Phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ước tính, đại dịch COVID-19 đã đẩy thêm 47 triệu trẻ em gái và phụ nữ vào tình trạng nghèo cùng cực.

Dữ liệu từ 40 quốc gia cho thấy, trong thời gian xảy ra đại dịch, có đến 36% phụ nữ ngừng làm việc, tỷ lệ này ở nam giới là 28%. Việc các trường học, trung tâm chăm sóc trẻ em và chợ địa phương đóng cửa khiến phụ nữ phải ở nhà thay vì đi làm bên ngoài để có thêm thu nhập cho gia đình.
leftcenterrightdel
 Viện trợ quốc tế chưa thực sự giúp phụ nữ và trẻ em vượt qua khủng hoảng đói nghèo

Phụ nữ cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn trong vấn đề dinh dưỡng. Trong năm 2021, số phụ nữ đang gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực nhiều hơn con số tương tự ở nam giới ít nhất là 150 triệu người, và con số này đang ngày càng gia tăng.

Các cuộc xung đột trên thế giới làm tăng giá lương thực, nhiên liệu và vật tư nông nghiệp, khiến phụ nữ và trẻ em gái có nhiều khả năng phải gánh chịu tác động nặng nề hơn. Khi các nguồn cung khan hiếm, phụ nữ phải thường xuyên nhường nhịn nguồn thực phẩm ít ỏi cho các thành viên khác trong gia đình.

Ngay cả trước đại dịch, ước tính có khoảng 60% người thiếu dinh dưỡng là phụ nữ. Những người độc thân, đặc biệt là các bà mẹ, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trong cùng một hộ gia đình, kể cả trong các hộ gia đình không được phân loại là nghèo, phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao hơn nam giới.

Khủng hoảng cũng khiến phụ nữ và trẻ em gái phải sống trong các môi trường kém an toàn hơn, trong khi việc tiếp cận các dịch vụ như giáo dục, chăm sóc y tế trở nên khó khăn hơn. Một nghiên cứu về tác động của COVID-19 ở 6 quốc gia châu Phi cho thấy phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực do phân biệt giới nhiều hơn. 71% người lớn được hỏi cho biết có nhiều trẻ em gái bị bóc lột về kinh tế và tình dục hơn.

Trẻ em gái nghỉ học do COVID-19 cũng ít có khả năng quay trở lại hơn so với trẻ em trai, điều này làm ảnh hưởng đế sức khỏe sinh sản, cơ hội việc làm và phúc lợi của các em sau này. 

Ngân hàng Thế giới (WB), nhóm G7 gồm các nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã cam kết cùng đóng góp 40 tỷ USD để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng lương thực và nhân đạo.

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, các chương trình viện trợ này có xu hướng ưu tiên cho nam giới. Các chương trình trợ cấp thường tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp thương mại do nam giới khai thác, trên chính những mảnh đất mà phụ nữ từng sử dụng để trồng cây lương thực và buôn bán nhỏ để nuôi sống gia đình. 

Đối tượng nhận được trợ cấp cũng thường được yêu cầu chứng minh có sở hữu đất đai và am hiểu kỹ thuật số, cả hai đều là rào cản đối với những phụ nữ bị đang bị thiệt thòi nhất.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, một trong những cách hiệu quả để giúp đỡ phụ nữ là hỗ trợ họ mở lại các cơ sở kinh doanh đã đóng cửa trong đại dịch, và mở các cơ sở kinh doanh mới. Từ năm 2013, chính phủ Kenya đã dành 30% hợp đồng mua sắm công cho phụ nữ. Để đối phó với COVID-19, Senegal cũng đã ưu tiên mua ngũ cốc của nông dân là phụ nữ để bổ sung cho chương trình kho thực phẩm khẩn cấp của quốc gia.

Ngoài ra, các mạng xã hội hiện có và các nhóm phụ nữ có thể giúp chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trong việc đào tạo, cung cấp thông tin và nguồn lực trong lĩnh vực nông nghiệp, ở những nơi phụ nữ cần nhất. 

Chẳng hạn, ở Ấn Độ, tổ chức SEWA đã thành lập 160 hợp tác xã và 15 công đoàn kinh tế để hỗ trợ lao động nữ phi chính thức, bao gồm những người buôn bán nhỏ, nông dân, các nghệ nhân, cũng như cung cấp dịch vụ tín dụng, chăm sóc trẻ em và pháp lý. Trong thời gian đại dịch, SEWA đóng vai trò trung gian giữa các nữ nông dân và chính phủ, giúp phụ nữ đăng ký nhận các khoản cứu trợ của chính phủ.

Theo phunuonline.com.vn