leftcenterrightdel
 Nhiều phụ nữ Hàn Quốc áp lực việc chuẩn bị cho lễ Chuseok. Ảnh:Namwon030.

Đối với Seong (35 tuổi, nhân viên văn phòng), cuộc trao đổi hồi tuần trước với người chồng hơn 5 tuổi là một trong những khoảnh khắc khó chịu nhất kể từ đám cưới của hai người vào năm 2020. Trong cuộc nói chuyện, cô chuyển từ bối rối, sau đó tới phẫn nộ khi dần hiểu ra những gì chồng ám chỉ.

"Anh ấy nói chúng tôi nên gọi điện cho bố mẹ anh và xin họ thông cảm vì sẽ không đến nhà họ vào ngày lễ Chuseok (17/9), dù chúng tôi sẽ ở đó từ hôm 14 đến 16/9", Seong nói về kỳ nghỉ lễ Chuseok kéo dài 5 ngày, kết thúc vào 18/9. Cặp đôi đã không đặt được vé tàu khứ hồi từ Daegu đến Seoul, nên ở lại với nhà chồng tiếp vào ngày 17/9.

"Hai đêm và ba ngày là đủ rồi", Seong nói thêm.

Theo Korea Herald, trường hợp của Seong cho thấy truyền thống gia trưởng ở Hàn Quốc, nơi cha mẹ chồng thường được ưu tiên.

Hàng năm, các cặp đôi xứ kim chi cũng phải đau đầu với việc chăm thom cha mẹ và các trách nhiệm giới đi kèm. Song hiện nay, một số cặp đôi và gia đình cũng đang cân nhắc bỏ qua một số truyền thống dịp lễ lớn này.

Thay đổi nhận thức

Điều khiến Seong càng bực bội là vì chồng, người cũng thuộc thế hệ Millennial giống cô, cho rằng thật vô lý khi cô cảm thấy không cần thiết phải xin bố mẹ chồng thông cảm. Anh tin rằng việc hai vợ chồng vắng mặt có thể gây ra sự thay đổi không đáng có với truyền thống Chuseok của gia đình mình - điều anh cho rằng cần được duy trì vì đó là "một chuẩn mực đã có từ lâu".

"Phần lớn thế hệ Millennial và thế hệ Z sẽ không đồng ý với điều đó", Seong nói, ám chỉ nhóm dân số sinh từ năm 1980 đến 2012. Seong lập luận rằng nhóm dân số trẻ hơn tự nhận bản thân ít bị ràng buộc với các truyền thống dịp Chuseok, đặc biệt là khi thực hiện “charye” - nghi lễ thờ cúng tổ tiên vào ngày Tết Nguyên đán và Chuseok.  

Seong không hoàn toàn sai.

Trong báo cáo năm 2022 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, khoảng 60% người trong độ tuổi từ 20 đến 39 tán thành chấm dứt "charye". Con số này kể từ đó vẫn duy trì ở mức tương tự. Đặc biệt, phụ nữ là nhóm phàn nàn về gánh nặng phải chuẩn bị cho lễ "charye".

Kết hôn từ cuối năm 2017, Kim (nhân viên ngân hàng) thường cùng vợ đón Chuseok ở nhà bố mẹ anh tại Gumi, tỉnh Gyeongsang Bắc cho đến năm 2022. Anh vẫn nhớ như in cảnh người vợ 36 tuổi rơi nước mắt trên đường trở về Seoul, nơi cặp đôi sinh sống.

"Cô ấy cảm thấy cô đơn khi phải đối mặt áp lực từ bạn bè, ép bản thân phải dành nhiều giờ để chuẩn bị charye. Cô ấy mong tôi hỗ trợ nhưng tôi không thể, ít nhất là không theo cách cô ấy hy vọng", Kim nói, cho biết anh không thể lao vào phụ vợ khi người lớn tuổi trong nhà cho rằng việc con dâu chuẩn bị cho nghi lễ thờ cúng tổ tiên là điều hiển nhiên.

Đối với gia đình Kim, việc thờ cúng vào lễ Chuseok đã bị hủy bỏ vào năm 2023 khi bà anh qua đời và được cả gia đình đồng thuận. Cha của Kim cũng không thể kháng cự lại sự thay đổi này. Ông và vợ chồng Kim ra ngoài ăn tối vào lễ Chuseok, không có người lớn tuổi hay họ hàng nào khác ngoài anh trai Kim.

Tăng tốc

Trong khi nhận thức về truyền thống Chuseok đang thay đổi nhanh chóng, thực tế diễn ra thì lại chưa.

Giáo sư xã hội học Kwon Soo-hyun từ Đại học Quốc gia Gyeongsang cho rằng việc giảng dạy bình đẳng giới cho trẻ em ngay từ học sinh tiểu học nên là bước đầu tiên.

Kwon cho biết những gì từng được coi là chuẩn mực không phải lúc nào cũng đúng vì thời thế đã thay đổi, chúng có thể không còn phù hợp. Theo Kwon, giáo dục mở ra cho mọi người ý tưởng đó, một ý niệm về việc đi cùng với sự thay đổi chứ không phải chống lại nó.

leftcenterrightdel
 Nhiều người Hàn Quốc trẻ tuổi đang nỗ lực thay đổi các nghi lễ truyền thống dịp Chuseok. Ảnh:Lee Sang-sub/The Korea Herald.

Shin Kyung-ah, giáo sư xã hội học tại Đại học Hallym ở Chuncheon, nhận định: "Việc thu hẹp khoảng cách giữa những gì đang diễn ra và nên diễn ra đòi hỏi phải có sự nỗ lực trên nhiều mặt trận".

Shin chỉ ra việc thúc đẩy thảo luận công khai, trong đó cả nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể tự do đưa ra ý kiến để làm cho truyền thống Chuseok bền vững và bớt mất cân bằng hơn.

Theo Shin, truyền thông cũng có thể tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận như vậy.

“Chẳng phải chúng ta đều quá mệt mỏi với những câu chuyện Chuseok cũ rích, giật tít về vấn đề phân biệt giới tính sao? Chúng ta cần chuyển sang phần giải pháp. Những câu chuyện có góc nhìn sâu sắc sẽ đem lại động lực thúc đẩy. Giáo dục là một khởi đầu tốt. Điều quan trọng là phải đưa được vấn đề ra công khai và thực sự nói về nó”, Shin nói.

Theo lifestyle.znews