Khi xu hướng “làm việc từ xa” đang ngày càng trở nên phổ biến, một số quốc gia đã đưa ra nhiều loại thị thực hấp dẫn nhằm thu hút nhân lực nước ngoài đến sống và làm việc, trong đó là nổi bật là loại thị thực du mục kỹ thuật số.
Thị thực du mục kỹ thuật số ( Digital Nomad Visa) là loại giấy phép cư trú tạm thời cho phép du khách có quyền ở lại một quốc gia và làm việc từ xa thông qua máy tính cho chủ lao động hoặc doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài. Những thị thực này thường có thời hạn 12 tháng và có thể được gia hạn thêm một hoặc nhiều năm tùy thuộc vào quốc gia cấp thị thực.
Ngày nay, khu vực Đông Nam Á - nổi tiếng với thời tiết nhiệt đới, bãi biển đẹp và chi phí sinh hoạt phải chăng - thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Vì vậy, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á được xem là nơi lý tưởng để sinh sống và làm việc từ xa theo hình thức thị thực du mục kỹ thuật số.
Theo một báo cáo vào tháng 6/2022 của Viện Chính sách Di cư toàn cầu, hơn 25 quốc gia trên khắp thế giới cung cấp thị thực làm việc từ xa. Các nhóm quốc gia châu Âu như Bồ Đào Nha sẽ yêu cầu những người làm việc từ xa có thu nhập khoảng 2.750 đô la/tháng trong khi Tây Ban Nha, Italy và Malta cũng có chính sách riêng.
Trong năm 2022, chỉ có 3 quốc gia ở Đông Nam Á cung cấp thị dành riêng cho những người du mục kỹ thuật số là Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Với cách làm này, chính sách thị thực du mục kỹ thuật số đã và đang thúc đẩy số lượng lớn du khách quốc tế chú ý đến ba quốc gia này nhiều hơn.
Thị thực du mục kỹ thuật số Malaysia
Các đơn xin Thị thực du mục kỹ thuật số của Malaysia đã được mở vào ngày 1/10/2022. Những người nộp đơn xin thị thực du mục kỹ thuật số của Malaysia phải có thu nhập hàng năm ít nhất là 24.000 USD. Chi phí 1.000 ringgit Malaysia, tương đương 215 đô la để xin thị thực.
Theo trang web chính thức của Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (Malaysia Digital Economy), loại thị thực này cho phép những người làm việc từ xa ở lại Malaysia trong tối đa 12 tháng với yêu cầu thời gian lưu trú tối thiểu là 3 tháng. Thị thực có thể được gia hạn thêm tối đa 12 tháng, trong đó vợ/chồng và con cái của những người làm việc từ xa cũng được phép sống ở Malaysia trong thời gian thị thực có hiệu lực.
Không phải tất cả những người du mục kỹ thuật số đều có đủ điều kiện xin thị thực. Chỉ những người làm việc tự do và nhà thầu độc lập làm việc trong các ngành kỹ thuật số như công nghệ thông tin và tiếp thị trực tuyến hay những người lao động từ xa làm việc cho các công ty không phải của Malaysia mới đủ điều kiện.
Thị thực du mục kỹ thuật số ở Thái Lan
Trong khi đó, Thái Lan cũng ra mắt Chương trình cư trú dài hạn vào tháng 9/2022, dành cho 4 tiêu chí ứng viên nước ngoài là những công dân toàn cầu giàu có, người hưu trí giàu có, chuyên gia có tay nghề cao và chuyên gia làm việc từ Thái Lan. Những người làm việc từ xa có thể đăng ký theo danh mục tiêu chí cuối cùng. Xin thị thực của Thái Lan sẽ mất khoảng 50.000 baht, tương đương khoảng 1.320 USD.
Thị thực bao gồm miễn thuế đối với thu nhập kiếm được ở nước ngoài nhưng yêu cầu nghiêm ngặt. Những người làm việc từ xa cần phải có thu nhập hàng năm ít nhất là 80.000 đô la trong hai năm trước khi nộp đơn, theo trang web thị thực.
Nếu ứng viên không đáp ứng tiêu chí này, họ sẽ có lựa chọn khác, trong đó yêu cầu phải có bằng thạc sĩ, sở hữu trí tuệ hoặc trường hợp là chủ doanh nghiệp đã nhận được tài trợ bởi Series A (được hiểu là gọi vốn đầu tư với các công ty khởi nghiệp nhằm tài trợ tiền hạt giống).
Ứng viên cũng phải được tuyển dụng bởi một công ty được niêm yết công khai trên sàn giao dịch chứng khoán hoặc nếu được tuyển dụng bởi một doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đó phải có tổng doanh thu khoảng 150 triệu đô la trong ba năm trước khi nộp đơn xin thị thực.
Indonesia triển khai thị thực du mục kỹ thuật số
Theo thông cáo báo chí của Tổng cục Nhập cư Indonesia, nước này đã ra mắt thị thực làm việc từ xa vào ngày 25/10/2022. Thị thực "ngôi nhà thứ hai" cho phép người nước ngoài đủ điều kiện lưu trú hợp pháp tại quốc gia này trong 5 hoặc 10 năm.
Người xin thị thực được yêu cầu phải cung cấp cam kết sở hữu tài chính là 2 tỷ rupiah Indonesia, tương đương 130.000 USD. Số tiền này phải được gửi vào các ngân hàng quốc doanh của Indonesia. Bên cạnh đó, người có thị thực phải nộp khoản thu không thuế là 3 triệu rupiah Indonesia, tương đương khoảng 193 USD. Thị thực này cho phép người nước ngoài tiến hành các hoạt động dựa trên đầu tư để "đóng góp tích cực cho nền kinh tế Indonesia".
Thông cáo báo chí không nêu rõ liệu những người có thị thực có phải chịu thuế thu nhập hay không. Tỉnh ven biển Bali của Indonesia là một trong những điểm đến phổ biến nhất của những người du mục kỹ thuật số trong khu vực. Hãng Reuters trích dẫn theo thông tin từ Bộ Du lịch nước này cho biết hơn 3.000 người du mục kỹ thuật số đã vào Indonesia từ tháng 1 đến tháng 8 trong năm 2022. Theo trang web nhập cư của Indonesia, thị thực B211A cũng hạn chế du khách nhận việc làm ở Indonesia nhưng không rõ liệu điều này có bao gồm công việc từ xa hay kỹ thuật số hay không. Số lượng khách nước ngoài đến Bali tăng mạnh kể từ khi chính phủ dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh hậu Covid-19. Năm 2021, chỉ có khoảng 50 khách đến Bali, năm 2022, con số này tăng lên 4,3 triệu.
Hiện Đông Nam Á đang ở giai đoạn đầu bắp nhịp với xu hướng kích hoạt du mục kỹ thuật số, vì vậy vấn đề thị thực cần được xem xét cẩn thận nếu các quốc gia muốn tối đa hóa lợi ích từ nguồn khách du lịch quốc tế tiềm năng./.
Theo toquoc