Một số chuyên gia lương thực thế giới gần đây cảnh báo giá gạo đang tăng lên, do chi phí phân bón tăng cao dường như có ảnh hưởng đến năng suất của loại cây lương thực chủ lực đối với ít nhất 2 tỉ người trên khắp châu Á, theo tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 10.7.

Nguồn thu hoạch dồi dào trong 4 năm trước đã giúp giá gạo duy trì ở mức phải chăng. Tuy nhiên, với tình trạng khí đốt tự nhiên, thành phần quan trọng trong hầu hết hoạt động sản xuất phân bón, được giao dịch với giá cao lịch sử trong lúc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, cả Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự báo giá gạo sẽ tăng.

“Bây giờ không thể tránh khỏi. Giá sẽ tăng. Gạo từng thuộc diện ngoại lệ, nhưng giờ không còn nữa”, nhà kinh tế nông nghiệp cấp cao John Baffes thuộc Nhóm triển vọng kinh tế phát triển của WB nhận định.

Châu Á sắp đối mặt ‘cuộc khủng hoảng gạo’? - ảnh 1
Nông dân cấy lúa trên một thửa ruộng ở thành phố Bogor thuộc tỉnh Tây Java, Indonesia trong tháng 6

CHỤP MÀN HÌNH SCMP

Khí tự nhiên là nguyên liệu chính được sử dụng bởi tất cả các nhà sản xuất phân bón lớn, ngoại trừ Trung Quốc (sử dụng than), để tạo ra thành phần amoniac cho khoảng 80% số lượng phân bón được sản xuất trên toàn cầu. Trước khi cuộc xung đột bùng nổ, Nga, Ukraine và Belarus là những nước xuất khẩu lớn về phân bón dựa trên nitơ, nhưng tác động kết hợp của cuộc xung đột và giá khí đốt tăng cao đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả ba nước này.

“Đây là nỗi lo lớn đối với thị trường toàn cầu, đặc biệt là châu Á”, bà Julia Meehan, biên tập viên về phân bón tại công ty phân tích thị trường ICIS (Anh).“Chi phí khí đốt cao đã dẫn tới tình trạng nhu cầu bị phá hủy…chúng ta đang chứng kiến sự cắt giảm trong sản xuất, bên cạnh việc một số nhà sản xuất quyết định ngừng sản xuất hoàn toàn. Thiếu phân bón đồng nghĩa mùa màng bị hư hại hoặc không có năng suất tốt”, bà Meehan nhận định. Đây là một vấn đề đặc biệt đối với những quốc gia châu Á trước đây phụ thuộc vào việc nhập khẩu phân bón của Nga.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc, nước xuất khẩu phân lân hàng đầu thế giới trước khi áp đặt các hạn chế trong năm ngoái mà nước này vẫn chưa dỡ bỏ, và Ấn Độ đã tránh được một số tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng bằng các chính sách bảo hộ và dự trữ gạo.

“Một cuộc khủng hoảng gạo”

Trong tháng 4, tình trạng nguồn cung gạo đầy đủ đã khiến FAO và WB kết luận rằng giá gạo sẽ giảm trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến tháng 6, cả FAO và WB đều đã thay đổi dự báo của mình để phản ánh tác động của giá khí đốt cao kỷ lục đối với chi phí phân bón khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn. “Khi đưa ra dự báo vào tháng 4, chúng tôi dựa trên giả định rằng thị trường năng lượng sẽ ổn định sau cú sốc ban đầu của cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, giá cả ngày càng không ổn định, đặc biệt đối với khí đốt và than đá", bà Baffes cho hay.

Trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức vào tháng trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng gạo có thể ảnh hưởng đến 2 tỉ người”, theo SCMP dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ông Marsudi cho biết thêm Tổng thống Widodo đã cảnh báo với các nhà lãnh đạo G7 rằng “tác động của cuộc chiến tranh đối với chuỗi cung ứng lương thực và phân bón toàn cầu là có thật”.

“Chúng ta phải nhanh chóng hành động để tìm ra một giải pháp cụ thể. Sản xuất lương thực phải được đẩy mạnh. Chuỗi cung ứng thực phẩm và phân bón toàn cầu cần phải trở lại bình thường”. Tổng thống Widodo kêu gọi. Ông còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo các lệnh trừng phạt không áp dụng cho thực phẩm và phân bón của Nga.

Cuộc khủng hoảng đã trở nên tồi tệ hơn do chiến sự Nga-Ukraine, nhưng có nguồn gốc từ sự hỗn loạn kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhu cầu mạnh, nguồn cung hạn chế và chi phí đầu vào cao hơn đã khiến giá phân bón tăng 80% trong năm ngoái, theo WB. Trong năm tính đến tháng 5.2022, giá phân bón đã tăng 30%. Kể từ đó, giá đã giảm nhẹ, nhưng vẫn ở gần mức cao kỷ lục, theo SCMP. Bà Meehan cho rằng tình trạng thiếu hụt phân bón hiện nay phần lớn là do Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Giá tăng không đều

Trên phạm vi toàn cầu, sản lượng gạo dự kiến sẽ duy trì ở mức đầy đủ hơn cho đến cuối năm nay, được hỗ trợ bởi các nước sản xuất hàng đầu Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm 51% tổng sản lượng thế giới trong năm ngoái, nhưng giá gạo sẽ tăng, theo SCMP. Ông David Laborde, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách lương thực quốc tế ở Washington D.C, nhận định tác động của chi phí phân bón tăng lên giá gạo sẽ không đồng đều vì chính sách của các chính phủ và những thay đổi trong cách sử dụng sẽ khác nhau.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa thông báo liệu họ có dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu đối với phân bón được đưa ra trong năm ngoái hay không và đã dự trữ ngũ cốc để đảm bảo sản xuất lương thực trong nước, còn Ấn Độ thì có chính sách bảo hộ lâu dài là giảm giá phân bón và áp đặt lệnh cấm xuất khẩu để tăng nguồn cung trong nước.

Châu Á sắp đối mặt ‘cuộc khủng hoảng gạo’? - ảnh 2
Các lao động phun phân trên một cánh đồng ngô ở thành phố Bangalore thuộc miền nam Ấn Độ

AFP

Ông Laborde cho rằng nhiều khả năng là cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ sẽ có thể duy trì năng suất gạo trong năm nay, giữ sản lượng trung bình toàn cầu ở mức cao, “nhưng những mức trung bình đó không nói lên được câu chuyện của một số quốc gia và cá nhân nông dân vẫn có thể bị thiệt hại nghiêm trọng”.

Ông Laborde còn cho rằng gạo đặc biệt dễ bị “biến động giá lớn” vì hầu hết các quốc gia sản xuất gạo đều giữ phần lớn cho tiêu dùng nội địa. Chỉ có 9% sản lượng gạo toàn cầu được đưa ra thị trường quốc tế, so với hơn 20% đối với lúa mì và các loại ngũ cốc khác. “Ở tầm quốc tế, thị trường gạo tương đối mỏng và bất kỳ sự thay đổi đều có thể dẫn đến biến động giá lớn, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với những người hoặc quốc gia sẽ phải mua trên những thị trường này trong năm nay”, ông Laborde nhận định, theo SCMP. 

Theo Thanh niên