leftcenterrightdel
 Đám đông tại Orlando (Mỹ) chào mừng Tháng tự hào của cộng đồng LGBTQ+ hồi tháng 6/2018 - Ảnh: COWPO

1/4 sinh viên LGBTQ+ muốn bỏ học vì sức khỏe tâm thần

Đầu tháng 6/2022, trang web xếp hạng đại học và tài nguyên giáo dục bestcolleges.com công bố khảo sát cho thấy cứ bốn sinh viên LGBTQ+ tại Mỹ thì có hơn một người đang cân nhắc bỏ học vì những thách thức liên quan sức khỏe tâm thần. 92% sinh viên LGBTQ+ cho biết tình trạng sức khỏe tâm thần của họ ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích học tập.

Nhà phân tích Jessica Bryant (BestColleges) nhận định: “Về mặt giáo dục, tình trạng này ảnh hưởng đến tất cả các mặt của đời sống trong tương lai. Nếu chúng ta thấy ngày càng ít sinh viên LGBTQ+ hoàn thành đại học, đồng nghĩa với việc sẽ có ít thành viên cộng đồng này tham gia lực lượng lao động hơn. Đây là điều không hề tốt, thậm chí có hại cho mọi thành phần xã hội”.

Kết quả thống kê cho biết có 21% người Mỹ thuộc thế hệ Z - những người sinh từ năm 1997 đến 2003 - hiện đã xác định mình là LGBTQ+. Những người trẻ này cho biết phải đối mặt nhiều thách thức về sức khỏe tâm thần khi bắt đầu bước chân vào đại học. Họ bị ngắt kết nối với các mạng lưới hỗ trợ xã hội dành cho sinh viên, phải vật lộn, tìm cách khẳng định LGBTQ+ với bạn bè và thầy cô. Rào cản tài chính, khó khăn trong đặt lịch hẹn tư vấn tâm lý cũng như tình trạng thiếu chuyên gia tư vấn LGBTQ+ bài bản cũng là những trở ngại khiến họ không được hỗ trợ về sức khỏe tâm thần khi cần.

Laura Horne - Giám đốc chương trình Active Minds, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần giới trẻ - cho rằng để giải quyết những thách thức về sức khỏe tâm thần đòi hỏi các biện pháp phòng ngừa. Ngay cả các giáo sư, nhà quản lý và nhân viên trường cũng cần được cung cấp năng lực văn hóa để bảo đảm sự thấu hiểu.

Cần sự hỗ trợ của cha mẹ 

Tại Hồng Kông (Trung Quốc), một con số thống kê đáng lo ngại cho thấy 71% thanh niên trong cộng đồng LGBTQ+ cho biết họ cảm thấy buồn hoặc tuyệt vọng trong ít nhất hai tuần/năm. Benita Chick Ben-yue - một người đồng tính lớn lên trong hệ thống trường học công giáo - nói: “Cộng đồng này là một vườn ươm của các nhà sáng tạo và đổi mới. Họ luôn hướng đến những thay đổi tích cực và đóng góp cho xã hội”.

Trong chặng đường dài đấu tranh nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về cộng đồng LGBTQ+, những người ủng hộ quyền LGBTQ+ tại Hồng Kông đã “nức lòng” khi một cặp đồng tính nữ ly thân đã đòi được quyền công nhận là người giám hộ hợp pháp cho hai đứa con của họ.

“Vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Nếu đạt được việc thừa nhận hôn nhân đồng giới sẽ là một bước tiến tích cực. Vấn đề lớn nhất và gây sốc nhất là Hồng Kông không có luật bảo vệ con người trong cuộc chiến chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục hoặc giới tính của họ. Tuy điều này đã được thảo luận từ những năm 1990, nhưng hiện nếu bạn bị sa thải hoặc bị phân biệt đối xử vì xu hướng tính dục, bạn không được pháp luật bảo vệ”, Chick nói.

Theo Chick, một nền giáo dục tốt hơn mới có thể cải thiện bức tranh xám xịt hiện tại. Nội dung giáo dục giới tính trong các trường phổ thông đã quá lỗi thời khi chỉ chăm chăm thảo luận về tránh thai và phòng, chống HIV. Có rất ít trao đổi giữa thầy trò về khuynh hướng tính dục và bản dạng giới. “Do đó, lời khuyên tốt nhất dành cho các bậc cha mẹ là hãy có một đôi tai thấu cảm. Hãy lắng nghe con bạn mà không phán xét. Việc thiếu sự hỗ trợ của cha mẹ có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên”, Chick kêu gọi. 

 LGBTQ+ là những chữ cái viết tắt của lesbian (đồng tính nữ), gay (đồng tính nam), bisexual (song tính), transgender (người chuyển giới) và queer (không giới tính) hoặc questioning (chưa xác định giới tính). Dấu “+” còn là đại điện cho sự tồn tại đa dạng của các nhóm khác trong cộng đồng… thể hiện sự đa dạng của con người dựa trên giới tính trong xã hội. 

Theo phunuonline.com.vn