Theo TTXVN, đầu tháng 5/2022, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), do Chủ tịch Hiệp hội Thuon Sinan dẫn đầu, đã qua Cửa khẩu quốc tế Cham Yeam (tỉnh Koh Kong, Campuchia) đến tỉnh Trat (Thái Lan) rồi đi Bangkok tham dự Hội thảo Trao đổi Thương mại và Du lịch giữa Campuchia, Thái Lan và Việt Nam từ ngày 5 - 6/5, trong khi đoàn các công ty du lịch ở Campuchia cũng từ Phnom Penh tới Bangkok để tham dự Hội nghị. Mục đích của chuyến đi nhằm tìm hiểu lộ trình cũng như hoàn thiện trên giấy việc đi lại qua các cửa khẩu của cả hai bên Campuchia và Thái Lan.
|
Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã hợp tác lên kế hoạch thúc đẩy lượng khách du lịch tăng trở lại.Ảnh minh hoạ |
Ông Thuon Sinan cho biết, biên giới Campuchia và Thái Lan mở cửa trở lại là thông tin tốt đối với ngành du lịch, vận tải, thương mại cũng như các lĩnh vực khác vốn là động lực cho phát triển kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, lượng khách du lịch qua đường bộ có thể còn nhiều hơn nếu Thái Lan nới bớt các điều kiện nhập cảnh. Hiện các yêu cầu của phía Thái Lan vẫn còn nhiều thay đổi, ví dụ như các điều kiện về cho phép xe tư nhân vào Thái Lan và Thái Lan vẫn đề nghị Campuchia xét nghiệm nhanh khách du lịch.
Trong diễn biến liên quan, Cơ quan quản lý di sản thế giới Angkor của Campuchia vừa cho biết bốn tháng đầu năm 2022, quần thể di sản Angkor Wat đã đón 33.205 lượt khách tham quan, tăng 622% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt doanh số bán vé lên tới 1,35 triệu USD. Chỉ trong tháng 4/2022, 13.365 lượt khách quốc tế đã thăm Angkor Wat.
Theo Bộ Du lịch Campuchia, lượng khách du lịch Angkor Wat tăng trở lại là nhờ Campuchia mở cửa hoàn toàn đối với du khách đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ. Hiện tại Angkor Wat đón khoảng 400 du khách nước ngoài tới tham quan mỗi ngày, so với mức tương ứng 70 khách/ngày trong thời gian hai năm dịch COVID-19 hoành hành.
Còn tại Việt nam, ngày 24/4, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” liên kết phát triển du lịch Tây Nguyên và khu vực biên giới.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết bộ này đã công bố kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hình thành điểm đến du lịch bền vững và có trách nhiệm, cung cấp dịch vụ chất lượng, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương trong khu vực.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết mục tiêu đến năm 2025, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đón 3,3 triệu lượt khách du lịch, tăng trưởng trung bình 14%/năm; đến năm 2030, tăng gấp 2 lần về lượng khách, hình thành được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi tương đối đồng bộ, hệ thống cơ sở hạ tầng và kết nối thuận lợi, nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển.
"Để triển khai thực hiện, phía Việt Nam chủ trì 5 nhiệm vụ chính là: xúc tiến mở các tuyến đường bay quốc tế đến khu vực; liên kết các doanh nghiệp, hiệp hội trong khu vực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tổ chức khảo sát liên tỉnh, liên quốc gia gắn kết các cụm, khu du lịch, kết nối các tour, tuyến, điểm, khu du lịch; tạo lập chuỗi các sự kiện du lịch trong khu vực; tổ chức diễn đàn thường niên về xúc tiến, quảng bá du lịch khu vực.
Đồng thời, Việt Nam phối hợp với Lào và Campuchia triển khai 10 nhiệm vụ do hai nước bạn chủ trì, phân công các địa phương trong khu vực chủ động tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ khung của từng nước trên địa bàn" - ông Khánh nói.
Các tỉnh tham gia kế hoạch này gồm: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kraté (Campuchia); Attapu, Salavan, Sekong, Champasak (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước (Việt Nam).
Theo thoidai.com.vn