Thu nhập khủng chẳng thấy đâu nhưng hung tin nhận về là con em họ bị đánh đập, bị đòi tiền chuộc thân trong khi gia đình họ chẳng có nổi vài triệu đồng dằn lưng.
Ngóng con, khóc cạn nước mắt
Những ngày này bà Ksor B. ở làng Kloong, xã biên giới Ia O, H.Ia Grai (Gia Lai) chẳng thiết gì ăn uống. Nhắc đến đứa con vì lời đường mật đang lưu lạc sang tận Campuchia, bị người ta hành hạ, nước mắt bà lại ứa ra. Người mẹ nghèo thương khóc con suốt mấy hôm nay khi những người lạ điện thoại báo tin muốn chuộc con về phải có đủ 150 triệu đồng.
|
Gia đình T. và Đ. đang hoang mang khi thuộc diện hộ nghèo, không biết xoay tiền ở đâu để chuộc thân
|
Bà Ksor B. nghẹn ngào: “Thằng Ksor C. (19 tuổi) con mình nó dại lắm! Nó nghe ông V., một người ở tỉnh khác ngụ cư ở xã Ia O mấy năm nay nói là qua bên Campuchia làm gì đó lương cao, đến 18 triệu đồng/tháng. Mình nói nó không có giấy tờ gì cả, đừng đi nhưng nó nói là có người ta lo hết. Mình cản không nổi! Nó đi từ đêm 19.6, bốn hôm sau thì gọi về khóc lóc, kể bị người ta đánh đập, lúc thì cho ăn, lúc thì bỏ đói”.
Tối 19.6, C. cùng với 6 thanh niên khác trong làng lên một chiếc taxi đợi sẵn hướng ra TP.Pleiku rồi lên xe khách di chuyển đến biên giới Tây Nam để sang Campuchia. Từ đây, tai hoạ bắt đầu đổ xuống họ và gia đình!
Xã Ia O chỉ còn cách biên giới Campuchia trên dưới chục km, giáp tỉnh Rattanakiri nhưng họ lại ngược về biên giới Tây Nam để sang nước bạn. Đường về lại miền quê nghèo xa dần bởi sự nhẹ dạ cả tin. Giờ đây ngày về mịt mù. Còn người thân của họ từ quê nhà đang khóc cạn nước mắt. Ksor C. học chưa hết lớp 7, bao năm không bước ra khỏi làng bỗng chốc trở thành “món hàng” của bọn lừa đảo.
|
Gia đình bà Ksor B., có con trai tên là C. bị đòi tiền chuộc thân 150 triệu đồng
|
Nhắc đến con, bà Ksor P. không nói nổi, khóc nấc lên. Ksor G. (23 tuổi, con trai bà P.) cũng theo nhóm thanh niên trong làng tìm “miền đất hứa” với thu nhập cao. Anh Rơ Lan Lước, người nhà của G. kể: “Nó gọi về xin người nhà kiếm tiền chuộc thân, không thì bị chuyển chỗ khác. Nghe mọi người nói chỗ khác là bị bán cho nơi khác nữa rồi. Nó bảo người ta nói nó làm gì trên máy tính nhưng nó không biết làm, khó lắm. Nó không đi học ngày nào, biết làm gì! Người ta bảo nó trả tiền chuộc rồi về đi chứ tốn nơi ở, nuôi tốn cơm. Nó khóc bảo gia đình nhanh kiếm tiền chuộc về, nếu không là nó chết chứ khổ quá chịu không được. Mẹ nó nghe tin thì khóc ngất đi”.
Những ngày buồn ở Kloong
Cuộc sống người dân làng Kloong bao năm qua dẫu còn nhiều khó khăn nhưng yên bình. Người làng mưu sinh bằng nghề nông, đi làm công nhân cho các công ty đứng chân trên địa bàn hay làm công nhật. Đại hoạ ập xuống làng khi nhiều thanh niên nhẹ dạ nghe lời đường mật của những kẻ buôn người, bị đưa qua Campuchia.
Bà K.Ph có 2 người con trai là T. (28 tuổi) và Đ. (24 tuổi) cùng đi theo nhóm thanh niên trong làng sang Campuchia. Cả hai đều đã có gia đình, làm quần quật quanh năm nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng họ. Riêng Đ. mới lập gia đình 2 năm nay, vợ đang có thai 5 tháng. Nghe tin có việc tốt, lương cao, họ đã dứt áo rời làng. Và giờ đây là chuỗi ngày cay đắng, âu lo cho cả họ lẫn gia đình.
Sáng 29.6, chúng tôi đã đến làng và tận thấy những câu chuyện buồn. Trong căn nhà sàn cũ kĩ, xiêu vẹo, hai bên vách được thưng những tấm ván đã bị mưa nắng, mối mọt làm cho hư hỏng. Tôn lợp nhà thủ lỗ chỗ. Chỉ một cơn mưa to đổ xuống, cả nhà như…ngồi ngoài trời. Căn nhà chực đổ xuống bất cứ lúc nào. Bà K.Ph nghe tin phải có đến 80 triệu để chuộc con về thì tay chân rụng rời.
