Phóng viên: Chị từng có thời gian làm việc tại CHANEL Watch and Fine Jewellery, điều thú vị nhất chị học được ở đó là gì?
Mafalda Chenu: Suốt quãng thời gian làm việc tại CHANEL, tôi đã khám phá ra ý nghĩa thực sự của sự xa xỉ, đó là tinh tế và hoàn mỹ. Khi nói đến trang sức, đó là việc đính từng viên đá quý cao cấp bậc nhất lên những bộ khung tinh tế được chế tác bởi những thợ kim hoàn điêu luyện hàng đầu. Sự xa xỉ, theo tôi, là một trải nghiệm khi mọi thứ cân bằng một cách hoàn hảo và mang lại cho tôi cảm xúc đặc biệt.
|
Chuyên gia thẩm định trang sức Mafalda Chenu |
* Là một chuyên gia của Christie’s, chị có thể chia sẻ góc nhìn về các xu hướng trang sức đang thịnh hành ở châu Á gần đây?
- Với các nhà sưu tập châu Á, những loại đá quý cũng như những trang sức dù cổ hay đương đại với chất lượng bậc nhất luôn đạt được những mức giá cao nhất và có sức hút nhất. Những món tầm trung thường ít được săn đón hơn.
* Ở góc độ cá nhân, loại đá quý hoặc nguyên liệu nào gây hứng thú đặc biệt cho chị?
- Tôi đặc biệt yêu thích các loại kim cương màu bởi chúng là sự hòa quyện hoàn hảo của những gam màu tinh tế thường thấy trên đá quý và sự bóng bảy, độ rực màu đầy sống động của kim cương. Những mẫu vật hiếm này rất đa dạng về màu sắc, có thể kể đến những gam màu thường được thấy nhất trên thị trường như vàng, xanh lam và hồng. Sự quý hiếm của chúng cũng vô cùng hấp dẫn tôi bởi chỉ 1 trong 10.000 viên mới có được màu sắc tự nhiên!
Còn về các mẫu thiết kế, tôi yêu vẻ thanh tao trường tồn của trang sức trường phái Art Deco, phong cách Retro đầy phá cách của những năm 1940 và các bộ trang sức rực rỡ của thập niên 70.
* Đã từng có cơ hội tiếp cận và ngắm nhìn rất nhiều bộ trang sức quý giá, độc bản, chị có thể chia sẻ về ấn tượng đặc biệt của mình về một trong những tác phẩm đó với độc giả Việt Nam?
- Mỗi một bộ trang sức đều gợi lên phong cách riêng biệt của chủ sở hữu. Một trong những bộ sưu tập yêu thích nhất của tôi là bộ Beyond Boundaries được bán tại Geneva vào tháng 11/2017. Bộ sưu tập đột phá này bao gồm 110 món trang sức thuộc trường phái Art Nouveau và trường phái Art Deco, chế tác bởi những thợ kim hoàn hàng đầu của thời bấy giờ (René Lalique, Cartier, Fouquet, Paul Brandt…). Đó là bộ sưu tập với vẻ đẹp đậm chất thơ không thường thấy. Sau 1 đợt mở bán trước cho các thị trường trọng điểm bao gồm Paris, Thượng Hải, Hồng Kông và Luân Đôn, đợt mở bán chính thức đã thu hút các nhà sưu tầm trên toàn cầu. Bộ sưu tập được bán hết 100%, với mỗi món trang sức được bán với giá cao hơn giá bán trước dự kiến.
* Theo chị, các yếu tố để thẩm định và đánh giá một bộ trang sức quý giá và đắt tiền là gì?
- Yếu tố chính cần cân nhắc khi giám định trang sức là chất lượng của đá (màu, độ trong, kỹ thuật gia công và cắt đẽo), chứng chỉ xác thực (ấn ký, nhãn của nghệ nhân tác chế), giá trị thủ công, tình trạng và nguồn gốc. Ví dụ như, món trang sức từng được sở hữu bởi Hoàng Hậu Marie-Antoinette hoặc Elizabeth Taylor sẽ được liệt vào hàng cao cấp.
*Làm thế nào để thuyết phục các khách hàng tin vào nhận định của mình đối với 1 bộ trang sức và sẵn sàng chi hàng triệu đô để mua chúng?
- Hệ thống thẩm định của chúng tôi luôn dựa theo xu hướng thị trường được chúng tôi theo dõi với giá cả tại thời điểm gần nhất của những mẫu tương tự. Đối với những mẫu hiếm hoặc không thường thấy, giá ước lượng luôn được bình duyệt bởi nhiều chuyên gia tại Christie's. Chúng tôi có hơn 30 chuyên gia trang sức vòng quanh thế giới, với mỗi người đem lại sự thấu hiểu về thị trường bản xứ.
Đa phần khách của chúng tôi – bao gồm bên bán và bên mua – đều rất tin tưởng quy trình đấu giá của Christie’s. Vì các buổi đấu giá đều được công khai, khách hàng có thể xem và nghe những vị khách khác ra giá tại sàn, qua điện thoại hoặc thông qua mạng trực tuyến. Điều đó giúp cho họ có thêm lòng tin vào mức giá hiện tại trên thị trường.
* Chị có thể chia sẻ nhận định về sự khác biệt trong việc sưu tập trang sức của giới nhà giàu châu Âu và giới nhà giàu châu Á?
- Rất khó để đưa ra một câu trả lời khái quát, nhất là khi những vị khách giàu có có xu hướng du ngoạn đó đây, điều này ảnh hưởng lên thị hiếu của họ. Điều tôi có thể nhận xét về những khách hàng châu Á là họ thường lựa chọn những mặt hàng chất lượng cao, cho dù là đá quý hay trang sức. Đối với trang sức cổ, họ thường đặc biệt ưu ái những món trang sức tinh vi từ thời kỳ Belle Epoque (1900) hay những tác phẩm vượt thời gian theo trường phái Art Deco (1930). Đối với mẫu trang sức cổ điển, tôi có quan sát thấy một thay đổi lớn trong vòng 7 năm vừa qua. Trước đây, khách hàng châu Á thường chỉ mua những mẫu thiết kế có dấu ký như một cách chứng thực. Hiện nay, kiến thức về trang sức của họ đã phong phú hơn rất nhiều nên họ có thể thoải mái lựa chọn những mẫu yêu thích, dù có ấn ký hay không.
Theo phụ nữ TPHCM