế nhiễm bệnh và qua đời trong lúc chữa trị cho bệnh nhân Covid-19.
Những cách thức hỗ trợ đội ngũ chống dịch cần đến từ cả 2 phía: vật chất và tinh thần.
Tháng 7, khoảng 56.300 nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Singapore - bao gồm y tá, bác sĩ và nhân viên hỗ trợ - được tăng lương cơ bản, thêm 5-14% so với trước đó, theo Channel News Asia.
Người lao động trong các bộ phận khác của bệnh viện, như nhân viên khối hỗ trợ, hành chính, dược sĩ cũng được tăng lương 3-7%.
Bộ Y tế Singapore cũng tăng hỗ trợ kinh phí trả lương cho các tổ chức chăm sóc cộng đồng do nhà nước tài trợ để đảm bảo mức lương trong lĩnh vực này ở mức cạnh tranh. Điều này mang lại lợi ích cho 20.800 nhân viên khác.
“Lực lượng trong ngành Y là huyết mạch của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Công việc của họ rất quan trọng. Do đó, cần phải duy trì khả năng cạnh tranh về lương của nhân viên y tế so với thị trường chung để thu hút và giữ chân nhân tài chất lượng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Koh Poh Koon phát biểu.
Chăm sóc con cái
Trong thời kỳ nhiều nước châu Âu trải qua làn sóng Covid-19 khắc nghiệt, các cơ sở chăm sóc trẻ em và trường học vẫn mở cửa để tiếp nhận con cái của đội ngũ nhân viên y tế.
Áo, Bỉ, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Pháp, Đức, Monaco, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha và Anh là những quốc gia thực hiện cách này. Tại Canada, chính quyền các tỉnh British Columbia, Ontario và Quebec cũng đóng vai trò cung cấp người chăm sóc cho con cái của đội ngũ tuyến đầu.
Không chỉ người bệnh và cộng đồng, nhân viên y tế cũng là những người cần chăm sóc, bảo vệ trong mùa dịch.
Trong khi đó, chính phủ Romani có thêm khoản phụ cấp nhằm trang trải chi phí nuôi con trong trường hợp đối tác, bạn đời của nhân viên y tế không được nghỉ phép có lương.
Tại Israel, do không có chương trình chăm sóc trẻ em quốc gia cho nhân viên y tế, một số bệnh viện và trường đại học tự đứng ra tổ chức độc lập việc trông nom trẻ em từ 3 tuổi trở lên cho nhân viên của họ.
Cung cấp nơi ở miễn phí
Ngoài những khía cạnh kể trên, một số vấn đề khác trong đời sống hàng ngày của lực lượng y tế cũng được một số nước lo liệu như phương tiện đi lại, nơi ăn chốn ở.
Tại Helsinki (Phần Lan), nhân viên y tế được cấp chỗ đỗ xe miễn phí gần các cơ sở y tế. Ba Lan, Romani, Malta và một số tỉnh ở Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp chỗ ở miễn phí cho y, bác sĩ phải cách ly với gia đình của họ trong lúc chống dịch.
Tại Anh, ngoài phương án giống các nước nêu trên, nhân viên Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) chỉ phải trả mức giá thuê rẻ hơn nhiều lần nếu sống xa nhà hoặc phải chuyển tạm nơi ở khác vì nguy cơ dịch tễ.
Ở một số vùng thuộc xứ sở sương mù, nhân viên chăm sóc sức khỏe được sử dụng miễn phí phương tiện giao thông công cộng, trong khi nhân viên NHS ở London không mất phí thuê xe đạp từ chương trình đạp xe toàn thành phố.
Theo Zing