Sửa chữa sai lầm của thiên nhiên
|
Christine Jorgensen đeo nhẫn đính hôn bằng kim cương tại khách sạn Sahara ở Las Vegas sau khi trở thành người Mỹ đầu tiên trải qua cuộc phẫu thuật xác nhận giới tính năm 1952 - Ảnh: Getty Images |
Năm 1952, Christine Jorgensen (26 tuổi) ngồi viết thư cho gia đình trong lúc chuẩn bị trở về Mỹ sau khi trải qua can thiệp y tế tại Đan Mạch. “Con đã thay đổi rất nhiều. Nhưng con muốn mọi người biết rằng con là một người vô cùng hạnh phúc… Thiên nhiên đã mắc sai lầm, nên con đã sửa chữa. Bây giờ con là con gái của cha mẹ”. Nội dung bức thư kèm theo một vài bức ảnh mới nhất của Jorgensen gây cú sốc lớn trong dư luận. Là người Mỹ đầu tiên phẫu thuật xác định lại giới tính, cựu quân nhân Jorgensen là cô gái chuyển giới nổi tiếng nhất thế giới trong thời đại của mình.
Theo Jules Gill-Peterson - phó giáo sư lịch sử Đại học Johns Hopkins (Mỹ) - “Mặc dù sự kỳ thị, bạo hành và áp bức là một phần của lịch sử chuyển giới, người chuyển giới vẫn sống thực sự thú vị, giàu có, hạnh phúc và hưng thịnh. Có rất nhiều bằng chứng về sự khác biệt giới tính trong suốt lịch sử loài người. Các nền văn hóa khác nhau đã thừa nhận giới tính thứ ba”.
Đầu thế kỷ XX, tiến bộ y học trong liệu pháp hoóc-môn và phẫu thuật đã giúp việc xác nhận giới tính trở nên khả thi. Viện Nghiên cứu tình dục Magnus Herschfeld (Đức, thành lập năm 1919) là nơi tiên phong tiến hành xác nhận giới tính trong y tế. Điều này đã làm thay đổi cuộc sống của những người chuyển giới và quan niệm của công chúng. Bệnh nhân xác nhận giới tính đầu tiên của viện là một người Đức tên Lili Elbe, đã chết năm 1931 sau một ca cấy ghép tử cung thất bại.
Như đã nêu, thập niên 1950, “cô” Jorgensen đã phối hợp cả liệu pháp hoóc-môn và một loạt ca phẫu thuật để khẳng định giới tính ở Đan Mạch và Mỹ. Sau những trường hợp công khai như Jorgensen, thuật ngữ “chuyển giới” mới được đưa vào từ điển. Nó trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong những năm 1990 cùng phong trào tự hào chuyển giới càng lúc càng phát triển.
Tiếp tục đấu tranh với định kiến xã hội
Từ giữa thế kỷ XX, các nhà hoạt động chuyển giới bắt đầu thúc đẩy sự chấp nhận rộng rãi hơn của xã hội. Có những nỗ lực rất sớm nhằm giành quyền công dân cho người Mỹ LGBT kể từ vụ bạo loạn năm 1959. Cảnh sát đã gặp phải sự chống trả quyết liệt khi họ ập vào bắt giữ ngẫu nhiên những phụ nữ chuyển giới tại Cooper Donut, một quán cà phê nổi tiếng của cộng đồng LGBT ở Los Angeles.
Thập niên 1960 tiếp tục chứng kiến những nỗ lực khẳng định mình của người chuyển giới tại San Francisco. Nổi bật là việc thành lập tạp chí Transvestia phục vụ cộng đồng. Lớn hơn là cuộc nổi dậy Stonewall năm 1969 đã cổ vũ phong trào tự hào đồng tính. Dù vậy, người chuyển giới vẫn bị phân biệt ngay trong chính cộng đồng của mình. Người chuyển giới vẫn tiếp tục đấu tranh với định kiến xã hội và sự ngược đãi nhiều khía cạnh, các thách thức luật pháp ngăn cấm họ kết hôn.
Năm 1999, nhà hoạt động chuyển giới Monica Helms đã thiết kế biểu tượng để xác định phong trào. Đó là lá cờ tự hào của người chuyển giới. Sử dụng sọc xanh lam và hồng - những sắc màu có mối liên hệ sâu sắc với việc phân định giới tính. Lá cờ cũng có sọc trắng để đại diện cho những người là người chuyển giới, đang trong giai đoạn xác định hoặc không xác định giới tính.
Bất chấp phong trào tự hào của người chuyển giới đang phát triển mạnh mẽ, tình trạng người chuyển giới bị gạt ra ngoài lề vẫn tiếp tục. Chỉ riêng năm 2021, Chiến dịch Nhân quyền ước tính có 50 người chuyển giới và phi giới tính đã bị sát hại. Trung tâm Quốc gia về bình đẳng chuyển giới Mỹ báo cáo rằng cứ bốn người chuyển giới thì có hơn một người từng bị tấn công do thành kiến xã hội.
Để thay đổi hoàn toàn nhận thức, theo Gill-Peterson, các nhà sử học và công chúng phải bỏ ý nghĩ rằng sự tồn tại của người chuyển giới chỉ là một hiện tượng gần đây. Lịch sử LGBT đã có từ lâu và không bị “che khuất” bất cứ giai đoạn nào từ quá khứ đến hiện tại.
Theo phunuonline.com.vn