Trong nhiều nghi án bạo hành hoặc xâm hại trẻ em, đôi khi chứng cứ duy nhất là lời khai nạn nhân. Những lúc như vậy, độ mạnh yếu của chứng cứ có thể hoàn toàn dựa vào những gì đứa trẻ hồi tưởng được.

Để đảm bảo trẻ em khai trung thực, từ những năm 1990, Viện Sức khỏe trẻ em và phát triển con người, thuộc Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ, đã đặt ra quy tắc về việc phỏng vấn trẻ em, được gọi là phương pháp NICHD. Độ tin cậy của quy tắc này được thêm phần củng cố sau nghiên cứu năm 2011 do Viện Tư pháp Quốc gia, thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, thực hiện.

Nghiên cứu trên chỉ ra rằng quy tắc NICHD giúp khai thác nhiều thông tin hơn từ người bị nghi là nạn nhân. Sau khi quy tắc trên được giới thiệu, đã có thêm nhiều vụ án được đưa ra xét xử và kết thúc bằng bản án kết tội. Tới nay, bộ quy tắc này đã được cơ quan chức năng của các tiểu bang tại Mỹ tiếp nhận, sử dụng.

Quy tắc phỏng vấn trẻ em NICHD gồm ba giai đoạn: Giới thiệu, Xây dựng quan hệ, và Hồi tưởng tự do. Nhưng trước khi làm việc với trẻ, người lớn cần chú trọng môi trường phỏng vấn.

Môi trường tốt nhất để phỏng vấn trẻ em bị nghi xâm hại hoặc ngược đãi là trung tâm được trang bị chuyên biệt, theo quy tắc NICHD. Những trung tâm này thường có phòng chờ thoải mái với các món đồ chơi có tính chất trung lập, cùng phòng phỏng vấn có thiết bị nghe nhìn được nối với phòng quan sát. Phòng phỏng vấn nên có môi trường thư giãn và không có đồ đạc gây mất tập trung cho trẻ nhỏ.

Nếu không thể phỏng vấn trẻ em bị nghi xâm hại tại cơ sở chuyên biệt, người phỏng vấn nên lựa chọn các môi trường có một số đặc điểm quan trọng như trung tính, yên tĩnh, và không gây xao lãng.

Để đảm bảo sự trung lập, nếu phỏng vấn tại nhà, người phỏng vấn nên chọn chỗ riêng tư, cách xa bố mẹ hoặc họ hàng. Nếu phỏng vấn ở trường, phòng học bình thường sẽ tốt hơn phòng hiệu trưởng vì trẻ em thường cho rằng mình đang gặp rắc rối khi bị gọi vào phòng giám hiệu. Ngoài ra, trẻ em có thể lo lắng khi được phỏng vấn tại đồn cảnh sát nên điều tra viên cần giải thích rõ lý do tại sao, như "chúng ta nói chuyện ở đây vì phòng rất sáng sủa, sẽ không bị làm phiền".

Ngoài ra, nơi phỏng vấn cũng cần tránh xa nơi đông xe cộ hoặc nguồn gây ồn. Những đồ vật như điện thoại, tivi... cần được tạm thời tắt đi. Cuối cùng, phòng phỏng vấn cần giản dị và ít đồ đạc nhất có thể nên điều tra viên cần tránh các địa điểm có đồ chơi hoặc sách ngay trước mắt trẻ em. Trẻ em sẽ hợp tác hơn trong không gian nhỏ, không có nhiều nội thất.

Chuyên viên phỏng vấn pháp y trò chuyện với trẻ em tại hạt Macomb, bang Michigan. Ảnh: Macomb Daily.

Đối với người phỏng vấn, quy tắc NICHD cũng đặt ra một số hướng dẫn như cần có thái độ thả lỏng và thân thiện, không bộc lộ cảm xúc khi trẻ kể về việc bị xâm hại, không nên mặc đồng phục hoặc để lộ súng trong buổi làm việc. Người phỏng vấn cũng không nên dùng thời gian nghỉ đi vệ sinh hoặc đồ uống để khiến trẻ em hợp tác như "trả lời nốt câu này rồi chú mua nước cho", hoặc đưa ra lời hứa hẹn như "nốt lần này thôi là cháu không phải kể lại chuyện đó nữa".

