Tại Trung Quốc, các cặp đồng giới chung sống với nhau không được hưởng các quyền tài sản như những cặp dị tính kết hôn. Họ cũng không nhận được sự bảo vệ nhiều về mặt luật pháp như các cặp dị tính do pháp luật nước này chưa công nhận hôn nhân đồng giới, theo Sixth Tone.
Từ năm 2017, bằng cách trở thành người giám hộ của nhau, các cặp đồng giới phần nào có thể sở hữu quyền lợi tương đương với một cặp bạn đời hợp pháp. Theo đó, họ có thể thừa hưởng tài sản từ bạn đời cũng như làm đại diện pháp lý cho người còn lại trong trường hợp cần đưa ra các quyết định quan trọng.
Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, kiện tụng, nhiều cặp đồng giới vẫn gặp khó khăn trong việc nhờ pháp luật giải quyết.
|
Hôn nhân đồng giới chưa được công nhận về mặt luật pháp ở Trung Quốc. Ảnh:AP. |
Ngày 21/4, Tòa án Nhân dân Thẩm Dương ở tỉnh Liêu Ninh xét xử vụ kiện tụng giữa cặp đồng tính nữ chung sống đã 50 năm. Yuan (79 tuổi) kiện Li, người bạn đời bằng tuổi, cho rằng lấy cắp 294.000 nhân dân tệ (45.200 USD) từ tài khoản ngân hàng của mình.
Trước đó, Yuan được chẩn đoán mắc chứng teo não từ năm 2015.
Li phủ nhận, còn tố cáo em gái đồng thời là người giám hộ hợp pháp của Yuan đã bán ngôi nhà mà cặp đôi sống cùng nhau nhiều năm qua. Dù ngôi nhà được đăng ký dưới tên Yuan, Li cho biết hai người đã mua nó cùng nhau, thỏa thuận bằng miệng rằng Li sở hữu 50% giá trị ngôi nhà.
Tòa án đã bác bỏ cả hai đơn kiện, cho biết việc sống chung của Li và Yuan không cấu thành hôn nhân, mối quan hệ đồng giới này cũng không được bảo vệ hoặc quy định bởi Luật Hôn nhân của Trung Quốc,
|
Dù chung sống như vợ chồng, các cặp đồng giới Trung Quốc vẫn không được công nhận về luật pháp. Trong ảnh, Juchishou và Xiaotaiyang là cặp đồng tính nữ nổi tiếng Trung Quốc, có nhiều người theo dõi. Ảnh:Weibo. |
Ouyang Jintong, luật sư tại Quảng Châu, cho rằng tòa án lẽ ra nên xem xét thời gian chung sống của cặp đôi khi đưa ra phán quyết. Cô nhận định đáng lẽ Li nên được hưởng 50% tiền bán căn nhà.
“Hai người đã sống với nhau, cùng chia của cải, an ủi và nương tựa nhau ở tuổi xế chiều. Mối quan hệ của họ không được công nhận là hôn nhân vì cùng giới tính, nhưng cuộc sống của họ chẳng khác gì hôn nhân", cô nói.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên người thuộc cộng đồng LGBT ở Trung Quốc cố gắng bảo vệ quyền tài sản của mình.
Năm 2020, một phụ nữ được biết đến với tên Sister Hua từng chia sẻ về hoàn cảnh của mình, nói rằng gia đình người bạn đời quá cố đã đuổi cô ra khỏi ngôi nhà mà hai người đã chung sống 12 năm.
Theo luật sư Ouyang, các cơ quan pháp luật Trung Quốc nên cân nhắc đưa ra các quy định đổi mới hơn để bảo vệ cộng đồng LGBT và đảm bảo quyền bình đẳng của họ.
“Yuan và Li đã chờ đợi hơn 50 năm và có thể sẽ không đợi được đến ngày hôn nhân của họ trở thành hợp pháp ở Trung Quốc. Tôi chỉ hy vọng các thế hệ sau có thể nhận được sự bảo vệ bình đẳng và câu chuyện buồn đó sẽ không lặp lại”.
Theo Zing