leftcenterrightdel
 James Vlahos giữ trong tay bức ảnh của cha mẹ - John và Martha Vlahos. Để tưởng nhớ cha, Vlahos tạo ra một phần mềm chatbot cho phép ông “trò chuyện” với người cha đã mất - Ảnh: The Washington Post

Năm 2020, tác phẩm tài liệu của Hàn Quốc có tên “Meeting you” gây chú ý khi phác họa câu chuyện về một phụ nữ chịu nỗi đau mất đứa con gái 7 tuổi do bệnh nan y. Suốt 3 năm tiếp theo, Jang Ji-sun bị giày vò vì đã không có cơ hội nói lời từ biệt con.

Đội ngũ sản xuất dự án tài liệu tạo ra một phiên bản số hóa của Na-yeon - con gái Jang Ji-sun, giúp người mẹ nhìn ngắm đứa con đã mất thông qua chiếc kính thực tế ảo. Ở không gian ảo, bé gái thình lình xuất hiện, chạy về phía trước gọi mẹ. Jang Ji-sun xúc động trả lời: “Mẹ nhớ con nhiều lắm, Na-yeon”. 

Đoạn video của dự án “Meeting you” đã thu hút 19 triệu lượt xem. Dẫu trải nghiệm gặp lại con đau xót, cô Jang vẫn muốn được cùng Na-yeon nói lời từ biệt.

Nhân loại luôn khao khát được kết nối với người thân đã khuất. Hàng thế kỷ qua, tùy vào mỗi khu vực địa lý và đặc trưng văn hóa, nỗ lực này phản ánh qua một số hoạt động tâm linh kỳ lạ như các buổi lên đồng hay tục lưu giữ thi thể trong nhà. Giữa kỷ nguyên số hóa, công nghệ thực tế ảo và AI (trí thông minh nhân tạo) giúp chúng ta tiến gần hơn đến mơ ước hồi sinh người chết, chí ít là ở khía cạnh tinh thần.

Việc  “giữ gìn mối liên kết” - như xem lại băng video gia đình, đoạn ghi âm trên điện thoại hay trò chuyện bằng chatbot (một dạng phần mềm sử dụng AI để quản lý các cuộc trò chuyện trực tuyến tự động hóa) được lập trình sẵn giọng nói của người đã khuất - có thể phần nào xoa dịu nỗi đau chia ly.

 Giáo sư Hossein Rahnama - chuyên gia nghiên cứu về khoa học máy tính, công tác tại Đại học Toronto Metropolitan (Ontario, Canada - đã sáng lập diễn đàn trực tuyến Augmented Eternity. Người dùng có thể tạo ra một nhân vật kỹ thuật số từ bất kỳ thông tin cá nhân nào liên quan đến người thân đã mất và “tương tác” với họ.

Theo Rahnama, dự án này đặc biệt lôi cuốn thế hệ trẻ - vốn đã quen cập nhật cuộc sống riêng lên thế giới mạng. Vị giáo sư tiết lộ, mỗi tuần, ông nhận được nhiều email phản hồi từ những người đang lâm bệnh nặng. Họ muốn xây dựng một phiên bản số hóa của mình như món quà tinh thần gửi đến người thân về sau.  

Có chung ý tưởng là ứng dụng di động HereAfter do chuyên gia công nghệ người Mỹ James Vlahos phát triển. Ứng dụng này hỗ trợ người dùng hồi tưởng và lưu trữ các câu chuyện, kỷ niệm cá nhân đáng nhớ. Sau khi qua đời, người thân của họ có thể dùng HereAfter để lắng nghe, thậm chí tương tác một cách sống động với những hồi ức này.

Các chuyên gia tâm lý học tin rằng, tương tác với một bản sao ảo của người đã khuất có thể đem lại hiệu quả trị liệu nhất định, đặc biệt là với một số trường hợp tử vong bi đát khiến người sống dằn vặt tinh thần.

Tuy vậy, giáo sư Albert Rizzo (Khoa Tâm thần học và Tâm lý học hành vi, Đại học Nam California, Mỹ, có nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực sáng tạo kỹ thuật số trong y học) nêu lên nghi ngại: “Được trao cơ hội “gặp lại” người thân đã qua đời, chúng ta sẽ tìm thấy niềm an ủi, hay nó có thể trở thành trải nghiệm gây nghiện?”.

Giáo sư, bác sĩ tâm lý Robert Neimeyer - đang hành nghề tại Portland, bang Oregon, Mỹ - chia sẻ: “Một nhu cầu cơ bản của con người là được gắn kết với nhau. Những mối quan hệ mang tính bảo bọc - như giữa cha mẹ và con cái - càng có ý nghĩa đặc thù. Nhìn từ góc độ tiến hóa, đây là một trong những bản năng thuần túy mạnh mẽ nhất. Và chúng ta đang tích cực sử dụng công nghệ hiện đại để phục vụ nhu cầu này”. 

Theo phụ nữ TPHCM