Akari Yamamoto, một phụ nữ nội trợ ở độ tuổi 30 sống ở thành phố Yokohama (tỉnh Kanagawa, Nhật Bản), cho biết con trai 7 tuổi của cô phát triển tính phụ thuộc vào khẩu trang trong thời gian Covid-19.
Cậu bé đeo khẩu trang ngay cả ở những sân chơi vắng bóng người, trên con đường vắng vẻ hoặc ngay cả trong nhà nếu có ai không phải người thân trong gia đình ghé qua, theo VICE.
“Khi ra đường, thằng bé chỉ cởi bỏ khẩu trang nếu ăn uống gì đó, đôi khi là không tháo ra luôn. Con trai tôi nói rằng nó không muốn thấy người khác thấy khuôn mặt thật của mình”, cô Yamamoto kể lại.
Đeo khẩu trang vốn là thói quen của người dân Nhật Bản từ 100 năm trước. Ảnh: Reuters.
Chứng nghiện khẩu trang, thuật ngữ do chuyên gia tâm lý Yuzo Kikumoto đề ra đầu tiên, ngày càng trở nên phổ biến ở Nhật Bản - nơi văn hóa đeo khẩu trang vốn tồn tại từ lâu.
Chứng bệnh dùng để chỉ những người đeo khẩu trang với mục đích khác ngoài phòng dịch bệnh, chẳng hạn chứng rối loạn lo âu hoặc muốn được ẩn danh.
Muốn trốn đằng sau khẩu trang
Trong khi những người Mỹ từ chối tháo khẩu trang bởi họ trở nên thận trọng hơn hoặc bị chấn thương tâm lý trong thời kỳ đại dịch, người dân xứ sở hoa anh đào lại càng gắn bó với chúng hơn vì rối loạn lo âu xã hội.
Theo tờ Yomiuri Shimbun, đeo khẩu trang vốn là một phần của văn hóa Nhật Bản trong hơn 100 năm qua, kể từ khi dịch cúm Tây Ban Nha xuất hiện.
Vào mùa cúm hoặc thời điểm bệnh viêm mũi dị ứng trở nên tồi tệ hơn ở xứ sở hoa anh đào, việc người dân sử dụng khẩu trang thường xuyên là điều bình thường trong xã hội.
Thói quen phổ biến này được ca ngợi là lý do giúp giảm tốc độ lây lan Covid-19 trong cộng đồng Nhật Bản. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu Nhật Bản chỉ ra rằng nhiều người đeo khẩu trang do mắc chứng rối loạn lo âu xã hội.
Chứng rối loạn lo âu xã hội ở người Nhật Bản có liên quan đến hành vi nghiện đeo khẩu trang. Ảnh: Jiji/AFP.
Chuyên gia tâm lý Kikumoto tin rằng điều này trở nên trầm trọng kể từ khi mạng xã hội trở nên phổ biến, khiến cho khẩu trang còn có tác dụng làm “lá chắn” bảo vệ người dùng, Straits Times đưa tin.
Từ năm 2009-2017, số người nghiện đeo khẩu trang tìm đến dịch vụ tư vấn của ông Kikumoto tăng đến 50%. Khoảng 60% trong số đó là phụ nữ.
Theo kết quả nghiên cứu năm 2018 của bác sĩ tâm thần Noboru Watanabe tại Văn phòng Y tế Akasaka, khẩu trang cho phép người dùng che giấu bất kỳ dấu hiệu lo lắng hoặc hồi hộp, mặc dù việc phụ thuộc vào chúng sẽ khiến chứng rối loạn lo âu xã hội trở nên nặng nề hơn.
Ông cũng khẳng định chứng nghiện khẩu trang là cả một quá trình, khiến người dùng cảm thấy an tâm hơn sau khi hành động. Nó tương tự nghiện tình dục, cờ bạc và sử dụng Internet quá mức.
Từ ngày đầu đi học lớp 1 vào năm ngoái, con trai của cô Yamamoto phải đeo khẩu trang khi đến trường. Cậu bé hiếm khi được nhìn thấy gương mặt của các bạn học đằng sau lớp vải.
“Tôi lo rằng con trai sẽ sợ tương tác với người khác. Thằng bé buộc phải đeo khẩu trang ở trường học. Nó cũng được dạy về các biện pháp giãn cách xã hội”, bà mẹ cho biết.
Học sinh, sinh viên xứ Phù tang phải đeo khẩu trang khi đến trường. Ảnh: Kyodo News.
“Thế là nguyên mùa hè năm 2020, thằng bé không chịu tháo khẩu trang mỗi khi ra ngoài trời”, cô nói thêm.
Bà mẹ trẻ đang nỗ lực tìm cách chữa trị chứng nghiện khẩu trang của con trai, nhưng lo ngại rằng sẽ không có giải pháp ngay tức thì.
Cô Yamamoto từng đến trường của con trai và trò chuyện với cố vấn học đường, thậm chí tham khảo ý kiến của một nhà tâm lý học trẻ em. Tuy nhiên, họ đều trả lời rằng hiện chưa có cách nào cả.
“Tôi nghĩ họ nói cũng đúng thôi. Thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhà là nơi duy nhất chúng ta có thể yên tâm cởi bỏ khẩu trang”, cô chia sẻ.
Theo Zing