"Tôi chỉ đóng vai trò biểu tượng, giống tượng đất trong chùa. Nếu thiếu nó, ngôi chùa sẽ trống rỗng, nhưng thực tế tượng đất không làm gì. Tôi có ở Huawei hay không cũng không tác động tới hoạt động của công ty. Tôi chỉ là một ông già. Tại sao mọi người phải nhớ đến tôi? Mong muốn lớn nhất của tôi là ngồi trong quán cafe mà không ai để ý", Nhậm Chính Phi nói trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm nay.
Dù vậy, giữa ông Nhậm và chuyến đi tới quán cà phê không ai để ý có thể sẽ là quyết định lớn nhất trong sự nghiệp của ông.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5 ra chỉ thị chặn quyền tiếp cận của Huawei với những thiết bị bán dẫn tiên tiến, bộ não trong mọi sản phẩm của tập đoàn Trung Quốc. Huawei từng vượt qua được nỗ lực ngăn chặn đầu tiên của Mỹ hồi giữa năm ngoái, họ không còn nhiều khoảng trống để lách sau quyết định này.
Chiến lược ngắn hạn của Huawei là tận dụng hai tháng trước khi chỉ thị có hiệu lực để tích trữ chip bán dẫn từ TSMC. Kể từ tháng 9, TSMC và các nhà sản xuất dùng thiết bị chế tạo chip của Mỹ, trong đó có SMIC của Trung Quốc, sẽ cần giấy phép từ chính phủ Mỹ nếu muốn cung cấp sản phẩm cho Huawei.
Báo cáo của công ty đầu tư Jefferies hồi đầu tuần cho biết Huawei có đủ chip cho trạm thu phát 5G để dùng hết năm 2021, nhưng tình hình sẽ "rất khó dự đoán" sau thời điểm đó.
Huawei nhiều khả năng sẽ phí tiền nếu thuê luật sư và nhà tư vấn để tìm lỗ hổng lách luật trong chỉ thị của chính quyền Trump. "Chúng tôi sẽ thực thi chặt chẽ quyết định và ngăn chặn mọi nỗ lực né tránh mục tiêu của nó", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói hồi tháng 6.
Hiện chưa rõ phương án dài hạn của Huawei sẽ là gì. Có nhiều đồn đoán cho rằng tập đoàn Trung Quốc sẽ tìm đến những đối tác chế tạo chip mới, sử dụng thiết bị của châu Âu và Nhật Bản.
Tuy nhiên, ngay cả khi họ tìm được nguồn cung mới, rất ít khả năng Nhật Bản, Đức và Hà Lan sẵn sàng công khai đi ngược lại quyết định của Mỹ để cung cấp chip 5G cho Huawei. Tập đoàn Hà Lan ASML hồi đầu năm nay bị cấm chuyển những máy quang khắc tối tân dùng tia EUV cho nhà máy SMIC của Trung Quốc sau khi chịu áp lực từ Mỹ.
Huawei không còn nhiều lựa chọn trong bối cảnh kho dự trữ chip 5G đang dần cạn kiệt. Họ có thể mất 10 năm hoặc lâu hơn để tìm phương án thay thế phù hợp cho công nghệ chế tạo chip của Mỹ. Hàng tỷ USD được chính phủ Trung Quốc hứa đầu tư để cải thiện ngành công nghiệp bán dẫn nội địa cũng khó lòng hỗ trợ, bởi nhiều thiết bị vẫn cần đến công nghệ Mỹ và nằm trong diện bị cấm.
Vẫn có một cách để Nhậm Chính Phi cứu tập đoàn của mình.
Quan hệ giữa Huawei và Mỹ đã xấu đi vì hàng loạt vấn đề từ nhiều năm nay, nhưng trọng tâm vẫn là công nghệ 5G.
Huawei đang đối mặt nhiều áp lực trên thị trường 5G quốc tế, nhất là sau khi Thủ tướng Boris Johnson cấm tập đoàn này tham gia xây dựng mạng lưới 5G tại Anh. Khi lượng chip 5G dự trữ cạn kiệt, Huawei cũng không thể cung cấp dịch vụ cho cả những khách hàng nội địa.
Vào thời điểm đó, các sản phẩm khác của tập đoàn cũng sẽ mất nguồn cung linh kiện bán dẫn. Đều này chỉ có thể thay đổi nếu Nhậm Chính Phi ra lệnh từ bỏ mảng 5G, tái tập trung đầu tư vào những lĩnh vực khác, trong đó có smartphone, nơi Huawei chỉ xếp sau Samsung Electronics.
Lĩnh vực viễn thông, bao gồm mạng 5G, mang lại một phần ba doanh thu cho Huawei. Từ bỏ 5G sẽ là hành động rất khó khăn vì nó không chỉ gây hại cho nguồn tiền của tập đoàn. Huawei được chính phủ Trung Quốc coi là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu, cũng là cánh tay đối phó sự thống trị của Mỹ trong công nghệ.
Ông Nhậm hồi năm ngoái từng đề xuất bán một phần công nghệ 5G của Huawei cho một công ty lớn của phương Tây. Động thái này cho thấy nhà sáng lập Huawei muốn cạnh tranh với đối thủ Mỹ trên thị trường, chứ không phải đối đầu với chính phủ Mỹ.
Đề xuất này có thể đã có tác dụng nếu quan hệ Mỹ - Trung không quá căng thẳng, nhưng nó gần như vô nghĩa vào thời điểm này. Mọi doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc bị nghi ngờ có liên hệ với chính quyền đều có thể rơi vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ. Điều này từng dẫn đến nhiều tin đồn cho rằng ByteDance có thể bán TikTok để tránh bị Mỹ trừng phạt.
Nếu Huawei rút khỏi mảng 5G, họ vẫn có thể thu lợi nhuận từ bản quyền sáng chế. Tập đoàn này cũng có thể xem xét bán đứt công nghệ 5G, mang lại lối ra để giữ thể diện cho Nhậm Chính Phi. Những kịch bản này chỉ có thể thực hiện nếu những quan chức theo đường lối cứng rắn của Mỹ không muốn đánh sập hoàn toàn Huawei, bất chấp lĩnh vực kinh doanh của họ.
Nhậm Chính Phi đã trải qua nhiều cuộc chiến trên thương trường kể từ khi thành lập Huawei hơn 30 năm trước. Ông thường đưa ra những khẩu hiệu mang tính nhà binh để thúc đẩy nhân viên dưới quyền, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn.
Tư tưởng này đã khiến nhiều quan chức Mỹ lo ngại, trong đó có giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray. "Ông ấy đã nói với nhân viên rằng Huawei đã bước vào 'trạng thái chiến tranh'", Wray nói trong một hội thảo ở Mỹ hồi đầu tháng.
Dường như nhà sáng lập Huawei không sẵn lòng lùi bước trong lĩnh vực 5G để duy trì hoạt động của cả tập đoàn. Nhưng quyết định đó có nguy cơ làm Huawei cạn kiệt nguồn cung chip bán dẫn và mất hàng nghìn nhân công có trình độ cao. Khi cuộc chiến này kết thúc, ước mơ vào quán cà phê mà không bị để ý của Nhậm Chính Phi sẽ càng trở nên khó khăn.
Theo vnexpress