Đại dịch Covid-19 một thời là nỗi kinh hoàng cho toàn nước Mỹ.
Thế giới hẳn chưa quên hình ảnh một nước Mỹ gần như bị đại dịch Covid-19 quật ngã: bệnh viện quá tải, nhân viên y tế kiệt sức, thiếu thốn trang thiết bị, người dân mệt mỏi xuất hiện đầy trên trang nhất của các hãng thông tấn quốc tế.
Vào tháng 11/2020, nước Mỹ liên tục ghi nhận những ngày xuất hiện hàng trăm nghìn ca mắc mới, đỉnh điểm là hơn 310.000 bệnh nhân và gần 4.500 ca tử vong trong 24 giờ.
Đường phố ở Manhattan ngày càng đông đúc. Ảnh: New York Times.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, nhờ chiến dịch tiêm chủng thần tốc, tại nơi từng là “điểm đen” của đại dịch, cuộc sống của người dân giờ đã bắt đầu trở lại bình thường.
“Nhiều tiểu bang tuyên bố ai đã tiêm đủ hai mũi vaccine thì không cần đeo khẩu trang. Siêu thị, nhà hàng gần như mở lại bình thường. Gia đình, họ hàng cũng bắt đầu gặp gỡ nhau”, bà Nhi Nguyễn (46 tuổi) hiện sinh sống tại bang New Jersey, Mỹ phấn khởi chia sẻ với Zing.
Tâm trạng đó không chỉ của riêng bà Nhi mà còn của rất nhiều người Việt hiện sống ở Mỹ khi nước này đang dần mở cửa trở lại, khôi phục toàn bộ các hoạt động.
“Nước Mỹ đã sẵn sàng cất cánh”
Đó là câu nói đầy lạc quan của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu phiên họp toàn thể Quốc hội Mỹ hôm 28/4.
"Giờ đây, chỉ sau 100 ngày, tôi có thể báo cáo với người dân cả nước rằng: Nước Mỹ đang trên đà trở lại, biến nguy cơ thành khả năng, khủng hoảng thành cơ hội, thất bại thành sức mạnh", ông Biden chia sẻ, theo AFP.
Ông Biden khẳng định tiến trình chống lại đại dịch Covid-19 trở thành một trong những thành tựu hậu cần lớn nhất mà nước Mỹ từng chứng kiến. Ảnh: Wall Street Journal.
Theo New York Times, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo, tính đến ngày 4/6, khoảng 63% dân số Mỹ đã nhận được ít nhất một liều vaccine Covid-19. Trong đó khoảng 137,5 triệu người (chiếm 41% dân số) đã tiêm đầy đủ các mũi vaccine theo khuyến cáo.
Nước Mỹ ghi nhận trung bình khoảng 30.000 ca mỗi ngày - ít nhất trong 11 tháng qua. Tỷ lệ tử vong cũng ở mức thấp nhất kể từ mùa hè 2020. Không có bang nào chứng kiến sự gia tăng lớn về số ca mắc mới, và nhiều bang đã giảm từ 40% trở lên số bệnh nhân trong hai tuần qua.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang triển khai tiêm phòng vaccine cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi để hiện thực hóa kế hoạch mở cửa lại trường học.
“Ngày 27/5, con trai cô 15 tuổi vừa được tiêm mũi Pfizer đầu tiên. Bạn ấy không có phản ứng gì cả, chỉ hơi đau tay một chút. Lúc đầu cô hơi ái ngại không muốn cho đi tiêm ngay, nhưng bạn ấy muốn tiêm vì mong trở lại trường học hoặc đi máy bay”, bà Nhi - người đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine Moderna chia sẻ.
“Ngoài ra, tất cả những bạn mà con cô chơi cùng đều đã tiêm vaccine hết cả rồi”, cô cho hay.
“Cuộc sống đã quay trở lại 70-80%”
Những thành phố vắng vẻ từng vang vọng tiếng còi xe cứu thương hàng đêm nay bắt đầu sôi động trở lại. Các chuyến bay chở khách du lịch bắt đầu được lấp đầy.
Khung cảnh đông vui, nhộn nhịp tại công viên Central Park, thành phố New York. Ảnh: NVCC.
“Hồi trước, trước khi lên máy bay, mình phải giơ giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Giờ thì chỉ cần đưa giấy chích ngừa đủ hai mũi vaccine Covid-19 thì sẽ được lên luôn và hạ cánh ở bang khác”, Hiểu Diệp (23 tuổi) hiện là du học sinh sống ở quận Cam, bang California, nói với Zing.
Diệp đã tiêm đủ hai mũi vaccine Moderna vào ngày 27/3 tại một nhà thuốc thuộc hệ thống bán lẻ thuốc tây lớn nhất nước Mỹ CVS.
Cuộc sống tại bang từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của làn sóng Covid-19 đang dần phục hồi. Diệp cho hay thời điểm hiện tại, những người Mỹ sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine không bắt buộc phải đeo khẩu trang hay thực hiện giãn cách xã hội tại khu vực ngoài trời. Họ chỉ phải đeo khẩu trang tại một số siêu thị lớn, nhà hàng theo yêu cầu.
Quán ăn mở lại trên vỉa hè Brooklyn. Ảnh: New York Times.
Tương tự Diệp, Hà Nguyễn - sống tại thành phố Illinois, bang Chicago - chia sẻ: “Nhà hàng, quán bar đã mở cửa. Phòng gym không còn đòi hỏi người tập phải đeo khẩu trang nếu đã tiêm đủ 2 liều. Chính quyền cho phép tụ tập đông người. Mọi người cũng bắt đầu bỏ khẩu trang”.
