Người phụ nữ 30 tuổi ở thành phố Kansas bang Missouri làm việc bán thời gian, có hai con 4 tuổi và 2 tuổi. Đã nhiều năm, Paige phải tìm đến chuyên gia trị liệu để giải quyết nỗi cô đơn cùng các vấn đề khi làm mẹ. Trước đại dịch, Paige tham gia các nhóm thể dục, gặp gỡ bạn bè và đưa lũ trẻ ra ngoài chơi. Thế nhưng, từ tháng 3 năm nay, những niềm vui giản dị ấy biến mất.
"Làm thế nào chúng ta có thể nuôi dưỡng lũ trẻ khi chính các bố mẹ không thể nuôi dưỡng chính bản thân", Paige đặt câu hỏi.
Ở Mỹ, Covid-19 đã kéo dài bảy tháng và tác động của nó đến sức khỏe tâm thần của các bậc phụ huynh vẫn còn khá lớn, thậm chí không có dấu hiệu giảm bớt.
Nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ chỉ ra từ tháng 4 đến tháng 5/2020, bố mẹ có con dưới 18 tuổi là đối tượng bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề nhất về mặt tinh thần. Cuối tháng 7, dữ liệu của Đại học Oregon từ cuộc khảo sát trên 1.000 phụ huynh cũng cho thấy kết quả tương tự. Trong đó, 63% người tham gia cảm thấy bị mất sự hỗ trợ về mặt tình cảm trong đại dịch. Nghiên cứu của Đại học Harvard chỉ ra 61% phụ huynh có con 5-7 tuổi ở Massachusetts "căng thẳng, lo âu" vì dịch bệnh.
"Chúng ta cần coi đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần", Pooja Lakshmin, phó giáo sư tâm thần học từ Đại học Y George Washington nhận định.
Trong số các bậc phụ huynh, có hai nhóm đặc biệt dễ bị lo âu, thậm chí là trầm cảm. Đó là phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con và các bố mẹ gặp vấn đề tài chính, khó đáp ứng nhu cầu cơ bản của con.
Trước đại dịch, ước tính 10-25% phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con được một năm bị lo âu và trầm cảm. Năm nay, tỷ lệ này tăng đột biến. Một nghiên cứu của Canada trên 2.000 phụ nữ mang thai cho thấy 37% có dấu hiệu trầm cảm rõ ràng và 57% rơi vào tình trạng lo âu. Nghiên cứu khác, cũng của Canada, tiến hành trên một nhóm 900 phụ nữ mang thai hoặc mới sinh. So với trước đại dịch, tỷ lệ trầm cảm của nhóm này tăng từ 15% lên 40% còn tỷ lệ lo âu tăng từ 29% lên 72%.
Theo khảo sát của Đại học Oregon, nguyên nhân khiến các bố mẹ căng thẳng trong mùa dịch là việc không thể đảm bảo thức ăn, quần áo và nơi ở cho các con. "Chúng tôi cứ nghĩ rằng nỗi lo bị ốm mới là nguồn stress lớn nhất", tiến sĩ Philip Fisher, người đứng đầu khảo sát cho biết. Hơn 60% phụ huynh gặp khó khăn tài chính rơi vào trạng thái căng thẳng trong khi tỷ lệ này ở những bậc cha mẹ không lo lắng về tiền nong là 30%.
Vậy, các bố mẹ có thể làm gì để tăng cường sức khỏe tinh thần của bản thân trong thời kỳ khó khăn? Lucy Rimalower, chuyên gia trị liệu gia đình và hôn nhân ở Los Angeles khuyến khích phụ huynh tự hỏi bản thân: Cách chăm sóc bản thân nào thực tế với bạn vào thời điểm hiện tại? "Đó có thể là năm phút tập yoga hoặc năm phút nhắn tin cho bạn bè", Rimalower gợi ý.
Các nghiên cứu chỉ ra tập thể dục (ví dụ như năm phút tập yoga) và kết nối cảm xúc (nhắn tin với bạn bè) giúp giảm stress hiệu quả. Khảo sát của Đại học Oregon cũng phát hiện các bố mẹ sẽ bớt căng thẳng nếu nhận được sự hỗ trợ về tinh thần, nhất là khi sự hỗ trợ ấy đến từ những người thân như bạn đời, bố mẹ hoặc thậm chí chính những đứa trẻ. "Nhiều phụ huynh nhìn con cái như một nguồn an ủi", tiến sĩ Fisher nói.
Phó giáo sư Lakshmin khuyến khích bố mẹ khám phá các hoạt động mới với con, ví dụ như đạp xe buổi sáng hoặc tổ chức các sự kiện nhỏ tại nhà. "Cuối tuần trước, tôi chuẩn bị một buổi làm móng tại gia cho các con và cả nhà đã có quãng thời gian vui vẻ", nữ chuyên gia chia sẻ.
Theo vnexpress