Theo dữ liệu tạm thời được Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia (NCHS), thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), công bố hôm 17/2, tuổi thọ hiện tại của người Mỹ tương đương với năm 2006. Lần gần nhất tuổi thọ trung bình giảm nghiêm trọng hơn là trong Thế chiến II.
Người Mỹ da đen và người Mỹ gốc Latinh bị ảnh hưởng nặng nề hơn người da trắng, phản ánh sự chênh lệch chủng tộc trong đại dịch, theo phân tích mới. Người Mỹ da đen giảm 2,7 năm tuổi thọ, người gốc Latinh giảm 1,9 năm và người da trắng giảm 0,8 năm.
"Đáng giật mình. Đây là một tác động rất lớn", Steven Woolf, giám đốc danh dự của Trung tâm Xã hội và Sức khỏe tại Đại học Virginia Commonwealth, người đang biên soạn dữ liệu tuổi thọ cho cả năm 2020, cho hay.
Tuổi thọ trung bình, được coi là thước đo đáng tin cậy về y tế của một quốc gia, tăng đều đặn ở Mỹ từ giữa thế kỷ 20, với mức giảm hàng năm nhỏ trong những năm gần đây, chủ yếu do những trường hợp tử vong vì dùng ma túy quá liều, nghiện rượu và tự tử. Tuổi thọ trung bình giảm dần từ năm 2015 đến năm 2017 khiến chuyên gia y tế công cộng lo ngại sau nhiều thập kỷ chống lại bệnh tim, ung thư và các bệnh khác.
Năm 2019, tuổi thọ trung bình tăng trở lại khi số ca dùng ma túy quá liều gây tử vong lần đầu giảm nhẹ sau 28 năm.
Tin tốt duy nhất trong báo cáo mới là tuổi thọ thường tăng trở lại nhanh chóng, do cách tính tuổi thọ. Các chuyên gia cho biết họ mong đợi điều này khi Mỹ dập tắt đại dịch.
Nhìn chung, dữ liệu của NCHS cho thấy tuổi thọ trung bình của toàn bộ dân số Mỹ nửa đầu năm 2020 là 77,8 tuổi. Đối với người Mỹ da đen, con số này là 72, đối với người Latinh là 79,9 và người da trắng là 78. Tuổi thọ của phụ nữ thường cao hơn, 80,5 năm so với 75,1 ở nam giới. NCHS không bao gồm số liệu về người Mỹ gốc Á hoặc các nhóm chủng tộc khác.
Các chuyên gia không ngạc nhiên trước số liệu mới vì Mỹ hiện ghi nhận tới gần 500.000 ca tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, họ cho biết quy mô giảm tuổi thọ, đặc biệt đối với người Mỹ da đen và người gốc Latinh, lớn hơn dự kiến. "Đây là mức giảm lớn", Elizabeth Arias, nhà khoa học sức khỏe của NCHS và là tác giả chính của báo cáo, cho biết. "Chúng tôi chưa từng chứng kiến mức giảm lớn như vậy từ nửa đầu thế kỷ 20, thời điểm bệnh truyền nhiễm phổ biến hơn nhiều".
Sự khác biệt giữa mức giảm tuổi thọ giữa người da trắng và nhóm người da đen, gốc Latinh, là đáng báo động nhất. "Đó là những chênh lệch rất lớn và nó phản ánh đại dịch ảnh hưởng đến hai nhóm thiểu số này nhiều hơn so với nhóm đa số. Họ chiếm phần lớn số ca tử vong", Arias nói.
Covid-19 đã tàn phá các cộng đồng da màu trên khắp nước Mỹ. Nhóm người này chiếm phần lớn lao động thiết yếu, không thể tránh được virus trong công việc, hoặc những người sống trong các ngôi nhà nhiều thế hệ. Người Mỹ da đen và gốc Latinh ít được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, gồm xét nghiệm, và có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, như huyết áp cao và tiểu đường, làm tăng khả năng bị tổn thương khi mắc Covid-19.
Dữ liệu trong nghiên cứu mới được thu thập từ 6 tháng đầu năm 2020, khi virus gây thiệt hại nặng nề nhất trong đợt bùng phát qua vùng Đông Bắc, nơi sinh sống của các nhóm lớn người da đen và Latinh. Làn sóng thứ hai và thứ ba quét qua các vùng rộng lớn hơn của Mỹ và Arias nói rằng khi nhóm kiểm tra dữ liệu đầy đủ của một năm, tỷ lệ người da trắng tử vong sẽ tăng.
Dữ liệu cũng phản ánh tổng số ca tử vong gia tăng do các nguyên nhân khác, như đột quỵ và sử dụng ma túy quá liều. Trong những tháng đầu năm 2020, một số người bị bệnh nặng đã trì hoãn đi khám vì lo sợ virus mới, dẫn đến tử vong.
Trong báo cáo ngày 2/2 khi xem xét dữ liệu cả năm 2020, Theresa Andrasfay của Đại học Nam California và Noreen Goldman ở Princeton ước tính tuổi thọ của người Mỹ sẽ giảm 1,13 năm do đại dịch. Họ nói người Mỹ da đen và Latinh sẽ chịu mức giảm nhiều hơn người Mỹ da trắng từ 3 đến 4 lần. "Covid-19 dự kiến đảo ngược hơn 10 năm tiến bộ đạt được trong việc thu hẹp khoảng cách giữa người da đen và người da trắng về tuổi thọ", các tác giả cho hay.
Theo vnexpress