leftcenterrightdel
Người dân tại các quốc gia khác nhau trên thế giới có nhiều cách đón chào năm mới độc đáo, khác lạ. Ảnh:Cottonbro Studio/Pexels.  

Cách thức đón năm mới phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới là ngắm pháo hoa, tham gia buổi tiệc countdown (đếm ngược đến thời khắc giao thừa), chúc tụng người thân, bạn bè.

Tuy nhiên, một số quốc gia có truyền thống đón năm mới rất thú vị.

Dưới đây, Glamour đã liệt kê những cách tiễn năm cũ - chào năm mới chỉ có tại một số quốc gia này.

Quan sát quả cầu rơi ở Mỹ

Ngày 31/12 hàng năm, hàng triệu người Mỹ tập trung tại khu vực quảng trường Thời Đại để chờ đợi quả cầu thủy tinh rơi vào khoảnh khắc 0h.

Ngay khi quả cầu chạm đất, tất cả những người có mặt tại đây sẽ hô vang “Happy new year!” (Tạm dịch: “Chúc mừng năm mới") và hòa giọng trong ca khúc Auld Lang Syne.

Tháng 1/1908, tổng biên tập The New York Times đã tổ chức sự kiện này để thu hút dân chúng ghé thăm trụ sở mới. Kể từ đó, sự kiện đã trở thành hoạt động đón giao thừa thường niên.

leftcenterrightdel
Hàng triệu người dân Mỹ tụ tập tại quảng trường Thời Đại chờ đợi quả cầu rơi vào khoảnh khắc giao thừa. Ảnh:Benoit Dujardin/Pexels. 
 

Đi biển ở Brazil

“ỞBrazil, mọi người thường đi biển vì giao thừa rơi vào mùa hè. Ngay sau nửa đêm, bạn phải nhảy bảy con sóng trong khi thực hiện bảy điều ước”, Hudson Bohr, một nhiếp ảnh gia người Brazil, cho biết.

Truyền thống này bắt nguồn từ việc bày tỏ lòng kính trọng đối với Yemanja - nữ thần nước.

“Trước khi xuống nước, bạn phải mặc toàn màu trắng, vì nó tượng trưng cho sự tinh khiết”, Hudson Bohr chia sẻ thêm.

Ăn 12 quả nho ở Tây Ban Nha

Người Tây Ban Nha bắt đầu năm mới bằng cách ăn 12 quả nho. Mỗi trái nho tượng trưng cho một tiếng chuông đồng hồ.

Truyền thống này bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX và được cho là có tác dụng xua đuổi tà ma. Khi thực hiện theo tục lệ này, người dân Tây Ban Nha sẽ có cơ hội đón một năm mới thịnh vượng và may mắn.

Tuy nhiên, vận may chỉ đến khi bạn ăn hết 12 quả nho trước khi đồng hồ điểm xong 12 tiếng chuông.

Dựng hình nộm rồi thiêu rụi tại Ấn Độ

Stephanie Fernandes, Phó giám đốc sáng tạo tại BBDO San Francisco, cho biết khi đón giao thừa tại Bombay, người Ấn sẽ làm một hình nộm "ông già" tượng trưng cho năm cũ và đốt nó vào lúc nửa đêm.

"Hoạt động đốt lửa được thực hiện nhằm xóa bỏ ân oán của năm trước và đón chào phước lành năm mới", ông cho biết.

Ấn Độ là một quốc gia có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, vì thế cách đón chào năm mới cũng không thống nhất.

Ăn mì soba tại Nhật Bản

Người dân Nhật Bản bắt đầu năm mới bằng cách ăn một bát mì soba còn nóng. Truyền thống này có từ thời Kamakura và gắn liền với việc một ngôi chùa Phật giáo phát mì cho người nghèo.

Vì sợi mì dài, mảnh và chắc nhưng rất dễ cắn, người ta tin rằng khi ăn, họ đã loại bỏ những điều không may mắn của năm cũ.

Tiệc rượu champagne ở Pháp

Pháp được biết đến là quê hương của rượu champagne. Hình ảnh chai rượu phun trào khi được khui mở tạo ra không khí lễ hội, tiệc tùng.

