Giá thuê trung bình của các căn hộ tầng hầm ở Seoul trên hợp đồng "jeonse" (hình thức cho mướn nhà mà người thuê phải đặt cọc tiền nhà 2 năm) đạt mức kỷ lục 100 triệu won (85.900 USD) trong năm nay.
Theo Korea Herald, các hộ gia đình có thu nhập thấp ở thủ đô Hàn Quốc đang phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề hơn bao giờ hết.
Người nghèo Hàn Quốc gặp khó khi giá căn hộ bán hầm tăng cao. Ảnh: The New York Times.
Quá đắt cho người nghèo
Dữ liệu được tổng hợp bởi trạm theo dõi thông tin bất động sản số 3 của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cho thấy các căn hộ tầng hầm với diện tích 60 m2 trở xuống có giá thuê jeonse trung bình là 104,4 triệu won vào cuối tháng 8.
Số liệu thống kê được tổng hợp từ năm 2011 chỉ ra giá thuê tăng dần qua các năm: Từ 78 triệu won vào năm 2017 lên 88,9 triệu won năm 2019 và 95 triệu won vào năm 2020.
Tại các quận giàu có phía nam Seocho và Gangnam, giá thuê trung bình đạt 170 triệu won, tiếp đến là vùng trung tâm Jongno-gu với giá 160 triệu won, ngang ngửa với mức trung bình ở những thành phố đắt đỏ nhất châu Á.
Trong khi đó, phí thuê căn hộ dưới lòng đất nằm phía bắc Dobong-gu thuộc loại rẻ nhất, khoảng 71 triệu won.
Các căn hộ dưới lòng đất, bán hầm, hay còn được gọi là “banjiha” trong tiếng Hàn, thường được xây dựng thấp hơn so với mặt đường phố, thuộc các tòa nhà chung cư ít tầng.
"Parasite" mô tả cuộc sống của một gia đình trong căn hộ bán hầm ở Seoul. Ảnh: CJ E&M.
Những căn hộ này là nơi ở chủ yếu của các hộ gia đình có thu nhập thấp tại Seoul.
Với giá thuê rẻ, người dân chấp nhận sống trong không gian tù túng, nóng bức, thiếu ánh sáng mặt trời. Cư dân banjiha cũng thường xuyên phải tiếp xúc với các chất ô nhiễm từ mặt đất, độ ẩm, nấm mốc và sự quấy rối, soi mói từ những người đi bộ trên đường.
Banjiha trở thành tiêu điểm của giới truyền thông sau khi phim điện ảnh Parasite miêu tả cuộc sống nghèo khó của một gia đình bên trong căn hộ bán hầm chật chội, đoạt giải Oscar năm 2020.
Các hợp đồng thuê jeonse được giới trẻ và những hộ gia đình có thu nhập thấp ưa thích vì hình thức này vẫn rẻ hơn so với kiểu thuê nhà trả tiền theo tháng “wolse” tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, dữ liệu mới công bố chỉ ra rằng căn hộ dưới lòng đất có thể không còn là lựa chọn hợp lý đối với nhiều người.
Nơi ở tồi tàn nhưng giá vẫn cao
Giá thuê banjiha tăng kỷ lục bắt nguồn từ tình trạng khủng hoảng nhà ở tại Seoul. Vấn đề đang ngày một trầm trọng hơn do vay lãi suất thấp đã thúc đẩy việc mua, đầu cơ nhà đất.
Giá căn hộ ở Seoul lần đầu tiên vượt mức 12 triệu won/m2 (11.000 USD) vào năm 2020, tăng 74% kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức vào năm 2017.
Giá trung bình cho mỗi m2 của một căn hộ ở thủ đô Hàn Quốc là 12,21 triệu won (11.120 USD), theo số liệu của KB Kookmin Bank công bố cuối tháng 12 năm ngoái.
Giá nhà đất ở Seoul, từ chung cư cao cấp cho đến các khu nhà xập xệ, tăng dần qua các năm. Ảnh: Reuters.
Năm 2018, thu nhập khả dụng hàng tháng trung bình (đã trừ thuế và phí an sinh xã hội) của các hộ gia đình dưới 39 tuổi là 3.615 triệu won (3.292 USD). Trong khi đó, giá của một căn hộ thuộc loại trung bình ở Seoul, tính đến tháng 6/2018, là 664 triệu won (604.573 USD).
Như vậy, các cặp vợ chồng trong độ tuổi 20-30 sẽ phải tiết kiệm toàn bộ thu nhập khả dụng của mình trong ít nhất 15,3 năm để mua một căn hộ bình dân ở Seoul.
Tháng 7/2020, Hàn Quốc ra Đạo luật kiểm soát tiền thuê nhà để đảm bảo gia hạn thêm 2 năm hợp đồng cho người thuê và giới hạn mức tăng chi phí jeonse của chủ sở hữu.
Tuy nhiên bất chấp đạo luật, giá thuê nhà vẫn tăng cao trong bối cảnh hiện tại.
Theo dữ liệu của Ủy ban Bất động sản Hàn Quốc, giá thuê căn hộ trung bình tính đến cuối tháng 6 đã tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Căn hộ dưới lòng đất và căn hộ trên tầng mái được coi là những nơi ở tồi tàn. Thế nhưng, giá nhà ở và chi phí thuê nhà tăng vọt gần đây đã góp phần làm tăng giá jeonse của những không gian sống chất lượng thấp như vậy", trạm theo dõi thông tin bất động sản số 3 cho biết trong báo cáo.
Theo Zing