|
|
Amanda Nielsen (Mỹ) mất 3 tháng để tìm công việc mới sau đợt sa thải đột ngột. |
Bài viết là cuộc trò chuyện giữa Business Insider với Amanda Nielsen, một nhà quản lý quan hệ đối tác, làm việc tại Denver (Mỹ). Nielsen từng được săn đón bởi một công ty trong lĩnh vực phần mềm, nhưng cô bị sa thải chỉ sau 60 ngày.
Trước đây, tôi từng dành 4 năm làm tại vị trí quan hệ đối tác tại một công ty công nghệ phần mềm. Năm 2023, tôi sống sót qua làn sóng sa thải của công ty này. Nhưng nhiều thành viên trong nhóm đã bị cắt giảm và công việc không còn như trước nữa. Vì thế, tôi bắt đầu mở lòng với những cơ hội mới.
Không lâu sau, một quản lý từ công ty khác cùng ngành đã liên hệ và đưa ra đề nghị hấp dẫn với tôi. Tôi nhận lời ngay sau đó.
Tuy nhiên, ngay sau khi tôi gia nhập, ban lãnh đạo mới được bổ nhiệm. Tháng 10/2023, sau gần 60 ngày làm việc của tôi tại chỗ làm mới, công ty thực hiện cắt giảm rất nhiều nhân sự. Toàn bộ nhóm của tôi đã bị sa thải, bao gồm cả quản lý.
Sự việc khiến tôi bàng hoàng, vì công ty đã bỏ ra nhiều nỗ lực để chiêu mộ tôi, đưa ra một đề nghị hấp dẫn và dành thời gian cho tôi hòa nhập với môi trường mới.
|
|
Nielsen bị sa thải sau 60 ngày từ lúc được săn đón nhiệt tình bởi một công ty. |
Tôi cảm thấy mình thật ngây thơ và ngớ ngẩn trong tình huống đó. Tôi chỉ vừa thông báo chuyển công ty tới toàn bộ mối quan hệ của mình. Chưa hết, tôi còn gặp áp lực về mặt tài chính trong cuộc sống, như lo tiền bảo hiểm hay đóng quỹ hưu trí.
Việc toàn bộ nhóm bị sa thải cũng khiến tôi đặt câu hỏi về khả năng của mình, cũng như ánh nhìn của những người ngoài cuộc.
Sau khi bình tĩnh lại, tôi vào LinkedIn và thông báo rằng mình đã bị sa thải, hiện tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Tôi cũng bắt đầu nộp các đơn xin việc.
Tôi khá cởi mở với các vai trò mới, cũng như tự tin có một CV đủ tốt và những mối quan hệ. Thế nhưng, tôi vẫn gặp khó trong quá trình tìm "bến đỗ mới".
So với lần cuối cùng tôi tìm việc cách đây 4 năm, thị trường lao động có thay đổi lớn do đại dịch và sự gia tăng của công việc từ xa. Tôi không chỉ phải cạnh tranh với người lao động ở Mỹ mà trên khắp thế giới. Tôi buộc phải có chiến lược mới trong quá trình thoát cảnh thất nghiệp.
|
|
Nielsen tìm được công việc mới sau 3 tháng. Cô đảm nhận vai trò quản lý bán hàng đối tác tại Box. |
Sau 3 tháng, tôi đã tìm được việc làm. Tại công ty mới, tôi đảm nhận vai trò quản lý bán hàng đối tác. Và đây là những kinh nghiệm của tôi khi đi xin việc:
- Thành thật: Khi tôi đăng bài viết trên LinkedIn về việc bị sa thải, đã có rất nhiều người liên hệ và muốn giúp đỡ. Tôi cũng tiếp tục đăng nội dung về hành trình tìm việc của mình. Điều này có thể khiến tôi cảm thấy hơi xấu hổ và không thoải mái, nhưng giúp mọi người biết rằng tôi đang tìm cơ hội trên thị trường tuyển dụng. Bên cạnh đó, việc tích cực đăng bài trên nền tảng này giúp công ty mới để mắt đến tôi.
- Trò chuyện với mọi người: Tôi bắt đầu tham gia các sự kiện kết nối trực tiếp và mời những người trong ngành đi uống cà phê. Việc này đã cải thiện kết nối của tôi với họ. Việc ra khỏi nhà cũng giúp tôi cảm thấy làm việc hiệu quả hơn.
- Nhờ sự giúp đỡ: Khi tôi phát hiện thư xin việc không còn hiệu quả như trước đây, tôi đã tìm cách khác. Sau khi nộp đơn, tôi sẽ gửi một email đến người quản lý tuyển dụng hoặc hỏi thăm các nhân viên đang làm việc tại công ty tiềm năng xem họ có thể giúp đỡ bằng cách nào không. Tôi cũng nhờ vả người quen, các mối quan hệ của mình để họ giới thiệu vào các vị trí đang tuyển dụng.
- Có công việc tự do: Tôi dành nhiều thời gian hơn cho nghề tay trái, chính là kinh doanh. Tôi chưa sẵn sàng theo đuổi công việc kinh doanh của riêng mình 100%, nhưng các hợp đồng freelancer đã giúp tôi mở rộng mạng lưới quan hệ và kỹ năng. Sau hai lần sa thải, tôi nhận thấy tầm quan trọng rất lớn của việc có nhiều nguồn thu nhập.
Những mẹo này đã giúp tôi tìm được việc làm. Nhìn lại cả quá trình, tôi vẫn biết ơn vì bị sa thải. Dù sao, khi một cánh cửa đóng lại, tôi tin rằng những cơ hội khác mở ra.
Theo lifestyle.znews