Bà nói: “Mình nghèo quá! Không có nổi mấy trăm ngàn. Nhà chỉ có vài sào rẫy trồng mì. Tiền đâu mà nhiều thế. Mấy hôm nay, cả nhà chả ăn cơm nổi”.
|
Căn nhà chỉ chực sập của nạn nhân T.
|
Chị S.N, vợ của anh Đ. nói: “Mình không biết chồng đi làm ăn xa vì chồng giấu cả mình và gia đình. Chỉ đến khi đi rồi mới gọi điện về nói là đi TP.HCM để làm việc gì đó với mức lương cao, ai ngờ cả nhóm thanh niên trong làng sang tận Campuchia. Khoảng 9 giờ đêm, anh ấy lẳng lặng cùng nhóm thanh niên đi. Giờ mình chẳng biết làm sao. Nhà nghèo, đến 1 triệu cũng không có, nghe đến cả trăm triệu mới về được là mình sợ lắm, không biết làm sao”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ksor Tương, Phó chủ tịch UBND xã Ia O cho biết: “Khi biết được những thanh niên trong làng nghe lời dụ dỗ của những đối tượng buôn người đi sang Campuchia, chúng tôi đã khẩn trương báo cáo lên cấp trên. Chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con trong xã không nghe theo nữa kẻo tiền mất tật mang. Hiện cơ quan chức năng đã vào cuộc để hỗ trợ các gia đình. Họ đều thuộc diện hộ nghèo, khó khăn. Tiền đâu mà chuộc thân”.
Đường dây buôn người
Vài ngày gần đây, những kẻ buôn người liên tục cho những thanh niên trong làng gọi về cho người thân, thúc giục gửi tiền chuộc thân.
Chị S.L, chị gái của anh Đ. kể: “Có một thanh niên tự xưng là H., đại diện cho công ty T.S.V.N nói là muốn đưa Đ. về thì phải chuyển 80 triệu đồng cho họ. Ngoài ra còn phải gửi thêm 10 triệu để họ đưa sang biên giới về đến đất VN và tự về nhà. Họ nói chỉ cho thời gian 2 ngày để gia đình lo liệu. Chúng tôi toàn là hộ nghèo, làm gì mà có số tiền lớn như thế”.
|
Nhắc đến con, bà P. (áo xanh) chỉ biết khóc
|
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những thanh niên này hầu hết là không biết chữ hoặc ít học, ít ra khỏi làng. Trong những cuộc điện thoại về gặp người thân, họ khóc lóc và xin gia đình kiếm tiền chuộc mình về. Chắc chắn rằng họ biết gia đình mình khó khăn, khó có số tiền lớn như vậy. Có lẽ, vì sự thúc ép, doạ dẫm hay bị những kẻ buôn người đánh đập nên phải cầu cứu người thân.
Từ lúc nhận tin phải lo đủ 150 triệu C. mới được về, bà Ksor B. không thể ngủ được, ban đêm cứ ngồi trên ngạch cửa khóc rấm rứt. Nhà nghèo, cái ăn còn lo chưa đủ. Tiền đâu mà chuộc con!
Những ngày này, mọi người có người thân sang Campuchia bị đòi tiền chuộc thân cứ tụm lại hỏi xem tin tức. Nhưng họ cũng chỉ nhận được tin mà con em họ gọi về hối thúc gửi tiền chuộc qua các cuộc điện thoại ngắn ngủi. Tất cả thất thần, buồn bã.
Trung tá Đinh Văn Sơn, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết đã nhận và xử lý thông tin khi tìm hiểu hay được nhiều người trình báo về thủ đoạn mới là lừa đi làm việc tại Campuchia với mức lương 800 đến 1.000 USD/tháng.
Theo thông tin trình báo của một số nạn nhân khi sang Campuchia, họ được đưa vào sống trong các căn hộ chung cư do người Trung Quốc quản lý. Công việc hàng ngày là qua mạng xã hội gọi điện về VN lừa đảo người trong nước bằng các hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng, kêu gọi đầu tư, lôi kéo dụ dỗ đi làm việc tại Campuchia… Nếu không đạt chỉ tiêu, họ sẽ bị phạt ít nhất 1.000 USD, bị đánh đập, bỏ đói rồi sau đó buộc phải gọi điện cho người nhà đòi tiền chuộc. Họ chỉ được thả khi gia đình đã nộp số tiền không nhỏ để chuộc thân.
“Những người dân khi có nhu cầu tìm việc làm cần phải tìm hiểu kỹ, muốn tìm việc và thực hiện các thủ tục theo quy định về hợp đồng lao động. Đồng thời, tìm hiểu công việc, nơi làm thông qua chính quyền địa phương hoặc cơ quan của ngành LĐ-TB-XH để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể. Những người dân phải thật sự tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội, cần có kiểm chứng để tránh việc bị lừa đảo”, ông Sơn nói.
Theo Thanh niên