Ngoài ra, người phỏng vấn nên tránh hỏi tại sao trẻ em lại cư xử như thế (ví dụ như "tại sao không kể ngay với bố mẹ?") vì sẽ gây khó khăn cho các em và tạo cảm giác có lỗi. Nếu không hiểu hoặc không nghe rõ câu trả lời, người phỏng vấn cần yêu cầu các em lặp lại (như "cháu nói gì thế?") và không nên đoán mò (như "cháu vừa nói thế này à?") vì trẻ nhỏ thường không chỉnh lại cách hiểu sai của người lớn. Khi buổi phỏng vấn có khoảng lặng, người lớn nên quay đi để cho trẻ thời gian trước khi tiếp tục.

Bước vào giai đoạn giới thiệu, người phỏng vấn bắt đầu bằng cách giải thích công việc của họ vì trẻ em có thể không hiểu tại sao mình phải nói chuyện với cảnh sát hoặc chuyên viên. Ví dụ, người phỏng vấn có thể nói: "Cháu có biết cảnh sát làm gì không? Một phần công việc của chú là trò chuyện và giúp đỡ trẻ em".

Độ ngắn dài của phần giới thiệu sẽ dựa trên tuổi tác và mức độ thoải mái của trẻ. Nếu trẻ sợ sệt, người phỏng vấn nên nói rõ về trình tự buổi làm việc, ví dụ "chú thường trò chuyện với các bạn như cháu để tìm hiểu chuyện đã xảy ra. Sau khi xong, chú sẽ đưa cháu về phòng nơi mẹ cháu đang chờ nhé".

Nếu buổi làm việc được ghi hình, người phỏng vấn cần nói rõ với trẻ và giải thích tại sao, chẳng hạn "trong phòng có máy quay sẽ ghi lại mọi lời chúng ta nói với nhau. Đôi lúc chú hay quên nên máy này sẽ giúp chú nhớ được lời của cháu". Trẻ nên được cho phép nhìn quanh phòng và ngắm nghía thiết bị ghi hình nếu muốn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em đôi lúc vẫn trả lời dù không hiểu, vì thế người phỏng vấn cũng cần đặt ra bốn nguyên tắc chính gồm: không đoán mò khi trả lời, hỏi lại nếu không hiểu, được phép chỉnh lại lời người lớn, và nói thật.

Ví dụ, khi giới thiệu nguyên tắc "không đoán mò", người phỏng vấn có thể hỏi "cháu có biết tên con chó chú nuôi ở nhà không?". Nếu trẻ trả lời không biết, người phỏng vấn sẽ củng cố rằng "cháu không biết tên con chó chú nuôi nên câu trả lời "không biết" là đúng". Các nguyên tắc khác được giới thiệu tương tự.

Sau giai đoạn giới thiệu là giai đoạn xây dựng quan hệ với mục đích tạo dựng quan hệ là để trẻ cảm thấy thoải mái và biết mình sẽ là người nói chính trong buổi phỏng vấn.

Thông thường, người phỏng vấn sẽ bắt đầu bằng cách hỏi trẻ về những chuyện không liên quan tới vụ xâm hại. Lúc này, những câu hỏi mời gọi trẻ em nói (như "hãy kể về gia đình cháu") sẽ tốt hơn những câu hỏi cụ thể (như "ở nhà, cháu có mấy anh chị em?").

Qua giai đoạn tạo dựng quan hệ là giai đoạn hồi tưởng tự do. Lúc này, người phỏng vấn khuyến khích trẻ nói về sự việc bị nghi là xâm hại. Phương pháp ở đây là để trẻ kể một mạch thay vì liên tiếp hỏi những câu hỏi cụ thể. Câu hỏi mở sẽ khơi gợi nhiều thông tin chính xác hơn so với câu hỏi chỉ đơn thuần gợi lại ký ức của trẻ.

Phương pháp này không đề cao dạng câu hỏi mang tính dẫn dụ, có dạng có/không hoặc phải lựa chọn. Đơn cử, câu hỏi như "quần áo của ông ấy ở đâu?" sẽ tốt hơn "quần áo của ông ấy ở trên sàn đúng không?".

Theo vnexpress