leftcenterrightdel
 Ở độ tuổi 35, nhiều người lao động ở Trung Quốc có nguy cơ rơi vào "ngưỡng chết" của sự nghiệp. Ảnh:Bloomberg.

Vài năm trước, Jim Jiao là một trong hàng triệu thanh niên thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) ở Trung Quốc rơi vào "lời nguyền tuổi 35". Có kinh nghiệm trong giới thiệu và bán sản phẩm công nghệ, nhưng tuổi tác ngày càng cao khiến anh bị coi là "già cỗi" trong ngành.

Bức tranh kinh tế ở Trung Quốc sau đại dịch càng gây "thêm độ khó" cho hoàn cảnh của Jiao, cũng như hàng triệu người khác đang phải đối mặt với "ngưỡng chết" của sự nghiệp - khi mà sự nhiệt huyết của người trẻ lấn át những nhân sự kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm nhưng chậm chạp hơn trong nghành công nghệ.

Vào tháng trước, khi nhận được một cơ hội công việc ở nước ngoài với tư cách là giám đốc bán hàng phụ trách phát triển thị trường châu Á tại một công ty công nghệ, người đàn ông quê Thâm Quyến này bỗng dưng nắm trong tay "liều thuốc giải" mà nhiều người đang thèm muốn.

"Liều thuốc" được khao khát

Jim Jiao cũng được trả lương cao hơn và trao cho chức danh cao hơn ở công việc mới. Hiện tại, anh không còn phải chịu áp lực bị đào thải và thất nghiệp của "lời nguyền tuổi 35".

"Khi ở Trung Quốc, mức lương gần nhất của tôi đã giảm xuống còn 60% so với mức tôi kiếm được ở tuổi 35 vào năm 2018 - thời kỳ đỉnh cao bùng nổ của ngành công nghệ Internet", Jiao nói.

Bây giờ, công việc ở nước ngoài mang lại cho anh mức thu nhập bằng 75% so với năm 2018. "Tôi rất vui vì điều này", anh chia sẻ.

Jiao là một trong nhiều người lao động trung niên tham gia xu hướng "vươn ra toàn cầu" của các công ty Trung Quốc trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau - từ ôtô và thương mại điện tử đến trò chơi trực tuyến và sản xuất. Họ là những người nhìn thấy "đồng cỏ xanh hơn" ở nước ngoài vào thời điểm nhu cầu nhân lực trong nước yếu và cạnh tranh khốc liệt.

Gao Zhendong, một chuyên gia tư vấn nguồn nhân lực giúp các công ty Trung Quốc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các nước Đông Nam Á, cho biết: "Việc các công ty Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài đã cứu cánh cho sự nghiệp của nhiều chuyên gia trung niên".

Nhóm đối tượng này phải đối mặt với văn hóa làm việc phân biệt tuổi tác, khi nhiều công ty giới hạn độ tuổi tuyển dụng ở một số vị trí nhất định là 35 tuổi, vì kinh nghiệm không còn được coi trọng trong bối cảnh nhu cầu trong nước giảm sút.

Tuy nhiên, Gao chỉ ra rằng có nền tảng năng lực toàn diện hơn là một lợi thế khi các công ty vươn ra nước ngoài. Và thực tế, điều đó chỉ đến từ nhiều năm kinh nghiệm.

"Mỗi nhân tài được gửi ra nước ngoài cần phải biết mọi thứ, từ sản xuất và công nghệ đến cách cư xử với người dân địa phương, tham dự triển lãm, tiến hành đàm phán kinh doanh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ", Gao nói.

Những nhân tài như vậy đòi hỏi ít nhất 7-10 năm kinh nghiệm làm việc. Bởi vậy, những sinh viên mới ra trường không có lợi thế khi tìm kiếm công việc ở nước ngoài.

Cơ hội và đánh đổi

Trong xu hướng "toàn cầu hóa", đầu tư trực tiếp ra nước ngoài phi tài chính (ODI) của Trung Quốc đã đạt 60,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Thương mại, ODI phi tài chính tại các quốc gia đối tác của Sáng kiến Vành đai và Con đường đạt tổng cộng 12,8 tỷ USD, tăng 12,7%.

Theo báo cáo của iiMedia Research vào tháng 8, trong số tất cả công ty Trung Quốc đã thực hiện chiến lược "vươn ra toàn cầu", các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm lần lượt 17,5%, 39,4% và 13,6%.

leftcenterrightdel
 Những chuyên gia tuổi trung niên đang cố gắng tìm kiếm cơ hội kéo dài sự nghiệp bằng cách ra nước ngoài. Ảnh:Xinhua.
 

Mặc dù không có dữ liệu chính xác về số lượng người tìm việc Trung Quốc được hưởng lợi từ chiến lược này, Báo cáo Thông tin chuyên sâu Dữ liệu lớn về việc làm quý đầu tiên năm 2024, do nền tảng tuyển dụng Liepin thực hiện, cho thấy trong số 10 công việc mới được đăng tuyển nhiều nhất, có 4 công việc liên quan đến ngoại thương hoặc thị trường nước ngoài - tiếp thị ở nước ngoài, bán hàng ở nước ngoài, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và hoạt động ở nước ngoài.

Mức lương trung bình hàng năm cho các công việc tiếp thị ở nước ngoài là cao nhất, đạt 261.200 nhân dân tệ (36.000 USD).

Báo cáo "Thông tin tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc năm 2024", do nhóm nghiên cứu ngành ShineGlobal có trụ sở tại Bắc Kinh công bố, cho thấy 86% nhân viên được các công ty Trung Quốc "tiến ra toàn cầu" cử đi có bằng cử nhân trở lên, và 68% có hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc.

"Lợi ích thực sự của các vị trí ở nước ngoài là ít cạnh tranh hơn so với ở Trung Quốc", Liu Chen, một giám đốc phát triển kinh doanh kỳ cựu đã dành nhiều năm cho nhiều công việc ở nước ngoài do các công ty Trung Quốc giao phó, cho biết.

"Ngưỡng trình độ học vấn và ngôn ngữ có cao hơn một chút, nhưng không có sự phân biệt tuổi tác khủng khiếp như ở Trung Quốc", Liu nói thêm.

Tuy nhiên, sự đánh đổi để có những cơ hội như vậy thường bao gồm việc xa gia đình và thiếu ổn định trong công việc.

"Khó khăn lớn nhất đối với hầu hết nhân viên làm việc ở nước ngoài là phải xa gia đình trong thời gian dài, vì ít công ty Trung Quốc nào chịu chi trả chi phí cho vợ/chồng và con cái của họ đi cùng", Liu nói.

Một mối lo khác của nhóm lao động này là hiệu quả kinh doanh của công ty tại thị trường nước ngoài, vì điều này có thể dẫn đến thay đổi chiến lược hoặc thậm chí rút vốn đầu tư - những quyết định có thể tác động đột ngột đến cuộc sống của những người như Jiao, khi công việc mới ở nước ngoài là "liều thuốc" kéo dài sự nghiệp.

"Thành thật mà nói, tôi lo lắng về việc công việc mới này có thể kéo dài được bao lâu. Nếu hoạt động kinh doanh chính của công ty tại Trung Quốc tiếp tục thua lỗ và thiếu hụt dòng vốn, rất có thể họ sẽ rút các văn phòng và nhà máy ở nước ngoài", Jiao bày tỏ.

Theo lifestyle.znews