Định nghĩa cái đẹp đã khó, đi tìm lịch sử của nó càng chẳng khác nào công cuộc “mò kim đáy bể”. Chỉ riêng phạm trù cái đẹp cứu rỗi hay phá hủy thế giới cũng đủ khiến các triết gia tranh luận không hồi kết. Chính bản thân Umberto Eco - tác giả quyển Lịch sử cái đẹp - cũng từng chia sẻ trên tờ El Semanal của Tây Ban Nha rằng: “Cái đẹp có mặt tối của nó, cả sức tàn phá khủng khiếp. Cái đẹp có thể dẫn đến những sự kiện đặc biệt”. Nhưng, theo Eco, cũng chính vì sự bí ẩn đó, không ai có thể cưỡng được ham muốn khám phá cái đẹp.

leftcenterrightdel
 

Cuốn sách này được Eco ấp ủ từ những năm 1960 của thế kỷ trước nhưng mãi đến năm 2006, ông mới cho xuất bản và đến nay, 2023, nó mới được dịch sang tiếng Việt. “Tôi say cái đẹp. Đề tài luận án tiến sĩ của tôi là về thẩm mỹ học của Thomas D’aquin. Vào thập niên 1960, sau khi xuất bản vài cuốn sách kèm tranh minh họa, tôi bắt tay vào làm sách về lịch sử cái đẹp. Với sự giúp đỡ của cô trợ lý người Đức, tôi đã thu thập khá nhiều tài liệu, tranh ảnh nhưng cuối cùng công trình không thành” - Eco kể.

Cuốn sách dày hơn 400 trang, được ví như một bách khoa thư về cái đẹp, đi từ Hy Lạp cổ đại đến nay, với hơn 200 bức tranh và tiểu họa, hơn 50 tác phẩm điêu khắc, bình gốm và nhiều hình ảnh tái hiện các công trình kiến trúc, khảo cổ, nghệ thuật, thời trang xen lẫn những bài luận của Eco, các trích dẫn tác phẩm văn học, nghị luận, triết học, âm nhạc và khoa học với nỗ lực kiến giải phạm trù cái đẹp đa diện nhất.

Lịch sử cái đẹp được chia thành 9 chương và các phần phụ. Trong đó, đáng chú ý nhất là chương 3 - quy chuẩn chung nhất về cái đẹp. Ở đó, Eco xem xét cái đẹp dưới tỉ lệ và sự hài hòa, thể hiện ở các yếu tố như: cân đối về số học, hài hòa về nhịp điệu âm nhạc, hợp lý về tỉ lệ trong kiến trúc dưới góc nhìn của hình học không gian và biểu tượng học. Eco cũng đánh giá tầm quan trọng của tỉ lệ đối với thẩm mỹ ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

Ông kết luận, mỗi thời kỳ, tỉ lệ lý tưởng lại mang một định nghĩa khác. Nếu ở thời Hy Lạp cổ đại, lý tưởng là tỉ lệ chính xác giữa các bộ phận thì tỉ lệ tiêu chuẩn của người Ai Cập liên quan tới toàn bộ kết cấu, tỉ lệ giữa các bộ phận phụ thuộc vào cử động của cơ thể, sự thay đổi của phối cảnh. Giai đoạn này cũng sinh ra những khái niệm về tỉ lệ hoàn hảo tác động đến tận ngày nay, từ lĩnh vực mỹ thuật, thiết kế cho đến hình thể hay sự tương phản giữa các mặt đối lập.

Ở các phần phụ còn lại, Eco chia thành 3 giai đoạn gắn liền với 3 thế kỷ từ XVIII-XX. Cái đẹp của thế kỷ XVIII đánh dấu sự đổi mới của chủ nghĩa Cổ điển và Tân cổ điển, thể hiện rõ ràng nhất trong các tác phẩm hội họa, kiến trúc. Trong khi đó, cái đẹp của thế kỷ XIX lại nằm ở chủ nghĩa lãng mạn, tôn giáo và những cái đẹp mới. Qua thế kỷ XX, lịch sử ghi nhận những đối tượng đẹp mới mẻ và đột phá, có thể là cái đẹp từ sắt và thủy tinh (như tháp Eiffel ở Paris hay tòa nhà pha lê của Joseph Paxton), nghệ thuật Deco…

Thế giới đang chuyển mình và trở thành nơi bị chi phối hoàn toàn bởi giá trị trao đổi. Đồ vật phải “ngon-bổ-rẻ” và được sản xuất hàng loạt đồng nghĩa cái đẹp được tái tạo dễ dàng nhưng cũng mang tính tạm thời, tạo nên tâm lý “cả thèm chóng chán”. Phải chăng chính lúc này, những cái đẹp được mày mò, kiến tạo thủ công mới thực sự giá trị? 

Theo phụ nữ TPHCM