Trong khoảnh khắc giao thừa, người Pháp thường tụ tập tham gia tiệc để trò chuyện, khiêu vũ và dùng bữa tối. Bữa ăn tất niên tại đất nước này bao gồm hàu, gà tây, ngỗng, gà mái Cornish và một chai rượu.

leftcenterrightdel
 Tiệc rượu phổ biến tại Pháp trong dịp năm mới. Ảnh:Rene Asmussen/Pexels.
 

Ném đĩa cũ tại Đan Mạch

Người Đan Mạch có truyền thống ném bát đĩa vào cửa nhà nhau trong đêm giao thừa.

Theo phong tục này, sáng đầu năm, các gia đình sẽ tiến hành kiểm kê số lượng bát đĩa, dụng cụ nhà bếp trước cửa nhà. Nhà nào sở hữu nhiều đồ bếp hỏng sẽ gặp may mắn và thuận lợi trong năm mới.

Đi câu cá trên băng tại Canada

Thời tiết lạnh giá không thể ngăn cản người Canada bắt đầu năm mới với môn thể thao yêu thích trong mùa đông - câu cá trên băng.

Theo Global News, các gia đình, hội nhóm sẽ thuê lều sưởi và thiết bị nấu ăn để thưởng thức thành quả ngay tại chỗ như một cách chào mừng năm mới với người thân, bạn bè.

leftcenterrightdel
 Người dân Canada ưa chuộng hoạt động câu cá trên băng và thưởng thức thành quả để ăn mừng năm mới. Ảnh:Tima Miroshnichenko/Pexels.
 

Mâm cỗ 12 quả hình tròn tại Philippines

Vào đêm giao thừa, các gia đình ở Philippines thường chuẩn bị một mâm bao gồm 12 loại trái cây có hình tròn, như táo, nho, mận.

Người Philippines cho rằng hình tròn tượng trưng cho sự an khang, thịnh vượng, Mỗi loại quả tượng trưng cho một tháng đủ đầy trong năm mới.

Tặng bánh tamales tự làm ở Mexico

ỞMexico, các gia đình tụ tập để làm món bánh tamales, là món bột ngô nhồi thịt, pho mát và rau, tất cả được gói trong vỏ trấu. Họ phân phát món bánh này cho những người thân yêu vào đêm giao thừa.

Trong ngày đầu năm mới, người dân nước này lại thưởng thức menudo, món súp truyền thống của người Mexico làm từ dạ dày bò.

Treo củ hành ngoài cửa tại Hy Lạp

Hành tây không chỉ là thực phẩm thiết yếu trong nhà bếp mà còn mang lại may mắn cho gia chủ. Ở Hy Lạp, người dân thường treo củ hành trước cửa nhà để mừng năm mới.

Được cho là tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển (nhờ khả năng tự nảy mầm), hành tây được treo lên sau buổi lễ nhà thờ vào ngày đầu năm mới.

Đặt ba củ khoai tây dưới gầm giường tại Colombia

Vào đêm giao thừa, các hộ gia đình Colombia có truyền thống đặt ba củ khoai tây dưới gầm giường của mỗi thành viên trong gia đình. Ba củ khoai bao gồm một củ đã gọt vỏ, một củ chưa gọt vỏ và củ cuối cùng chỉ còn một phần.

Vào lúc nửa đêm, mỗi người nhắm mắt lấy một củ khoai. Những củ khoai tây này dự báo một năm khó khăn hoặc đủ đầy về mặt tài chính.

Đập bánh mì vào tường ở Ireland

Để xua đuổi tà ma, các gia đình ở Ireland chào đón một năm mới sung túc và thịnh vượng bằng cách đập những ổ bánh mì vào tường và cửa nhà. Hoạt động này thu hút nhiều trẻ em tham gia.

Ăn mừng bằng bánh nhiều lớp tại Na Uy và Đan Mạch

Kransekake là một loại bánh vòng truyền thống thường được làm từ ít nhất 18 lớp. Đây là loại bánh xuất hiện trong nhiều gia đình Na Uy và Đan Mạch đêm giao thừa. Các lớp bánh, trông giống như vỏ bánh quy, được giữ lại với nhau bằng lớp kem thơm ngon.

Theo zingnews