Thái Phong và em gái trong một lần chuẩn bị tiệc tại nhà

Món bánh su kem tặng bạn

Khi đi học lớp nấu ăn đầu tiên ở Học viện Ẩm thực Hà Nội, Nguyễn Thái Phong (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) mới học tiểu học. Các món Phong học khi đó cũng đơn giản: salad dưa chuột, gà tẩm bột rán và cơm rang thập cẩm. Hết buổi, cả lớp học toàn các cô bé cậu bé cùng ngồi ăn với nhau. Nhưng bây giờ, Phong đã học THPT. Em vẫn giữ được niềm vui nấu nướng. “Có lần, em cũng làm bánh mang đến cho các bạn cùng lớp. Đấy là một lần họp câu lạc bộ ngoại khóa”, Phong cho biết. Tất nhiên, Phong cũng biết nấu những món khác nhờ tự học trên mạng.
Gia đình chị Đỗ Bích Phương (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho con trai đi học nấu ăn. “Tôi nghĩ đơn giản, bây giờ các con có xu hướng muốn sống độc lập và kết hôn muộn. Chưa kể, các con còn đi nước ngoài học tập, công tác hay lập nghiệp. Như thế, việc học nấu ăn sớm cũng tốt, để các con có thể tự chăm sóc mình”, chị Phương lý giải.
Chuyên gia ẩm thực Việt Nguyễn cho biết tại các lớp nấu ăn cho gia đình hiện nay có thể gặp nhiều nam hơn trước, đặc biệt là các lớp cho người trẻ. Trên các diễn đàn ẩm thực, hay nấu nướng, việc nam giới chia sẻ kinh nghiệm nấu nướng dày dạn của mình cũng nhiều lên.
Chính vì thế, các lớp nấu ăn hiện chỉ chia theo trình độ và một số ít theo độ tuổi, chứ không phân biệt nam nữ. Chẳng hạn, lớp nấu ăn của chuyên gia dinh dưỡng Hoàng Minh Hiền sẽ chỉ nhận học trò ở một độ tuổi nhất định. Theo bà Hiền, điều đó đảm bảo để học viên có thể sử dụng dao tốt nhất. Tất nhiên, các món nhập môn cũng là những món ăn thường gặp trên mâm cơm gia đình. Trong khi đó, Bếp của Phương, một đầu bếp chuyên món Nhật, nhận các cháu từ tiểu học đến THPT. Cả hai đều dạy từ việc sử dụng dao an toàn trở đi.
“Thông thường, lớp có 15 cháu thì sẽ có khoảng 5 - 6 cháu nam. Quan trọng là các cháu đều tự nguyện học, tự đăng ký đi học chứ không phải bố mẹ gợi ý hoặc ép. Năm ngoái, còn có lớp nam nhiều hơn nữ, lớp đó 20 cháu, thì 12 cháu là nam”, ông Dương Văn Phương, chủ Bếp của Phương, nói.

Những Chef truyền cảm hứng

Cũng theo chị Phương, một động lực để chị cho con đi học nấu ăn nữa là những hình ảnh của Chef Nguyễn Mạnh Hùng trên Facebook cá nhân. Đây là một đầu bếp thường hướng dẫn nấu ăn trên truyền hình. Anh hoạt bát, vui vẻ và trên trang cá nhân thường xuyên chia sẻ hình ảnh nấu nướng, các bí quyết nấu nướng cơ bản. “Anh ấy cũng chia sẻ cả những hình ảnh hai bố con cùng nấu ăn nữa, và tôi thấy điều đó rất thú vị”, chị Phương cho biết.
Ông Dương Văn Phương cũng cho biết mình rất nể độ nhiệt tình của các bạn nam học nấu ăn. “Các cháu không ngại vất vả gì. Có cháu sau khi học xong còn xin ở lại làm trợ giảng cho các khóa học sau. Có cháu lại xin vào làm phụ bếp ở một số cửa hàng để được thực hành nhiều hơn”, ông Phương nói.
Một chuyên gia truyền thông cho biết việc nam thanh thiếu niên học nấu nướng cũng có một phần nguyên nhân nhờ truyền thông. Chẳng hạn, theo ông, ranh giới nam - nữ trong bếp đã được xóa nhòa nhiều vì các cuộc thi nấu ăn trên truyền hình. “Từ sau khi có các chương trình MasterChef, đặc biệt là phiên bản MasterChef Junior trên truyền hình, cái nhìn về các bạn nam học nấu ăn cũng cởi mở hơn. Trong các cuộc thi, bạn thấy rồi đấy, chỉ có món ăn ngon và những cảm xúc lúc hoàn thành món ăn. Các bạn nam cũng giỏi ngang ngửa với các bạn nữ”, vị chuyên gia này cho biết.
Điều này cũng đúng với trường hợp của Thái Phong và các bạn. Thái Phong cho biết ở trường học của cậu, hoàn toàn không có chuyện rỉ tai nhau nói xấu ai đó là biết nấu ăn. “Có người hỏi tôi có ai nói con trai sao lại nấu ăn nhiều không? Không, chả ai nói thế cả. Bây giờ đã có Gordon Ramsey (giám khảo nổi tiếng trong cuộc thi MasterChef) rồi mà”, Phong nói.

Theo Thanh Niên