Hà được tiêm được vaccine Moderna đủ hai liều vào ngày 13/4 tại nhà thuốc Walgreens.
Sau nhiều ngày ở nhà mùa dịch, trong chuyến du lịch gần đây, bà Nhi nhận thấy đường phố bắt đầu đông đúc hơn.
“Thời tiết bên này ấm áp, nắng đang rất đẹp nên mọi người ra ngoài picnic, làm BBQ giống như trước kia. Trong tuần ở thành phố New York cũng có lúc kẹt xe nữa cơ”, bà cười.
Một đám cưới tổ chức trên bãi cỏ ở công viên tại thị trấn Chester, New Jersey. Ảnh: NVCC.
Người Mỹ từng phải làm quen với việc nhìn nhau qua những chiếc khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn. Giờ đây họ có thể cởi khẩu trang và ôm nhau.
“Đối với người quen, khi mình biết người ta đã tiêm vaccine rồi thì sẽ ôm nhau, nói chuyện bình thường, và cũng không còn sợ hãi hay xa cách như trước nữa”, Diệp nói.
"Hội chứng" hậu Covid-19 còn đó
Dù vậy, sự hào hứng cũng đi kèm với sự thừa nhận những gì đã mất và sự không chắc chắn về những gì đang ở phía trước. Mặc dù CDC Mỹ đã nới lỏng quy định phòng dịch, đa số người Việt được hỏi sau khi tiêm vẫn cảnh giác trước mối nguy hiểm tiềm tàng từ dịch bệnh.
“Có trời mới biết được người dân có thật sự thành thật về việc tiêm chủng. Mình vẫn đeo khẩu trang khi đi vào siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, rạp phim”, chị Hà Nguyễn chia sẻ.
Tại nơi đông người, mọi người vẫn đứng thành nhóm quen với nhau và đeo khẩu trang. Ảnh: NVCC.
Vốn đã làm quen dần với việc đeo khẩu trang, hàng triệu người tại Mỹ giờ đây tỏ ra nghi ngại khi không sử dụng món đồ này. “Mặc dù thông tin số liệu ca mắc khả quan nhưng chính phủ và người tin vào khoa học vẫn rất thận trọng khi quay lại nhịp sống bình thường”, bà Nhi nhận định.
Các quan chức Mỹ cũng thừa nhận việc tiêm vaccine tại nước này đang chững lại, khi rất nhiều người có thể sẽ quyết định họ không muốn tiêm vaccine. Dịch có thể bùng lại từ những người chưa được chủng ngừa hoặc những biến chủng mới nguy hiểm hơn của virus.
Một trung tâm thương mại tại bang New Jersey cuối tuần. Tuy mật độ người đông hơn nhưng vẫn duy trì giãn cách và phòng dịch. Ảnh: NVCC.
Bà Nhi cho biết bạn mình sắp tổ chức lễ tốt nghiệp cho con tại sân vận động. Họ quyết định chỉ mời lượng khách chứa nửa sân vận động. Bên cạnh việc chia khách làm hai khu theo khu đã và chưa tiêm vaccine, mỗi người tham dự cũng phải ngồi cách nhau 1 ghế.
Bà cũng cho hay khi đi du lịch hay các nơi công cộng, người dân vẫn giữ thói quen giãn cách. Thang máy bình thường sẽ chứa được khoảng 10 người, nay mỗi người tự giác cách nhau.
“Mọi người cũng cố đợi chứ không cố tình chen vào, chỉ có người thân đi với nhau chứ người lạ tuyệt đối không”, bà nói.
Ngoài ra tại các trung tâm, chủ cửa hàng sẽ tính diện tích gian hàng và mật độ khách vào cửa hàng để vẫn giữ khoảng cách an toàn. Khi đủ người, họ chặn cửa và xếp hàng, chờ có khách ra thì mới cho vào tiếp.
Những vết thương do Covid-19 gây ra không chỉ thay đổi thói quen mà còn ảnh hưởng đến việc học tập và lao động sản xuất của hàng triệu người Mỹ. Mặc dù đã dần hồi phục trở lại, sẽ cần có thêm thời gian trước khi nước Mỹ bắt đầu “cuộc sống mới".
“Mọi thứ đang dần dần chậm rãi trở lại chứ chưa hoàn toàn bình thường như trước. Gia đình mình ngoài những người là y tá và bác sĩ ra thì vẫn chưa quay lại công ty”, chị Hà chia sẻ.
Trước người Mỹ học cách đeo khẩu trang, còn bây giờ có lẽ họ sẽ phải làm quen với việc được hít thở thoải mái mà không lo lắng về dịch bệnh. Ảnh: NVCC.
Hiện nhiều văn phòng và cơ quan tại Mỹ chưa mở cửa lại hẳn. Bà Nhi cho biết chồng bà vẫn làm việc tại nhà. Bạn bè và người quen cũng chỉ phải đến cơ quan từ 1 đến 2 lần/tuần, đa phần làm việc online.
“Ở chỗ làm vẫn thận trọng. Họ sẽ chia thành nhóm nhỏ và mỗi nhóm ngồi cách xa nhau chứ không tụm một chỗ”, bà nói.
Đối với “thế hệ Zoom”, việc đến trường có thể diễn ra vào tháng 9 tới. Các du học sinh Việt phỏng vấn với Zing cho biết họ sẽ tiếp tục học trực tuyến trước khi các trường mở cửa trở lại đối với người tiêm vaccine đầy đủ vào mùa thu này.
“Mọi người không quen biết nhau khi gặp ngoài đường vẫn đứng cách xa nhau, giống như một thói quen rồi”, Diệp chia sẻ.
Theo Zing